Các doanh nghiệp đề xuất đưa vải thiều lên sàn giao dịch điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ - Ảnh: Internet |
Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng tỉnh Bắc Giang, chiều 7.6, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị gặp mặt, kết nối giao thương giữa các hộ sản xuất, doanh nghiệp trong nước với gần 100 doanh nghiệp của Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây và huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)
Chia sẻ những vướng mắc cần tháo gỡ, những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, gia tăng giá trị mà quả vải thiều đem lại, một số doanh nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp ổn định giá cả các mặt hàng đi kèm theo quả vải thiều như thùng xốp, đá lạnh bảo quản... để ổn định giá mặt hàng chính là vải thiều. Tăng cường đưa các mặt hàng nông sản Việt Nam nói chung, vải thiều nói riêng đến với các sàn giao dịch điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ. Rút ngắn thời gian vận chuyển hàng nông sản...
Đưa vải thiều lên sàn giao dịch điện tử được xem là công cụ quan trọng để quảng bá rộng rãi, cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm đến người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, đây cũng là biện pháp phòng vệ quan trọng trong việc đấu tranh những sản phẩm kém chất lượng, giữ vững niềm tin của khách hàng. Để phát triển thương mại điện tử thúc đẩy tiêu thụ vải thiều cần tăng cường kết nối cung cầu. Nghĩa là cơ sở sản xuất, sàn thương mại điện tử cần có sự kết nối chặt chẽ và thống nhất với các cơ sở sản xuất. Để làm được điều đó, bản thân các cơ sở sản xuất cần làm tốt việc bảo hộ nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc điện tử.
Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang đã thông tin khái quát về tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều từ đầu vụ đến nay. Cụ thể, ông cho biết vụ vải năm 2018, tỉnh Bắc Giang có gần 29.000 ha vải thiều, ước tính sản lượng đạt khoảng 150.000 - 180.000 tấn. Trong tổng diện tích trên, có 13.500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ước sản lượng đạt 90.000 tấn; 218,5 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sản lượng đạt 10.000 tấn. Dự kiến 50% tổng sản lượng vải sẽ tiêu thụ trong nước, 50% còn lại phục vụ xuất khẩu.
Vải thiều chính vụ dự kiến thu hoạch từ ngày 10.6 tới, tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị các điều kiện hậu cần tốt nhất và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước đến thu mua, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Song song đó, UBND tỉnh chủ động phối hợp với các tỉnh, thành bàn các biện pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ vải thiều. Cùng với đó là các kết nối giữa thương nhân tiêu thụ vải thiều của tỉnh với các nhà mua hàng là doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân chợ đầu mối...
Về thị trường tiêu thụ, ông Tấn khẳng định Bắc Giang luôn coi trọng tất cả thị trường, cả trong và ngoài nước. Năm 2018, tiếp tục duy trì thị trường các tỉnh, thành phố lân cận và các thành phố lớn, hướng sâu hơn thị trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
Đối với thị trường xuất khẩu, duy trì thị trường ở cả 30 nước vải thiều đang có mặt như: Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, đặc biệt tập trung cao thị trường truyền thống là Trung Quốc, đẩy mạnh thêm sản lượng xuất khẩu vào thị trường Thái Lan, Malaysia...
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm nay thời tiết thuận lợi, vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao, đặc biệt các hộ trồng vải thiều đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP và GlobalGAP nên sản lượng và chất lượng vải thiều Bắc Giang có thể nói là cao nhất những năm gần đây.
Tác giả: Tuyết Nhung
Nguồn tin: Báo Một Thế Giới