Là một thợ mộc sống bằng nghề cha ông để lại, chưa bao giờ gia đình anh Phan Đăng Yên lại nghĩ rằng mình có thể mở rộng sản xuất, làm giàu ngay trên chính quê hương Thái Yên -vùng đất trước đây vốn được xem là cái nôi của những người thợ tài hoa nhưng phần lớn phải phiêu dạt làm ăn xa cùng với túi đồ nghề đẽo đục. Ấy vậy mà giờ đây Thái Yên rộn ràng gần trăm xưởng mộc, mỗi xưởng có từ 15- 40 nhân công, vừa tạo công ăn, việc làm cho lao động địa phương vừa giữ gìn, phát huy được nét truyền thống của làng mộc.
Kể từ khi xã xây dựng quy hoạch cụm CN – TTCN và đưa các hộ làm nghề vào sản xuất tập trung, một diện mạo mới đã hoàn toàn đổi thay trên vùng đất đa nghề này. Trong số các doanh nghiệp và hàng chục xưởng có quy mô tại đây, người ta biết đến anh Yên bởi bàn tay khéo léo và tài hoa của một nghệ nhân đầy sáng tạo. Với anh, một trong 27 nghệ nhân được tôn vinh trong toàn quốc, “nếu không được tạo điều kiện phát huy nghề truyền thống, người thợ sẽ khó giữ được niềm say mê và yêu nghề. Cơ ngơi hai xưởng sản xuất đồ gỗ, bình hoa mỹ nghệ rộng đến 2500m2 mà anh tạo lập được cũng có từ những động lực đó.”
Khu tiểu thủ công nghiệp ra đời không chỉ tập trung các cơ sở sản xuất đồ gỗ, tạo điều kiện xây dựng làng nghề, tạo thương hiệu cho Thái Yên mà hơn hết nó đã giải quyết tình trạng sản xuất nhỏ lẻ mạnh ai người ấy làm, mở ra hướng làm ăn mới, đột phá vững chắc trên thị trường cho bà con nông dân ở đây. Sản phẩm truyền thống có chỗ đứng trên thị trường, người dân Thái Yên hôm nay đã không còn phải lo nhiều đến chuyện đói no, chuyện thiếu việc làm trong mùa nông nhàn rỗi rãi. Người trẻ người già, kể cả phụ nữ nông thôn… ai cũng có thế kiếm thêm thu nhập từ chính nghề mà cha ông truyền lại.
Là một trong 10 làng nghề truyền thống đã được tỉnh Hà Tĩnh xếp vào danh sách khôi phục và phát triển, nghề mộc Thái Yên thực sự đã và đang trở thành một thế mạnh để xã nhà chú trọng đầu tư xây dựng nông thôn mới. Có nghề ổn định đồng nghĩa với việc sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc thực hiện đề án sản xuất, chuyển đổi cơ cấu nghề và lao động, tạo điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.
Ông Nguyễn Minh Hạ – Phó Chủ tịch UBND xã Thái Yên cho biết: “Chỉ mới hơn 5 năm trở lại đây thôi, nhờ đầu tư đúng hướng, tận dụng được tiềm năng lợi thế của địa phương, một Thái Yên hôm nay đã khởi sắc hoàn toàn. Bộ mặt nông thôn đang đổi mới từng ngày.”
Nhiều năm trở lại đây, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Đã có nhiều vùng nông thôn, bà con không chỉ khôi phục được nghề mà còn có thể làm giàu bằng chính nghề truyền thống tưởng chõng đã bị mai một cùng thời gian.
Theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc phát triển CN-TTCN nông thôn liên quan trực tiếp đến nhiều tiêu chí quan trọng khác như: thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động và hình thức tổ chức sản xuất. Nơi nào có được làng nghề, phát triển CN – TTCN có ý nghĩa rất lớn trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của địa phương đó.
Tuy nhiên, không phải tất cảc các cụm quy hoạch đều thuận lợi. Rất nhiều làng nghề sau nhiều năm quy hoạch vẫn không có khả năng lấp đầy, thậm chí không đầu tư nổi cơ sở hạ tầng thiết yếu để thu hút các hộ sản xuất kinh doanh vào.
Tại xã Trường Sơn (Đức Thọ), ngay từ năm 2006, huyện đã quy hoạch cụm làng nghề 4,2ha để đưa các hộ sản xuất đồ mộc, đóng thuyền của xã vào sản xuất tập trung. Thế nhưng, sau hơn 5 năm, ngoài con đường nội cụm gần 1 tỷ đồng ra thì các hạng mục cơ sở hạ tầng khác chưa có gì. Nhiều hộ sản xuất, dù xã đã có khu quy hoạch nhưng vẫn phải bỏ tiền thuê mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất tại một chỗ khác để duy trì việc làm ăn. Ổn định tại cụm TTCN là mong muốn thường trực của anh và nhiều hộ làm nghề ở đây nhưng xem ra còn rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Thái Học – Chủ tịch UBND xã Trường Sơn – Đức Thọ cho r»ng: Khó khăn thì rất nhiều, nhưng đầu tư vốn không ăn thua nên đất đai vẫn nằm im, người sản xuất thì không được hưởng lợi mấy, mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu lao động từ chuyển đổi nghề của địa phương vẫn còn nhiều trăn trở.
Xung quanh câu chuyện này, chị Nguyễn Thị Bình – Trưởng phòng Quản lý công nghiệp – Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết thêm: Phát triển CN-TTCN, làng nghề góp phần xây dựng nông thôn mới, rõ ràng đó là điều ai cũng dễ dàng nhận ra. Đây cũng là lý do khá dễ hiểu giải thích vì sao phần lớn các địa phương trong quá trình xây dựng quy hoạch đều lưu ý nhiều đến vấn đề này. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý nhà nước, đòi hỏi chính mỗi người trong cuộc đều phải quan tâm đến khả năng phát triển và sự bền vững lâu dài của nó. Không nhất thiết địa phương nào cũng phải có quy hoạch, cụm CN-TTCN. Nó phải phù hợp với quy hoạch chung của huyện, của tỉnh”.
Phát triển CN-TTCN, làng nghề tại địa bàn nông thôn không chỉ tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động và khai thác được thế mạnh của từng địa phương mà còn góp phần giảm nghèo, thúc đẩy phát triển KT-XHi. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, việc phát triển CN-TTCN, làng nghề vẫn còn gặp không ít khó khăn khi giá trị sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, các địa phương vẫn còn nặng về sản xuất kinh tế hộ gia đình. Vì vậy, việc chú trọng xây dựng và phát triển tập trung các cụm TTCN, làng nghề nông thôn một cách hiệu quả và bền vững như nhiều địa phương đã làm được chính là hướng đi tích cực để góp phần hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới hiện nay./.
thuận huế
Báo Hà Tĩnh