Hát giặm và hát ví là linh hồn, đặc trưng nhất của sáng tác dân gian Nghệ Tĩnh. Hình thức, nội dung của ví và giặm có phần khác nhau, nhưng đó đều là thơ, là những câu hát dân ca độc đáo nhất. Trong hát giặm Nghệ Tĩnh, người ta ít gặp tiếng đệm như câu dân ca Bắc bộ. Những ý, những từ được dùng ở đây rất mộc mạc, chân chất như trong đời sống hằng ngày. Phần nhạc ít mượt mà và lời lẽ cũng ít trau chuốt so với hát ví, bởi nó là bài hát gồm nhiều lời hát nặng tính tự sự, phản ánh cuộc sống thường ngày với những câu chuyện, những biến cố, bày tỏ thái độ, tình cảm, tư tưởng riêng của người Xứ Nghệ. Đây là thể loại văn học âm nhạc dân tộc giàu sắc thái địa phương nhất.
Bên sông La |
Nếu như sự biến đổi của hàng loạt âm chính trong tiếng Nghệ Tĩnh so với tiếng Bắc bộ là có tính hệ thống, tạo nên sự khác biệt về vần (như âu/u; ân/in, ưa/a,…) thể hiện không chỉ trong phát âm mà còn được cố định trong từ thì sự khác biệt về thanh điệu của tiếng Nghệ so với tiếng Bắc bộ lại chỉ được thể hiện trong phát âm. Do đó, sự khác biệt giữa tiếng Nghệ với tiếng Bắc bộ trước hết là do sự khác nhau về thanh điệu.
Trên thực tế, tiếng Nghệ Tĩnh phổ biến chỉ có 5 thanh (không phát âm được thanh ngã (~), thanh ngã (~) thường nhập với thanh nặng (.). Âm vực của hệ thanh điệu tiếng Nghệ cũng khác thanh điệu Bắc bộ; người Nghệ phát âm có độ cao thấp hơn phương ngữ Bắc, vì thế mà nghe trầm thấp hơn. Cũng do hệ thanh điệu được phát âm thấp nên sự đối lập (khu biệt) về âm vực giữa 2 nhóm thanh (cao/thấp) không rõ ràng như hệ thanh điệu Bắc bộ; các thanh điệu có tuyến điệu gần giống nhau giữa 2 nhóm càng xích lại gần nhau. Vì thế, sự phát âm các thanh này có sự khu biệt không rõ ràng, tạo nên sự “trọ trẹ”, “lơ lớ”. Cho nên, trong toàn vùng, thanh ngã (~) phát âm thành thanh nặng (.), nhiều nơi ở Nghệ Tĩnh, thanh huyền () và thanh ngang (không dấu trên chữ viết) phát âm nghe như chập vào nhau, thanh sắc (/) và thanh hỏi (?) cũng biến điệu tạo nên một thanh “lơ lớ”, không rõ là sắc (/), cũng không hẳn là hỏi (?) như tiếng Bắc bộ.
Những điều nói trên đã tạo nên sắc thái riêng biệt trong phát âm của người Nghệ, tạo nên đặc trưng “giọng Nghệ”, “tiếng Nghệ” và đó cũng là một yếu tố tạo nên nét đặc trưng Xứ Nghệ trong dân ca ví, giặm, làm cho dân ca vùng này không trộn lẫn với các vùng khác. Đối với người Nghệ Tĩnh thì âm thanh, giọng nói ấy đã “thấm sâu vào máu thịt”, cho nên, nghe dân ca ví, giặm là nghe thấy sự gần gũi, tha thiết, thân thương như nghe tự lòng mình.
Đối với tác giả dân gian Xứ Nghệ, lời nói là thứ “chẳng mất tiền mua”, là “của kho vô tận”, không chỉ có từ ngữ thuộc tiếng nói chung của mọi miền trên đất Việt, mà còn có thứ tiếng “trọ trẹ” nhưng quen thuộc của vùng quê mình nên cứ mặc nhiên “lựa lời” mà sử dụng. Bởi vậy, ngôn ngữ của dân ca Nghệ Tĩnh là ngôn ngữ hồn nhiên, tự nhiên, dễ dàng, rất gần với khẩu ngữ, không hề mang vẻ đẹp của một công trình chế tác công phu. Nhưng chính cái hồn nhiên, chân chất, mộc mạc, thô ráp ấy lại là cái đẹp riêng đối với người dân Xứ Nghệ, bởi đó là tiếng nói “thật lòng” của họ; họ nói cho họ nghe và chính người trong môi trường sáng tác, lĩnh xướng ấy mới cảm hết được.
Trong Hát giặm Nghệ Tĩnh của tác giả Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao có 12.714 dòng thơ, số từ địa phương được sử dụng là 592 từ với 2.894 lần xuất hiện, trung bình 4,4 dòng thơ có 1 lần từ địa phương được dùng. Hát phường vải của tác giả Ninh Viết Giao có 4.163 dòng, trong đó có 229 từ địa phương với 1.013 lần xuất hiện, trung bình 4,1 dòng thơ có 1 lần từ địa phương được dùng. Điều đó cho thấy, mật độ của từ địa phương trong lời thơ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh quả là đậm đặc.
Trong Hát phường vải và Hát giặm Nghệ Tĩnh, từ địa phương Nghệ Tĩnh chủ yếu là lớp từ đơn tiết. Ví dụ: bể (biển), chạc (dây), chi (gì), chộ (thấy), coi (xem, nhìn), cội (gốc), cơn (cây), đàng (đường), đọi (bát), mau (nhanh), mần (làm), mắc (bận), mô (đâu), nậy (to), ngài (người), ngái (xa), nhởi (chơi), ni (nay), nom (nhìn), nỏ (không), o (cô), rày (nay), răng (sao), rú (núi), rứa (thế ấy), trốc (đầu), trự (đồng tiền)… Từ đơn là lớp từ chủ yếu thuộc vốn từ cơ bản trong vốn từ của mọi ngôn ngữ cũng như phương ngữ, dùng chỉ những sự vật, hoạt động, tính chất… cơ bản liên quan thiết yếu đến đời sống con người nên chúng thường được dùng nhiều và trở nên quen thuộc. Vì thế, sự có mặt của từ đơn địa phương với số lượng lớn và tần số cao như vậy đã tạo nên sắc thái biểu cảm mang tính địa phương, gần gũi, thân mật, dễ hiểu đối với người Nghệ Tĩnh. Nếu là người tỉnh ngoài thì rất khó tri nhận được những sắc thái nghĩa như vậy.
Dựa vào ngữ điệu, tình thái của lời trong từng tình huống giao tiếp, nỏ có thể được dùng với nghĩa “có”, “đồng ý”, “đồng tình” như lối nói “Em nỏ!” (cũng như lối nói “Em chả!” trong phương ngữ Bắc bộ). Trong trường hợp dưới đây, nỏ vừa được dùng với sắc thái nghĩa phủ định không rõ ràng như “chẳng” lại vừa có chút sắc thái biểu cảm “trách giận” ngọt ngào: Đây thương đó, đó nỏ thương đây/ Làm chi cách trở nứa mây đôi đường; Khi chưa có chồng anh nỏ dốc lòng gắn bó/ Bây giờ em có chồng rồi anh đón ngọ (cổng) trao thư/ Ơi anh ơi! Anh đừng trao thư mà hư tờ giấy/ Em có chồng rồi nỏ lấy anh mô!
Ngoài đặc điểm dùng từ theo thói quen thì cái riêng của dân ca Nghệ Tĩnh có lẽ là ở chỗ sự “lựa chọn” dùng từ địa phương thay cho từ toàn dân trong những hoàn cảnh mà bản thân sự lựa chọn đó là phù hợp về một phương diện nào đó, về nội dung và nghệ thuật biểu hiện hay về sắc thái địa phương cần thiết của nó.
Từ ngữ địa phương – những sắc thái nghĩa tinh tế
Ngoài lý do thói quen dùng từ quen thuộc, việc lựa chọn từ là nhằm nói được một cách tinh tế các trạng thái tâm hồn, tình cảm của con người theo cách cảm, cách hiểu của người Xứ Nghệ, tạo nên sự đồng điệu, rút ngắn khoảng cách trong giao tiếp giữa người nói và người nghe. Cho nên, cái hay, cái tinh tế của từ ngữ ở đây trước hết là vì nó phù hợp với đối tượng tiếp nhận là nhân dân lao động địa phương.
Ví dụ, nếu như trong ngôn ngữ toàn dân, vàng vọt là “có màu nhợt nhạt, vẻ yếu ớt” thì từ địa phương vàng vọ dùng trong Hát giặm Nghệ Tĩnh, ngoài nghĩa như từ vàng vọt còn gợi sắc thái về sự ốm yếu, già cả, vò võ lo âu: Mẹ vàng vọ xanh xao/ Gẫm như kẻ nhà giàu/ Có cơm ăn thuốc bổ/ Có sâm kỳ thuốc bổ. Từ địa phương róng rả dùng trong các câu hát giặm Nghệ Tĩnh: Nhà năm gian róng rả/ Ai ai chộ cũng say/ Trên hai cót nếp mây/ Dưới khoanh đầy nếp chạo không chỉ có nghĩa chỉ diện tích lớn như từ toàn dân rộng rãi mà còn có sắc thái nghĩa về sự bề thế, đẹp đẽ của sự vật được nói đến. Do vậy, vai trò biểu nghĩa của róng rả khác với rộng rãi.
Từ ngữ địa phương trong vai trò hiệp vần, ngắt nhịp
Vần không chỉ để liên kết mà còn là điểm ngừng nghỉ để suy nghĩ lời tiếp theo và cũng là điểm nhấn để người nghe chú ý, nhất là trong các thể loại dài như hát giặm. Vì thế, cái “khuôn” của các thể loại này quy định việc sử dụng các yếu tố ngôn ngữ rất rõ. Chẳng hạn, với “hát giặm”, thông thường mỗi khổ có 5 câu, trong đó, câu mở đầu có vần trắc, hai câu tiếp theo gieo vần bằng, câu thứ tư gieo vần trắc và câu cuối láy lại câu thứ tư. Để tránh lặp, nghe đỡ nhàm chán, người Nghệ Tĩnh thường cố gắng thay đổi một vài tiếng trong 5 câu này. Trong những trường hợp đó, vai trò của từ địa phương thường được khai thác khá triệt để; các yếu tố phương ngữ đồng nghĩa với từ toàn dân đã được khai thác không những tránh được lặp mà ý nghĩa khái quát của câu kết mỗi đoạn cũng được nhấn mạnh hơn: Không ra thì cức (tức)/ Nói ra cụng (cũng) chạnh lòng/ Ở sáu tháng cho xong/ Trăm điều chi nhịn hết/ Vạn điều gì nhịn hết. Tương tự: Công tác ngài cần cấp/ Bụng thì đói ra ri/ Nghị (nghĩ) nỏ biết ăn chi/ Cứ nói râm (bậy) nói dại/ Cứ nói mường nói dại.
Các từ gieo vần với nhau có thể đều là từ địa phương nhưng cũng có thể là sự xen kẽ giữa một từ địa phương với một từ toàn dân, như câu: Thương anh biết tính mần răng/ Lấy biển hồ làm mực, lấy gió trăng làm chừng. Nhờ dùng kết hợp trong cách gieo vần như vậy mà yếu tố địa phương ở đây (mần răng) đã làm cho hình ảnh ở dòng thứ hai thêm thi vị và lãng mạn nhưng vẫn không viễn vông.
Từ địa phương trong các cấu trúc sóng đôi
Nét riêng ở lời dân ca Nghệ Tĩnh thể hiện ở việc dùng từ địa phương như một biện pháp tránh trùng lặp nhằm tăng thêm sức khái quát cho lời thơ. Từ địa phương được đặt trong thế lựa chọn cùng loạt với các từ đồng nghĩa toàn dân; đó cũng là một ưu thế của các sáng tác dân gian địa phương, bởi tác giả dân gian được tự do sử dụng vốn từ rộng rãi nhất nhưng không hề ảnh hưởng đến giao tiếp. Ví dụ, kiểu dùng nỏ (không) đi sóng đôi với không như trong hai dòng sau: Không bằng đây vô đó/ Nỏ bằng đây vô đó. Hoặc dùng phối hợp với cặp từ khác cũng mang tính đồng nghĩa hay trái nghĩa: Không chi mạnh bằng gạo/ Nỏ chi bạo bằng tiền;…
Từ địa phương được dùng trong cấu trúc sóng đôi rất linh hoạt về vị trí; có thể ở đầu các dòng: Mắc đường kia nỗi nọ/ Bận đường này nỗi nọ. Cặp từ đối có thể ở giữa dòng: Đừng trăn triu (so bì) không khá/ Đừng hà tiện không nên. Bầy tui cức (tức) cái phận. Bầy tui giận cái duyên. Cặp từ đối có thể ở cuối các dòng: Đền Cao Sơn rờ rỡ/ Đền Bản thổ nguy nguy (cao lộng lẫy).
Cách dùng từ địa phương đồng nghĩa trong các cấu trúc sóng đôi như vậy không chỉ giúp cho câu thơ cân đối, hài hòa, nhịp nhàng, duyên dáng mà ý nghĩa của lời ca cũng được khái quát và nhấn mạnh hơn.
Qua việc phân tích, miêu tả sơ lược một vài khía cạnh về ngôn ngữ của hát ví và hát giặm Nghệ Tĩnh, chúng ta thấy, yếu tố ngữ âm và từ ngữ địa phương Nghệ Tĩnh là một trong những cơ sở tạo cho dân ca Xứ Nghệ mang đặc trưng riêng biệt. Các nhân tố ngữ âm và từ ngữ địa phương Nghệ Tĩnh thể hiện trong dân ca Xứ Nghệ vừa mang tính tự nhiên do thói quen phát âm và dùng từ trong đời sống thường ngày nhưng đồng thời cũng mang tính lựa chọn trong sáng tạo nghệ thuật dân gian. Điều này giúp cho dân ca Xứ Nghệ không bị trộn lẫn với dân ca các vùng khác và người Nghệ Tĩnh cũng cảm nhận được sự thân thiết, gắn bó, nhưng mặt khác cũng làm cho dân ca Xứ Nghệ hạn chế mở rộng địa bàn phát triển khỏi đất Nghệ.
Từ ngữ địa phương đóng vai trò quan trọng về nội dung và nghệ thuật lời thơ dân ca, góp phần phản ánh một cách khá toàn diện hiện thực đời sống của người dân lao động Nghệ Tĩnh, nhất là những vấn đề quan trọng thuộc về hoặc liên quan thiết yếu đến con người, vừa đóng vai trò như một yếu tố sáng tạo nghệ thuật trong tổ chức lời ca của các sáng tác dân gian. Không những tạo nên giá trị của dân ca Xứ Nghệ mà còn làm cho nhiều người, nhất là những người con quê hương Nghệ Tĩnh luôn yêu quý dân ca ví, giặm, thấy tâm hồn, tình cảm của mình đã quyện chặt với hồn quê.
PGS-TS. HOÀNG TRỌNG CANH
(Khoa Ngữ văn – Đại học Vinh)