Vào cuối tuần này, khoảng cách từ sao chổi Pan-STARRS tới mặt trời chỉ còn 45 triệu km. Khoảng cách gần khiến lượng vật chất đóng băng trên bề mặt sao chổi bốc hơi mạnh, giúp nó sáng rực rỡ trên bầu trời. Khi ánh nắng mặt trời rọi xuống Pan-STARRS nhiều hơn, cơ hội để quan sát nó cũng sẽ trở nên rõ rệt nhờ cái đuôi dài được tạo ra do quá trình bề mặt sao chổi bốc hơi.
Trên thực tế, từ nhiều tuần trước đây, các nhà thiên văn ở Nam bán cầu đã có thể quan sát được sao chổi Pan-STARRS nhưng nó còn quá nhỏ để nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, vào thứ 3 và thứ 4 tuần sau, sao chổi Pan-STARRS sẽ được quan sát dễ dàng nhất, khi nó xuất hiện gần mặt trăng lưỡi liềm vào lúc hoàng hôn trên bầu trời phía tây.
Các nhà thiên văn học cho biết, khi sao chổi xuất hiện bên cạnh mặt trăng, những người yêu thích thiên văn nghiệp dư có cơ hội định vị và quan sát nó dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc quan sát sao chổi này cần phải thận trọng bởi khi mặt trời chưa lặn hoàn toàn, ánh sáng chói lòa từ nó có thể gây tổn thương giác mạc của những người quan sát.
Được phát hiện 2 năm trước bởi đài quan sát ở Hawaii, đây là lần đầu tiên Pan-STARRS ghé thăm trái đất. Các nghiên cứu cho rằng, Pan-STARRS khoảng 1 tỷ năm tuổi, bắt nguồn từ đám mây băng Oort nằm xa hơn quỹ đạo của sao Hải vương và sao Diêm vương. Bằng cách nào đó, sao chổi đặc biệt này đi xuyên qua hệ mặt trời của chúng ta, trong đó có việc đi qua trái đất ở khoảng cách gần.
Dự đoán vị trí sao chổi Pan-STARRS.
Các nhà khoa học dự đoán, lần ghé thăm của Pan-STARRS sẽ mở đường cho hàng loạt sao chổi khác đi vào quỹ đạo mặt trời trong năm nay và năm sau. Ngoài ISON, sao chổi được kỳ vọng sáng hơn ánh trăng rằm, ghé thăm trái đất tháng 11 năm nay, các nhà thiên văn còn phát hiện sao chổi C/2013 A1, có khả năng va chạm với bề mặt sao Hỏa trong năm 2014.
Ngoài những lần ghé thăm của sao chổi, 2013 còn là năm với những hiện tượng thiên văn độc đáo. Ngoài sự kiện thiên thạch phát nổ trên bầu trời nước Nga, đây cũng là năm trái đất phải hứng chịu những trận bão mặt trời lớn nhất do chu kỳ hoạt động 11 năm của mặt trời đạt đỉnh. Bên cạnh hiện tượng cực quang kỳ thú, bão mặt trời có thể gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống trái đất.
Hồng Duy
Theo Infonet