Đầu tháng 5/2014, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an Hà Nội) phát hiện một lượng lớn thuốc tăng cường sinh lý nam giới không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, tại cửa hàng Từ Chính Đường (phố Khâm Thiên, quận Đống Đa). “Tâm lý nhiều khách nam khi mua thuốc tăng cường sinh lý ngại để người thân biết, nên họ thường yêu cầu nhân viên bán hàng bóc bỏ vỏ hộp, bóc tem nhãn, chỉ lấy các viên nén bên trong. Việc này khiến người tiêu dùng dễ mua phải hàng giả, không rõ nguồn gốc”, cơ quan công an khuyến cáo. |
|
Theo phòng PC49, số vụ phát hiện, bắt giữ, tịch thu thực phẩm chức năng nhái, giả, không rõ nguồn gốc ở Hà Nội tăng đột biến từ năm 2013 đến nay, trung bình từ 5-7 vụ mỗi năm. |
Nhiều vụ sản xuất, đóng gói các viên nén được cho là thực phẩm chức năng nhập lậu từ Trung Quốc được phát hiện, song trên nhãn mác đều ghi xuất xứ ở Mỹ, Pháp, Nhật… bán ra thị trường với giá cắt cổ. |
Cuối năm 2013, Công an Hà Nội lần đầu tiên khởi tố một vụ sản xuất thực phẩm chức năng giả, bắt Hoàng Nghĩa Dũng (29 tuổi, ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Trước đó, cảnh sát bắt quả tang Dũng đang đóng gói các hộp, dán nhãn mác hàng trăm lọ nghi là thực phẩm chức năng. Trong căn nhà anh ta thuê bên phố Thái Hà lưu giữ 259 thùng chứa sản phẩm thực phẩm chức năng trên có in xuất xứ từ Mỹ, Nhật. |
Các hộp này đều được Dũng tự tay đóng gói, gồm các loại như: sữa ong chúa, Collagen làm đẹp da, tảo biển, sụn vi cá mập, trà giảm cân. Anh ta khai cùng người nhà mua trên 5 triệu viên nén, viên nang có nguồn gốc từ Trung Quốc tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn, về chia nhỏ vào chai, lọ dán nhãn mác các thương hiệu thực phẩm chức năng nổi tiếng để bán kiếm lời ngoài thị trường. |
Một trong những loại thực phẩm chức năng bị làm giả nhiều hiện nay là viên nở ngực. |
Tháng 10/2013, Đội 2 PC49 Công an Hà Nội kiểm tra kho hàng thực phẩm chức năng nằm trong ngõ 28 Hộ Vũ (quận Hoàn Kiếm) và xưởng đóng gói ở ngoài đê sông Hồng (phường Long Biên, quận Long Biên) do Đỗ Thị Tuyết Mai (32 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm) làm chủ. Chủ hàng thừa nhận mua trôi nổi nhiều loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc (một lượng lớn viên nén được cho là có tác dụng làm nở ngực) đem dán nhãn mác, tem phụ nhập khẩu, tem chống hàng giả đem đi tiêu thụ. Sau khi làm nhái các sản phẩm nước ngoài, Mai quảng cáo, chào mời nhiều sản phẩm trên một số trang rao vặt. |
Trà, cà phê giảm cân là một trong những sản phẩm bị làm giả nhiều, nguyên liệu chế biến các sản phẩm này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhập chui về Việt Nam rồi đóng gói dán nhãn Mỹ. |
Hàng nhái (trái) được làm giả khá tinh vi, nhiều người tiêu dùng khó có thể phân biệt. Các loại thực phẩm chức năng kém chất lượng này chủ yếu bán ở các chợ thuốc trên phố Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội). |
Công an Hà Nội cho biết, kết quả kiểm nghiệm bước đầu mẫu cà phê giảm cân của 2 nhãn hiệu “Coffee weight loss” và “Green Coffee” thu giữ trên thị trường phát hiện hoạt chất độc hại sibutramine hàm lượng cao, phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm. “Chế” thực phẩm chức năng giảm béo giả, phương thức phổ thông mà các đối tượng nước ngoài đang sử dụng là “độn” hoạt chất sibutramine – chất gây ức chế thần kinh trung ương, làm người uống có cảm giác no, không muốn ăn. Tuy nhiên, hoạt chất này còn gây ra một loạt phản ứng phụ cho người sử dụng như: mất ngủ, tăng nhịp tim, đánh trống ngực, tăng huyết áp, giãn mạch… Chính vì những tác dụng phụ nguy hiểm, gây ra các bệnh tim mạch cho người sử dụng, mà giữa năm 2011, Cục quản lý dược – Bộ Y tế đã có văn bản đình chỉ lưu hành, thu hồi toàn bộ thuốc chứa hoạt chất sibutramine. |
Có năm, hàng nghìn hộp cà phê giảm cân bị làm giả, nhái, không rõ chất lượng được thu giữ tại Hà Nội. |
Việc làm giả, làm nhái thực phẩm chức năng hiện nay khá phức tạp khi nguyên liệu, bao bì, nhãn nhác, đến tem chống hàng giả đều được đặt in từ Trung Quốc rồi chuyển về Việt Nam đóng gói, chuyển đi tiêu thụ. |
Những viên nén, viên nang xuất xứ Trung Quốc không kiểm định chất lượng, không xác định công dụng bán tràn lan trên nhiều tuyến phố như: Lê Duẩn, Ngọc Khánh, Khâm Thiên (Hà Nội). |
Việt Đức