Kỳ Anh

Thị xã Kỳ Anh: Sẽ đóng chợ cũ vì không đảm bảo an toàn

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trong cuộc đối thoại giữa UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Công thương, Thị xã Kỳ Anh và một số Sở ngành liên quan với hàng trăm tiểu thương Thị xã Kỳ Anh vào chiều 19/8.

>> Hà Tĩnh: Hàng trăm tiểu thương kéo về UBND tỉnh phản đối chợ mới

hatinh24h hatinh24h 01

Thời gian gần đây, do không đồng tình với chủ trương sát nhập chợ cũ vào chợ mới, hàng trăm tiểu thương tại thị xã Kỳ Anh đã liên tục khiếu nại, phản ánh đến các cấp chính quyền đòi quyền lợi. Đặc biệt, từ ngày 11/8 đến nay, nhiều lần các tiểu thương đã đi quãng đường hơn 50km về TP Hà Tĩnh, tụ tập trước cổng UBND tỉnh với mong muốn được gặp lãnh đạo tỉnh, nhất là Bí thư tỉnh ủy Võ Kim Cự để bày tỏ ý kiến và nguyện vọng của mình.

Trước tình hình đó, chiều 19/8, tại phườn Sông Trí – thị xã Kỳ Anh, UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng với các Sở, ban ngành liên quan và lãnh đạo thị xã Kỳ Anh đã tổ chức cuộc đối thoại với hàng trăm tiểu thương buôn bán ở chợ xép và chợ huyện cũ (phường Sông Trí).

Người dân muốn giữ lại hai chợ

Ngay từ đầu giờ chiều, hàng trăm tiểu thương đã có mặt đông đủ tại phường Sông Trí.

Hàng trăm tiểu thương đã có mặt tại buổi đối thoại

Hầu hết các ý kiến của người dân tại cuộc đối thoại đều bức xúc khi cho rằng, chính quyền xây dựng chợ mới, chuyển chợ cũ đi mà không hề bàn bạc, họp và lấy ý kiến của dân. Chỉ khi xây xong mới ra thông báo chuyển chợ nên người dân cảm thấy không được tôn trọng, cảm thấy điều này “như cơn lũ lụt quét hết tài sản của dân”. Bên cạnh đó, họ cho rằng vị trí của chợ mới là không thuận lợi cho buôn bán kinh doanh, không gần khu dân cư nên sẽ hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí. Hơn nữa, chợ cũ đã gắn bó mấy chục năm nên nguyện vọng của bà con là muốn giữ lại và cho tồn tại song song cả hai chợ.

Ông Hùng, một tiểu thương kinh doanh tại chợ cũ cho rằng: “Ngay từ đầu khi có chủ trương chính quyền không cho dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, không hề thông qua và lấy ý kiến của người dân. Chúng tôi chứng kiến nhiều chợ ở các tỉnh khác cũng như trên địa bàn xây xong phải bỏ hoang, rất lãng phí. Vị trí của chợ mới không thuận tiện cho buôn bán, với người tiểu thương thì riêng một tháng không bán được hàng là có người bị bể rồi. Cha ông có câu “Da thịt liền xương, chợ liền dân”, vì vậy tôi đề nghị phải để cả hai chợ cùng hoạt động”.

Còn ông Nguyễn Ngọc Tiệp, môt tiểu thương khác cùng ý kiến:  “Tôi chứng kiến nhiều chợ bị bỏ hoang do cán bộ không sâu sát, đặt sai vị trí nên không hiệu quả. Đặc biệt, phải hiểu cho hoàn cảnh tiểu thương, như tôi mới mua một ki ốt với giá 200 triệu cách đây 2 năm, bây giờ tự dưng chuyển sẽ bị thiệt hại rất nhiều. Riêng chợ cũ Kỳ Anh có cách đây mấy chục năm, gắn liền với đời sống người dân, giúp người dân làm ăn phát triển cũng như đóng góp kinh tế cho huyện nên phải giữ lại”.

Chợ mới Kỳ Anh đang gấp rút hoàn thiện để đi vào hoạt động

Một tiểu thương khác cho rằng, hiện nay chợ mới đang đông đúc nên không muốn sát nhập. Dự án ban đầu xây dựng chợ mới là để thay thế chợ xép chứ không phải để sát nhập hai chợ lại, và tại vì sao chợ cũ xuống cấp mà lại không nâng cấp.

“Việc xây dựng chợ mới nam thị xã là chủ trương, chính sách đúng của tỉnh, bà con đồng tình. Nhưng việc sát nhập chợ là chưa đúng, chợ nam là để phục vụ bà con phía nam Sông Trí, chợ bắc để phục vụ bà con vùng ngoài. Một bà bán rau ở Kỳ Thư, Kỳ Hải chắc chắn sẽ không vào chợ nam để buôn bán. Đáng ra khi đặt bút ký phê duyệt phải suy nghĩ những vấn đề đó”, tiểu thương này bức xúc.

Ngoài ra, bà con tiểu thương lo lắng rằng, giá thuê ki ốt ở chợ mới sẽ cao hơn nhiều lần chợ cũ, trong khi bà con lại ít vốn sẽ khó khăn trong kinh doanh. Một số người cũng phân vân không biết sau khi chuyển chợ, phần diện tích đất ở chợ cũ sẽ cho ai thuê và để làm gì.

“Chợ cũ không đảm bảo an toàn nên bắt buộc phải đóng cửa”

Trong buổi đối thoại, ông Trần Xuân Tiến, Giám đốc Sở xây dựng cho biết, trong quy hoạch Hà Tĩnh có ba chợ hạng 1: chợ Hồng Lĩnh, chợ TP Hà Tĩnh và chợ thị xã Kỳ Anh. Trong tương lai, hệ thống chính trị của thị xã Kỳ Anh sẽ ở Kỳ Trinh, việc xây dựng chợ ở vị trí mới là có tầm nhìn xa. Hơn nữa, diện tích chợ cũ hiện nay chỉ có 8700 m2, không đủ diện tích để cơi nới, nâng cấp. Còn chợ mới có đến 2,8 ha, đáp ứng được nhu cầu thương mại ngày càng lớn ở Thị xã.

Ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN&MT rất chia sẻ với người dân vì khi đang kinh doanh yên ổn ở chợ cũ thì phải chuyển sang chợ mới.

Chợ cũ Kỳ Anh hiện đã xuống cấp không đảm bảo an toàn
Ông Võ Tá Đinh cho biết, chợ cũ hiện nay không đáp ứng được công tác phòng cháy chữa cháy cũng như đường đi lối lại không đảm bảo khi xảy ra sự cố. Ngoài ra chợ cũ cũng không đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, giao thông đi lại…

Ông Đinh cho biết, chợ cũ hiện nay không đáp ứng được công tác phòng cháy chữa cháy cũng như đường đi lối lại không đảm bảo khi xảy ra sự cố. Ngoài ra chợ cũ cũng không đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, giao thông đi lại… Trong khi đó chợ mới sẽ có hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống xử lý nước hiện đại, có khu giết mổ gia súc gia cầm, đảm bảo an toàn giao thông, đi lại không bị ách tắc….

Ông Đinh cũng cho rằng chợ cũ là để phục vụ huyện Kỳ Anh (huyện cũ), tuy nhiên hiện tại và sau này còn phục vụ cho Khu kinh tế Vũng Áng, nhu cầu mua sắm và lượng hàng hóa sẽ tăng cao, khi đó chất lượng phục vụ và mọi mặt chợ mới sẽ đáp ứng được yêu cầu.

 Ông Nguyễn Đình Hải, Bí thư thị xã Kỳ Anh trong phát biểu của mình đã phê phán một bộ phận người dân bỏ về giữa chừng khi các lãnh đạo tỉnh và sở, ngành đang đối thoại, .

Ông cho biết, trong thời gian người dân bức xúc và phản ánh, lãnh đạo thị xã dù ngày thường hay bận nhiều việc vẫn cử người ra gặp dân, lắng nghe ý kiến của dân. So với cách đây 5 hay 10 năm, bộ mặt Kỳ Anh nay đã khác trước rất nhiều, người dân các xã Kỳ Long, Kỳ Lợi… đã nhường lại đất đai, nhà cửa thì hiện nay kinh tế – xã hội địa phương mới phát triển như hiện tại. Lãnh đạo thị xã rất chia sẻ với hoàn cảnh hiện tại của người dân và cho biết đường sá ở chợ mới sẽ được mở thêm, sẽ có các chính sách hỗ trợ tiểu thương khi về nơi mới.

Nói chuyện với người dân, ong Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết hiện đã có 60 văn bản liên quan đến vấn đề này.

“Nói xây dựng chợ không lấy ý kiến người dân là không hoàn toàn đúng. Ý kiến người dân ở đây không chỉ có 637 hộ kinh doanh trong chợ mà còn là quyền lợi của hàng vạn người mua”, ông Lĩnh nói.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định: “Đây không phải là di dời chợ, mà là chợ cũ không đảm bảo an toàn nên bắt buộc phải đóng cửa. Trước đây chưa thực hiện vì chưa có chỗ mới nên phải duy trì. Không ai có quyền ép buộc bà con vào chợ mới, cũng không ai có quyền ép buộc bà con không được vào chợ

Ông cũng cho biết: Xã hội hóa trong đầu tư dự án là ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư. Riêng bà con nói đúng ở chỗ, năm 2009 quy hoạch chợ phía nam là để thay thế chợ xép. Tuy nhiên, trong khi triển khai lại phải gắn với sự phát triển bùng nổ của Khu kinh tế Vũng Áng, nhu cầu mua bán ngày càng đông đúc… nên việc xây dựng chợ mới hiện nay là hợp lý.

Ngoài ra, cũng không thể giữ cả hai chợ như bà con yêu cầu, vì hiện tại huyện Kỳ Anh mới đã có quy hoạch xây dựng chợ ở xã Kỳ Đồng, bà con lân cận sẽ đi chợ này. Nếu giữ lại thì sẽ ảnh hưởng tới cả 3 chợ.

Một trong những vấn đề bà con quan tâm là giá ki ốt nơi mới sẽ cao. Về việc này ông Lĩnh cho biết khung giá, thuế, lệ phí sẽ theo sự quản lý của nhà nước; tiểu thương sẽ được nhà nước đảm bảo quyền lợi.

“Đây không phải là di dời chợ, mà là chợ cũ không đảm bảo an toàn nên bắt buộc phải đóng cửa. Trước đây chưa thực hiện vì chưa có chỗ mới nên phải duy trì. Không ai có quyền ép buộc bà con vào chợ mới, cũng không ai có quyền ép buộc bà con không được vào chợ”, ông Lĩnh phát biểu.

Cũng trong buổi đối thoại này, một đại diện của Hội Luật gia cho rằng các tiểu thương sử dụng quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh phải theo quy định, trong khuôn khổ của pháp luật cho phép. Vị đại diện này mong các việc làm của bà con tiểu thương không vi phạm pháp luật. Nếu như tiếp tục ra UBND tỉnh phản ánh thì phải tới nơi tiếp dân, cử đại diện làm việc với chính quyền.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2935 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 6481/QĐ-BCT ngày 26/6/2015, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 3 chợ hạng 1, trong đó thị xã Kỳ Anh có 1 chợ hạng 1 (chợ Kỳ Anh).

Sau khi chia tách địa giới hành chính huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh theo Nghị quyết 903/NQ-UBTVQH13 ngày 10/4/2015 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Căn cứ Quy hoạch 4112/QĐ-UBND ngày 24/12.2014 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025: trên địa bàn thị xã Kỳ Anh có 1 chợ hạng 1 (chợ Kỳ Anh), 9 chợ hạng 3; xóa bỏ 3 chợ: chợ huyện cũ, chợ xép và chợ Ngâm Kỳ Ninh.

rên địa bàn huyện Kỳ Anh có 17 chợ, trong đó chợ Kỳ Đồng được quy hoạch nâng cấp thành chợ hạng 2 thành chợ trung tâm huyện và 16 chợ hạng 3; xóa bỏ 1 chợ (chợ Điếm Kỳ Khang).

Tại Quyết định 2434/QĐ-UBND ngày 19/8/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến 2014 – 2016, trên địa bàn thị xã Kỳ Anh đầu tư xây dựng chợ mới chợ Nam thị trấn Kỳ Anh (nay là chợ Kỳ Anh) và chợ Kỳ Phương; đồng thời xóa bỏ chợ huyện cũ, chợ xép và chợ Ngâm Kỳ Ninh.

Mai Nguyễn – Hà Vũ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP