Địa Chí Hà Tĩnh

Việt Xuyên (Thạch Hà) mùa Thu này…

Thỏa nguyện

Người Việt Xuyên (Thạch Hà) có quyền tự hào là quê hương anh hùng Lý Tự Trọng, người thanh niên cộng sản đầu tiên đã cống hiến và hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng. Chính từ niềm tự hào ấy, Đảng bộ và nhân dân Việt Xuyên không ngừng vươn lên, biến vùng quê đất cát bạc màu thành 4 mùa xanh cây, ngọt trái, nuôi dưỡng và giáo dục những tâm hồn tuổi thơ.
ht24h

“Tôi là con gái út trong gia đình, sinh ra ở bản Mạy (Thái Lan) chứ không phải là làng Việt Xuyên. Gia đình tôi có 8 anh chị em, anh Trọng là con đầu, hơn tôi 17 tuổi. Bữa ni, nếu anh Trọng còn sống sẽ tròn 100 tuổi”. Giọng cụ Bảy như nghẹn lại, giọt nước mắt người đàn bà ở tuổi 83 chảy xuống gò má nhăn nheo… Đã lâu rồi, cụ không bước ra khỏi nhà, phần vì tuổi cao, phần vì cụ ông đã về “nơi thiên cổ”, nhưng sau khi được cán bộ đoàn xã đưa đi thăm phần mộ và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng, tự nhiên, cụ Bảy vui hẳn lên, cảm thấy như có bóng dáng người anh trai về an ủi, động viên.

Bữa thắp hương cho anh, cụ Bảy vân vê bức tượng đài bằng đá hoa cương và lẩm nhẩm đọc “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng…”. Cụ không giấu nổi xúc động: “Nguyện vọng của gia đình và dòng họ muốn đưa anh về yên nghỉ nơi quê cha, đất tổ. Hôm nay đã toại nguyện rồi”.

Việt Xuyên, mùa Thu này...

Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng

Bất chợt những dòng ký ức hiện lên trong tâm trí cụ. Cụ Bảy từng nhiều lần được nghe người cha Lê Hữu Đạt và mẹ Nguyễn Thị Sờm nhắc lại những chuyện buồn đau khi phải ly hương để tìm kế mưu sinh. Chính ông Lê Hữu Đạt thuở còn chập chững đã phải nếm trải cảnh bần hàn, cơ cực khi gia đình và bà con cô bác làng Việt Xuyên phải sống trong đêm dài nô lệ của thực dân và phong kiến. Vì đói ăn đứt bữa, mùa đông rét buốt không có quần áo ấm, vợ chồng ông Đạt dắt díu nhau lên miền thượng Lào và được một người bạn đường tốt bụng giúp đỡ, vượt sông Mê Kông vào đất Xiêm (Thái Lan) làm ăn. Nhờ siêng năng, cần kiệm, gia đình ông đã sớm xây dựng được tổ ấm hạnh phúc và trở thành nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng của Đảng ta trong những ngày còn trứng nước.

Cụ Bảy bảo: “Ngày anh Trọng bị bắt giam ở Sài Gòn rồi bị nhốt vào xà lim và kết án tử hình, tôi còn nhỏ lắm. Sau này, khi nghe tin nước nhà được độc lập, dân mình được chia ruộng và hồ hởi làm ăn theo con đường hợp tác hóa nông nghiệp, cha mẹ tôi lại rưng rưng nhớ về cội nguồn. Thế rồi, 2 ông bà để lại cơ ngơi cho mấy đứa lớn lập nghiệp, đưa tôi cùng 2 anh trai hồi hương”.

Được trở về quê hương sinh sống, ông Lê Hữu Đạt sớm hòa nhập cùng bà con xóm giềng, nhân dân tín nhiệm bầu ông làm chủ tịch xã. Một vị chủ tịch xã “chân đất, nón lá”, nắng cùng bà con ra đồng chống hạn, lụt đến cùng bà con vớt bèo hoa dâu. Cụ còn là “tuyên truyền viên” tích cực nhất, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ quê hương bằng những hành động phi thường của người con ưu tú Lý Tự Trọng. Đã 2 lần ông Lê Hữu Đạt được Bác Hồ gặp và tặng áo lụa. Chiếc áo lụa trở thành kỷ vật thiêng liêng trong cuộc đời ông.

Anh Phan Quang Hợi – Chủ tịch UBND xã Việt Xuyên nói: “Ông Đạt là chủ tịch xã có công lớn trong xây dựng phong trào. Bà Bảy vừa là con cụ Đạt, vừa là em ruột anh Lý Tự Trọng, lại là mẹ liệt sĩ nhưng không bao giờ kể công. Tuy cuộc sống đạm bạc, nhưng bà Bảy là công dân mẫu mực, được dân thương, dân quý”.

Cụ Bảy môi nhai trầu đỏ chót, móm mém cười: “Kể công làm gì các chú, gia đình tôi cũng như cả làng Việt Xuyên này, giờ sướng gấp trăm, gấp ngàn lần ngày xưa! Không chỉ tôi vui mà anh Trọng ở nơi chín suối cũng vui. Dân mình có ai đói nữa mô, không có Đảng và Bác Hồ thì mần răng no ấm được?”.

Bức tranh ngày mới

Trở lại Việt Xuyên mùa Thu này, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cuộc cách mạng xanh của làng quê. Vùng đất cách đây 3 thập kỷ, tháng 5 bạc phơ cồn cát, tháng 10 lũ trắng băng đồng. Bằng bàn tay, khối óc của con người, một bức tranh ngày mới đầy những nét chấm phá sinh động đã được vẽ nên.

Việt Xuyên, mùa Thu này...

Mùa vàng ở Việt Xuyên

Đằng sau lũy tre làng, người nông dân Việt Xuyên vẫn “hai sương, một nắng” nhưng nét lo âu về sự thất bát mùa màng đã đi vào dĩ vãng. Mảnh đất truyền thống anh dũng này đã có luồng sinh khí mới. Người dân thay đổi lối làm ăn manh mún cũ, lấy tư duy mới làm “chìa khóa” để khám phá thực tiễn, lấy khoa học – công nghệ để giải phóng nghèo nàn, lạc hậu. Xã Việt Xuyên với diện tích 609 ha, 3.500 nhân khẩu, 920 gia đình, được chia làm 5 thôn: Hương Giang, Tân Long, Tùng Lang, Việt Yên, Trung Trinh.

Anh cán bộ phụ trách nông nghiệp xã dẫn tôi vào các ngõ thôn, thôn nào cũng thấy đường bê tông. Có thôn, xe cộ đã lăn bánh từ lâu trên đường bê tông; có thôn máy xúc, máy đào, cát sỏi, nhựa đường đang ngổn ngang với không khí rầm rập, hối hả mở đường. Anh chia sẻ: “Dẫu Việt Xuyên khó khăn về ngân sách và nguồn vốn đầu tư, nhưng tin rằng, xã sẽ về đích nông thôn mới. Bởi người dân nơi đây khi nói tới việc chung đều say sưa, hồ hởi. Xã phát động làm giao thông ai cũng tự nguyện hiến đất, tháo dỡ tường rào… Khi Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh về tập huấn, hàng trăm lượt người đã đến lĩnh hội kiến thức. Gần đây, xã xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn với diện tích 2,2 ha ở thôn Tùng Lang…”.

Điều tôi cảm kích nhất ở Việt Xuyên là trong cơ chế thị trường nhưng người Việt Xuyên vẫn giữ được cốt cách văn hóa, sống trung thực, thẳng thắn và nhân nghĩa, thương nhau khi “tối lửa, tắt đèn”. Ở Việt Xuyên không chỉ “con gái gả chồng, cả xóm có trầu vui” mà cao hơn là tấm lòng bao dung, đùm bọc của nhân dân và cấp ủy đảng, chính quyền đối với những gia đình hoàn cảnh khó khăn.

Việt Xuyên, mùa Thu này...

Ông Lâm Tăng (thôn Việt Yên) kể: “Năm 2007, tài sản trong gia đình tôi chỉ duy nhất 1 con trâu kéo cày. Cảnh nhà tranh vách đất, khổ nhất lúc mưa bão, nhưng biết làm sao được khi 4 con còn nheo nhóc. Chính quyền xã hỗ trợ 5 triệu đồng, tôi vay thêm anh em 2 triệu đồng nữa nên mới có ngôi nhà ngói kiên cố này”. Không những thế, cán bộ “Ban xóa đói giảm nghèo” địa phương cho ông Tăng vay 8 triệu đồng và cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn ông kỹ thuật chăn nuôi lợn, sản xuất dưa lê, dưa hấu… Nhờ cần cù, chịu khó, sau 3 năm, gia đình ông Lâm Tăng đã đổi đời.

Không chỉ gia đình ông Tăng, nhiều gia đình khác khắp 5 thôn đều được cán bộ xã tích cực tư vấn kỹ thuật, cho vay theo nguồn vốn “xóa đói giảm nghèo” quốc gia để phát triển sản xuất. Chính nhờ “cần câu” màu nhiệm này nên tỷ lệ hộ nghèo của xã mỗi năm giảm 2-3%.

Chuyện làm ăn ở xứ sở đất cát này, càng đi sâu tìm hiểu, càng có nhiều điều hay. Thôn Việt Yên có 85 gia đình đầu tư trồng dưa hấu Thái Lan; dưa lê, dưa bở, giống lấy từ Hải Dương. Vụ dưa năm 2014, sản lượng hàng trăm tấn, tổng thu nhập 1,5 tỷ đồng. Người trồng nhiều tới 7 sào, người ít 200-300m2. “Kiện tướng” trồng dưa mà khách gần xa đều khâm phục là gia đình ông Nguyễn Tiến, vụ dưa vừa qua thu nhập gần 50 triệu đồng; các gia đình anh Bùi Quang, Nguyễn Hạnh cũng xấp xỉ 40 triệu đồng.

Sau cuộc đàm đạo về những bước đi gần và những bước đi xa, chợt ông Phan Quang Hợi hỏi: “Anh thấy lúa ở đây thế nào?”. Tôi bảo: “Ruộng nào ruộng nấy lúa xanh đến ngợp mắt”. Ông chủ tịch đắc chí cười, bảo: “Dân ở đây dầu có làm nghề gì cũng không thể thoát ly cây lúa. Chúng tôi từng bước chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi giống. Năm 2014, nhờ giống mới mà toàn xã đạt sản lượng 1.164 tấn, không ít gia đình thóc dư đến 2 mùa sau ăn chưa hết”.

Bất chợt từ trong gió thu, tôi nghe tiếng hát “Em là bông hồng nhỏ” của lớp mẫu giáo vang lên. Ngôi trường mẫu giáo mang tên anh hùng Lý Tự Trọng được xây dựng đến nay đã tròn 10 năm. Mười năm ấy, các cô dạy mẫu giáo làng đã trở thành người mẹ thứ 2, chăm chút và yêu thương đàn em nhỏ hết mực. Chính các cô đã làm đẹp cho các cháu không chỉ từ mái tóc, làn môi, mà cả tâm hồn, nhân cách để sau này trở thành những công dân có ích, phụng sự quê hương, đất nước.

Tháng 10/2014

Phan Thế Cải

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP