Trong nước

Vì sao tòa không triệu tập bồ nhí của Dương Chí Dũng?

Trong quá trình xét xử sơ thẩm vụ án tham nhũng tại Vinalines, ngoài 10 bị cáo và nguyên đơn dân sự Vinalines, tòa còn triệu tập vợ của ba bị cáo đến tham dự phiên tòa. Vấn đề đặt ra là tại sao tòa lại không triệu tập bồ nhí của Dương Chí Dũng tham dự phiên tòa?

Vì sao tòa không triệu tập bồ nhí của Dương Chí Dũng?

(Ảnh: Tòa nhà chung cư, văn phòng cao cấp Pacific Place, nơi có một căn hộ Dương Chí Dũng mua cho cô Thảo. Ảnh: Petrotimes)

Như đã thông tin trong bài Cách hành xử với tiền của vợ Dương Chí Dũng, vấn đề cốt lõi của tội tham ô đối với bị cáo Dũng là có hay không việc nhận tiền “lại quả” 10 tỉ đồng từ bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa Tàu biển Vinalines). Song song đó, tòa cũng phải làm rõ số tiền 10 tỉ đồng bị cáo Dũng mua hai căn hộ cao cấp cho bồ nhí là cô P.T.Thảo có nguồn gốc từ đâu, có phải là tiền do tham ô mà có hay không.
Theo lời khai của Dương Chí Dũng và vợ là bà Phạm Thị Mai Phương, bị cáo Dũng kêu vợ đưa 10 tỉ đồng rồi đi mua nhà cho cô Thảo, nói là đi đầu tư. Tại tòa, bà Phương khai số tiền đó một phần do mẹ đẻ, một phần do mẹ chồng và một phần là tiền của hai vợ chồng góp vào. Trong khi đó, viện kiểm sát cho rằng số tiền này bị cáo Dũng nhận “lại quả” từ bị cáo Sơn, là tiền tham ô.
Bỏ sót người tham gia tố tụng
Ai đúng, ai sai, tòa sẽ quyết. Trong vụ án này, căn cứ theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, lẽ ra các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định cô Thảo là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bởi vì hiện giờ cô Thảo đang đứng tên chủ sở hữu hai căn hộ cao cấp mà người tình Dương Chí Dũng đã cho tiền mua trước đây.
Với vai trò người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cô Thảo có quyền trình bày ý kiến tại tòa để bảo vệ quyền lợi của bản thân cũng như nắm rõ những nghĩa vụ mà cô phải chấp hành khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Nếu tòa tuyên bị cáo Dũng phạm tội tham ô và xác định 10 tỉ đồng bị cáo Dũng mua nhà cho cô Thảo từ tiền tham ô thì tòa phải tuyên tịch thu hoặc thu hồi hai căn hộ này.

Tuy nhiên, có thông tin là cô Thảo cũng đóng góp 600 triệu đồng để mua hai căn hộ. Như vậy, nếu tòa tuyên tịch thu hoặc thu hồi hai căn hộ thì phải giải quyết quyền lợi chính đáng của cô Thảo. Với vai trò người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cô Thảo có quyền trình bày ý kiến tại cơ quan điều tra và tại tòa để bảo vệ quyền lợi của bản thân cũng như nắm rõ những nghĩa vụ mà cô phải chấp hành khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Hơn nữa việc cơ quan điều tra và viện kiểm sát để cô Thảo ra khỏi vòng nghi vấn có liên can đến việc phạm tội của người tình Dương Chí Dũng thì có thể hiểu là cô cũng “vô can” như bà Phương, không biết, không rõ số tiền ông ta tham ô đem về (nếu tòa xác định bị cáo Dũng phạm tội tham ô). Nhưng hai căn hộ mà bị cáo Dũng mua cho cô Thảo đã được đưa vào vụ án là chứng cứ chứng minh bị cáo Dũng sử dụng số tiền tham ô để mua, thì sự có mặt của cô Thảo tại phiên tòa là hết sức cần thiết. Những lời khai của cô sẽ giúp tòa có sự phán xử chính xác hơn thì cớ gì lại không triệu tập cô ta đến dự phiên tòa?
Trong cáo trạng của viện kiểm sát cũng không đưa cô Thảo vào với vai trò người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tòa cũng không triệu tập cô Thảo tham dự phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng là có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng quy định tại Điều 54 Chương IV (người tham gia tố tụng) của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là những ai?
Theo bình luận khoa học về bộ luật tố tụng hình sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người không tham gia vào việc thực hiện tội phạm, hoặc có tham gia mà không có truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc được miễn trách nhiệm hình sự nhưng tòa án phải xử lý theo pháp luật về quyền lợi, tài sản của họ có liên quan đến tội phạm.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thường là:
– Người đã cho kẻ phạm tội mượn phương tiện (không có mục đích để kẻ đó thực hiện tội phạm) nhưng kẻ đó đã sử dụng phương tiện để phạm tội (chuyên chở hàng lậu, trộm cắp, cướp của…).
– Người chủ sở hữu của tài sản nhưng tài sản đó lại ở trong tay người khác (mang vải đi may quần áo, ký gửi hàng để bán…) và đã bị kê biên cùng với tài sản của người khác do họ phạm tội.
– Người đã được kẻ phạm tội cho một số tài sản mà kẻ đó chiếm được do phạm tội,hoặc bản thân đã tham gia trong chừng mực nhất định vào việc phạm tội; được hưởng một số thu nhập bất hợp pháp nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã được miễn trách nhiệm hình sự.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; tham gia phiên tòa, phát biểu ý kiến, tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; được kháng cáo bản án, quyết định của tòa án về những vấn đề trục tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình…

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và trình bày trung thực những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình. (Trích Điều 54 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003)

Nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. (Trích Khoản 1 Điều 191 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003)

Tiểu Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP