Tuỳ bút Quê hương

Thương về sông Lam!

Tôi nhớ về những ngày thơ ấu của mình. Thuở ấy, cứ mỗi buổi chiều, khi cái nắng hè không còn oi ả, lũ trẻ chúng tôi rủ nhau đi dọc bờ sông nhặt củi trôi từ thượng nguồn về, tíu tít bên nhau qua chỗ bồi chỗ lở, lúc mệt nằm ngả lưng trên triền đê cỏ xanh mướt nhìn lên trời…

Sông Lam, đoạn chảy qua làng tôi thuộc phần hạ nguồn, nên nước có vị lơ lớ mặn, dòng chảy cũng hiền hoà, mênh mang hơn nhiều. Nhà tôi nằm trên bờ đê, đêm đêm nghe tiếng sóng đều đều vỗ nhịp mường tượng ra đủ thứ cung bậc thanh âm trên đời.

Dân làng tôi vừa làm nghề ngư, vừa làm nghề nông, lại còn biết làm những nghề thủ công và làm nghề gì cũng giỏi, cũng hay, nhưng dường như câu tục ngữ “một nghề cho chín hơn chín mười nghề” đã vận vào bao lớp người nơi đây nên cuộc sống vẫn mãi cứ lận đận vất vả.

Đã có không biết bao nhiêu người con của xóm làng vì không chịu cảnh nghèo túng nên tìm cách thoát li đến những vùng đất mới với ý chí, niềm tin xây dựng một cuộc sống đủ đầy hơn. Nhất là những năm gần đây, làn sóng đi sang  Đài Loan, Hàn Quốc lao động ào đến khiến mọi người chộn rộn hẳn lên. Đã có rất nhiều người sau một thời gian ngắn làm việc có tiền gửi về cho gia đình, số tiền không còn là tiền trăm, tiền nghìn như bán từng rổ cá, mớ rau; mà là chục triệu, trăm triệu.

Làng bắt đầu lác đác thấy có nhà tầng, nhà ngói dần thay mái rạ, bờ rào được xây gạch chứ không phải là những bờ tre, những giậu đài bi như cũ, đường làng được bê tông, điện kéo về đầu ngõ. Các dịch vụ “ăn chơi” mọc lên ngày càng nhiều… Cuộc sống đã thật sự đổi thay.

Trong sự đổi thay, tôi vẫn thấy thiếu một cái gì đó của ngày hôm qua. Tôi chợt nhớ về những ngày thơ ấu của mình. Thuở ấy, cứ mỗi buổi chiều khi cái nắng hè không còn oi ả, lũ trẻ chúng tôi rủ nhau đi dọc bờ sông nhặt củi trôi từ thượng nguồn về, tíu tít bên nhau qua chỗ bồi chỗ lở, lúc mệt nằm ngả lưng trên triền đê cỏ xanh mướt nhìn lên trời đố nhau hình dáng các đám mây đang lơ lửng trôi. Lúc trở về, mặt trời bắt đầu xuống núi, chạy nhanh xuống bến nước, nơi ấy có các mẹ các chị, người thì gánh nước, người lại giặt đồ, có người đang tắm… Tiếng nói cười trêu đùa rộn cả một vùng nước.

Sông Lam không dồi dào thuỷ sản, nhưng cũng góp mặt vào sách đỏ Việt Nam một loài: đó là cá chép sông Lam. Vào sách đỏ, ấy là khi trữ lượng loài cá này đã đến mức báo động, chứ người dân quê tôi cứ vào những ngày mưa to gió lớn cuối mùa hạ vẫn đội áo mưa, cầm nơm ra đứng đợi dọc các mương dẫn nước từ sông vào ruộng chờ cá lên đẻ trứng. Hàng chục người đứng im lìm, chăm chú theo dõi mặt nước đang cuồn cuộn chảy, nhưng chỉ cần một gợn sóng khác thường lập tức ào xuống, úp liên hồi, vào thế trận ấy rồi khó có con cá nào thoát được. Cá chép ở sông Lam to thật, có người đã úp được con đến 7-8kg, còn bình thường 4-5kg, thế nhưng không phải ai cũng úp được cá, nó tuỳ vào cái duyên may của từng người.

Nếu như cá chép thuộc vào “hàng cao cấp”, thì tôi thích một sản vật khác từ đất từ nước, đó là rươi. Không biết những nơi khác đánh bắt rươi như thế nào, còn ở quê tôi, người ta làm một cái khung bằng tre già có dáng như cây vợt tennis, rồi lấy vải màn may lại. Rươi chỉ xuất hiện vào một ngày duy nhất trong tầm tháng 10 âm lịch, phải tính toán, xem xét thật kỹ con nước, thời tiết mới biết chính xác ngày rươi nổi. Vào hôm rươi nổi, cả làng như vào hội, khắp các bãi đất ngập ánh đuốc, ánh đèn pin lập loè lấp loáng. Vớt rươi phải thật khéo tay, làm sao vừa nhanh, vừa nhẹ để được nhiều mà không làm vỡ gạch.

Sau một đêm vất vả, sáng ra cả nhà quây quần bên nồi cơm nóng cùng với đĩa rươi rán thơm lừng, vàng óng, béo ngậy. Nhưng cũng chỉ được ăn một bữa đó thôi, số rươi còn lại mẹ tôi tìm các loại gia vị như vỏ quýt, lá nghệ tươi, ớt chín, cắt thật nhỏ trộn vào chậu rươi cùng với muối đánh cho thật nhuyễn, đến lúc dậy mùi thơm thì trút vào một cái chum rồi bịt nắp thật kín tìm chỗ thoáng mát đặt. Khoảng sau mười ngày xem độ chín, thử mặn nhạt. Lúc này để rươi thật ngon, mẹ tôi đem chôn chum rươi xuống đất suốt mấy tháng ròng, đến Tết Nguyên đán đào lên đóng vào chai mang đi biếu họ hàng, làng xóm ăn Tết. Ngày Tết chấm bánh chưng, dưa hành với bát rươi muối thì không bao giờ biết ngán.

Sông Lam quê tôi có bến Giang Đình, nơi cụ Nguyễn Tiên Điền ngày xưa thường cho ngựa xuống uống nước. Sông Lam soi bóng núi Hồng bốn mùa thông reo ca ngợi chí làm trai của Uy Viễn Tướng công. Trên bờ sông Lam là nơi nhà địa lý Tả Ao đào giếng cứu hạn cho dân. Tên người hoà quyện với tên làng lưu truyền đời đời đến nay vẫn còn. Dọc hai bờ sông, cha ông xưa đã biết trồng tre chắn sóng, rặng tre xanh ngút ngát uốn lượn cùng dòng sông. Mười năm trở lại đây, một số nhà hàng, khách sạn mọc lên, người ta làm những chiếc thuyền rồng màu mè, rồi vào những đêm trăng sáng tổ chức cho khách du thuyền dọc sông Lam nghe hát ví, hát dặm. Âu cũng là tạo nên chút thi vị cho cuộc sống.

Tôi thường lên cầu Bến Thuỷ để được phóng tầm mắt nhìn ngắm bao quát dòng sông Lam chảy qua làng tôi. Và lần nào cũng thế, một cảm giác diệu vợi lại dâng lên trong lòng, như mừng vui, như tiếc nuối một điều gì. Chiều nay, có một người con xa xứ thương về dòng Lam lắm ai ơi!

Hồ Nhân Tâm, Nha Trang, Khánh Hoà

VNN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP