Kỳ Anh

Xóm Phú Thượng Kỳ Anh Đẫm lệ

10g ngày 1-1, chiếc ôtô màu trắng của Công ty Lod chở quan tài thủy thủ gặp nạn ở Nam cực Nguyễn Tương từ từ đi vào xóm Phú Thượng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Chiếc xe vừa vào tới ngõ nhà, tiếng khóc con, gọi cháu vỡ òa.

Chiếc quan tài kẽm lạnh lẽo tiến vào ngõ. Con về. Người mẹ vật vã ôm lấy quan tài gào khóc. Hai tay bà cứ cào cấu muốn mở nắp quan tài để nhìn mặt con, hàng xóm phải vất vả gỡ tay bà ra khỏi quan tài. Gục ra ngất lịm. Người mẹ đau khổ ấy là bà Đặng Thị Lân.


Giấc mơ cao đẳng vùi trong biển lạnh


Mấy người hàng xóm kể từ khi biết tin dữ từ Nam cực, đêm nào xóm Phú Thượng cũng nghe tiếng khóc thương ai oán của bà. Nguyễn Tương là đứa con trai duy nhất của hai vợ chồng bà Lân. Nhà nghèo, hai vợ chồng bà cố vay mượn cho Tương đi Hàn Quốc. Đi chuyến đầu vào năm 2007 được năm tháng thì Tương về, lương thưởng chỉ đủ trả nợ. Ngày 15-8-2010, Tương bay sang Hàn tiếp.


“Ngày tiễn nó đi, ba mẹ nó mời chúng tôi dự tiệc với bao niềm hi vọng, ai ngờ ngày nó về lại nằm trong chiếc quan tài lạnh lẽo thế” – bà Lê Thi Hương, một người hàng xóm, sụt sùi nói. Có người nói từ nhỏ đến lớn, Tương là một cậu bé chăm ngoan, học khá. Tương từng thi đậu cao đẳng nhưng bố mẹ không có tiền đành bỏ lỡ giấc mơ đến cổng trường.


“Khi đi nó nói sẽ cố gắng kiếm tiền về cho bố mẹ làm nhà và sẽ trở lại cổng trường, vậy mà sao ông trời lại nỡ bất công thế này” – ông Nguyễn Tuấn, bố của Tương, khóc ngất bên quan tài con.


Nghe tin Nguyễn Tương được đưa về, thủy thủ Trần Đình Khánh – người may mắn sống sót khi tàu In Sung 1 chìm – nhòa lệ kể về Tương: “Nó là đứa rất chăm làm việc và luôn được thuyền trưởng tin tưởng. Tàu chìm, Tương cũng mặc áo phao và bám lại. Khi tàu Hong Zin 707 vừa đến cứu thì cũng là lúc Tương chịu không được lạnh giá nên đã chìm dần vào biển lạnh. Chỉ cần tàu cứu hộ đến sớm vài phút thì giờ này Tương cùng sống với chúng tôi rồi”.


Ngày đầu năm mới, cả xóm Phú Thượng đẫm lệ buồn. Ông Hồ Xuân Thi, chủ tịch xã Kỳ Khang, đến thắp hương lên bàn thờ và quặn lòng nói: “Tui cũng chẳng nhớ đây là lần thứ mấy thay mặt chính quyền xã thắp hương cho các thủy thủ đi xuất khẩu lao động trở về trong quan tài. Tương cũng như 670 người ở xã Kỳ Khang đang lao động ở nước ngoài đóng góp nguồn thu nhập chính cho địa phương. Em mất quá sớm, không biết mai này cuộc sống bố mẹ em sẽ ra sao đây”.


Nghĩa trang thuyền viên


Sau khi đón nhận thi thể, chính quyền xóm Phú Thượng đã cử hành nghi thức của một đám tang cho Tương. Ông Lê Nhật Tân, phó tổng giám đốc LOD, thắp hương chia buồn, cam kết hoàn thành hợp đồng cho thuyền viên và hỗ trợ cho gia đình.


Ngay buổi sáng, đại diện LOD cũng tiến hành thanh lý hợp đồng đối với thuyền viên Nguyễn Tương và trao 16.000 USD tiền bảo hiểm cho gia đình. Ông Lê Nhật Tân hứa trong một thời gian ngắn Công ty TNHH Triện Mỹ (ở thị trấn Kỳ Anh) sẽ hoàn trả tiền chống trốn, tiền lương của thuyền viên Nguyễn Tương.


Nhận tiền từ công ty, bố Tương đau đớn uất nghẹn: “Ước gì đây là tiền lương của nó chứ không phải tiền đền mạng, chúng tôi cần con về nguyên vẹn chứ có cần tiền đâu. Của bao nhiêu cũng hết nhưng nỗi đau mất con biết bao giờ hàn gắn được đây”.


Đúng 10g ngày 2-1, làng xóm tiễn thuyền viên Nguyễn Tương về nghĩa trang xã Kỳ Khang. Cái nghĩa trang mà dân địa phương hay gọi là “nghĩa trang thuyền viên”, bởi nơi ấy nhiều thủy thủ xấu số cũng đã nằm lại vì mưu sinh xa xứ. Kỳ Khang hiện có hàng trăm thuyền viên đi trên tàu đánh cá Đài Loan, Hàn Quốc…


Giấc mơ học hành của Nguyễn Tương đã chìm trong biển lạnh Nam cực – Ảnh: V.Định


Nỗi đau chồng chất


Khi nghe báo đài đưa tin lực lượng cứu hộ New Zealand ngừng tìm kiếm, người nhà của thuyền viên Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Song Hào và Nguyễn Văn Thành không còn hi vọng ngóng chờ tin từ Nam cực và lần lượt lập bàn thờ, phát tang.


Nhìn lên di ảnh con trai Nguyễn Văn Thành, ông Nguyễn Tiến Cương đau xót nói: “Thằng Thành cao lớn lắm chứ. Vậy mà nó gần được cứu thì chân tay lạnh cóng không cầm được dây đã bị sóng biển cuốn trôi. Có lẽ con nó không về nữa”.


Ông Nguyễn Văn Hiến, bố thuyền viên Nguyễn Văn Sơn, bảo mỗi khi đi ngang nhà con trai, ông không dám bước vào nữa. Nhìn đứa cháu nội 1 tuổi sớm khăn trắng ông lại khóc và tự trách mình không lo được cho con mới để nó đi làm thuê ở nước ngoài.


Ngày nhận tin dữ của thuyền viên, bà Đậu Thị Xuân vật ra chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Bởi Nguyễn Tương là cháu nội của bà, còn Nguyễn Song Hào – thuyền viên mất tích chưa tìm được – chính là con ruột của bà. Thi thể cháu nội về nhà, thi thể con trai ruột chưa tìm được, bà như không còn thiết sống ở trên đời này…


VĂN ĐỊNH

Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP