Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự; các Phó Bí thư Tỉnh ủy: Trần Nam Hồng, Lê Thành Long; Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Thạch; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cùng dự.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý: Hà Tĩnh cần tiếp tục rà soát lại và có sự điều chỉnh nhanh những thiếu sót trước khi Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thị xã mới. |
Ngày 20/11/2014, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 137/QĐ-BXD công nhận thị trấn Kỳ Anh mở rộng, đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Đây là tiêu chí quan trọng làm cơ sở để trình chủ trương thành lập thị xã. Phương án thành lập thị xã mới ban đầu gồm 16 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 8 phường. Tuy nhiên, đến nay, quy mô thị xã được điều chỉnh còn 12 đơn vị hành chính cấp xã, cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn để thành lập thị xã (đã đạt 8/9 tiêu chuẩn, còn thiếu tiêu chuẩn thời gian xây dựng đồng bộ). Phương án nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của lãnh đạo và nhân dân huyện Kỳ Anh.
Đến nay, hệ thống công trình hạ tầng đô thị của khu vực đề nghị thành lập thị xã đã được UBND tỉnh đầu tư hoàn chỉnh, đảm bảo đồng bộ, đạt 30/30 chỉ tiêu theo quy định. Dự thảo tờ trình và dự thảo đề án của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã Kỳ Anh và 6 phường trực thuộc đã được các thành viên Chính phủ biểu quyết thông qua. Hiện tại, các cơ quan chức năng của Bộ Nội vụ đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình và đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đô thị Kỳ Anh ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Sỹ Ngọ |
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng: Hà Tĩnh đã quan tâm đặc biệt đến ý kiến của nhân dân trong việc thực hiện đề án và nhận được sự hưởng ứng, đồng tình cao. Tỉnh cần tiếp tục rà soát và kịp thời điều chỉnh những thiếu sót trước khi Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thị xã.
Thời gian tới, khi khu kinh tế Vũng Áng hoàn thiện, đi vào hoạt động và thị xã mới được thành lập, việc quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, tỉnh phải tính toán căn cơ để không lúng túng, đảm bảo an ninh xã hội và quốc phòng. Bên cạnh đó, cần sử dụng các trung tâm hành chính cũ một cách hợp lý, tiết kiệm; tiếp tục nâng cao đời sống người dân.
Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự thay mặt lãnh đạo tỉnh tiếp thu ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các thành viên trong đoàn. Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hà Tĩnh sẽ cố gắng tận dụng các nguồn lực hiện có phục vụ cho việc thành lập thị xã trên cơ sở tiết kiệm; đồng thời xây dựng bộ máy quản lý nhà nước hiện đại, thu hút nhân tài, bổ sung công chức các cấp phục vụ đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh.
Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cũng đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục quan tâm, sớm thẩm tra đề án, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 4/2015.
Theo đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh gồm 12 đơn vị hành chính (trên cơ sở nguyên trạng thị trấn Kỳ Anh và các xã: Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Nam, Kỳ Ninh, Kỳ Hoa, Kỳ Hà, Kỳ Lợi, Kỳ Hưng; thành lập 6 phường trên cơ sở giữ nguyên địa giới hành chính thị trấn Kỳ Anh, Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên và Kỳ Phương. Trung tâm hành chính của thị xã đặt tại khu hành chính huyện Kỳ Anh hiện tại. Huyện Kỳ Anh còn lại 21 xã, trung tâm hành chính sau khi điều chỉnh địa giới hành chính đặt tại xã Kỳ Đồng. |
Dương Chiến/ Baohatinh.vn