Khu TĐC thôn Long Giang xã Thạch Khê thành bãi chăn thả bò. Ảnh: Trần Tuấn Lãng phí, xuống cấp Những ngày này, khu vực moong mỏ sắt Thạch Khê (trữ lượng 544 triệu tấn, lớn nhất Đông Nam Á) vẫn im lìm không máy móc, không nhân công. Tình cảnh này đã diễn ra chỉ sau 1 năm triển khai bóc đất tầng phủ (2009) cho đến nay khi dự án thiếu vốn phải đình trệ. Ở các khu TĐC của mỏ sắt tình cảnh cũng chẳng có gì sáng sủa hơn. Tại khu TĐC thôn Long Giang xã Thạch Khê, chúng tôi ghi nhận một khu đất rộng lớn hàng chục ha đã xây dựng nhà văn hóa, hệ thống điện, đường, cống thoát nước… nhưng chưa có một hộ dân nào đến ở. Tất cả cơ sở vật chất đã đầu tư đang xuống cấp. Một phụ nữ thôn Long Giang đang làm đất trồng dưa trong khu TĐC Long Giang – cho biết, để xây dựng khu TĐC này, trước đây gia đình chị bị thu hồi 5 sào đất ruộng. Thế nhưng, sau thu hồi, san lấp mặt bằng rồi bỏ hoang thành bãi chăn thả bò cho đến nay. “Thấy tiếc đất bỏ phí, gia đình tui cũng như hàng chục hộ dân thôn Long Giang ra tận dụng làm hoa màu” – chị này nói. Ông Dương Đình Tiến – Chủ tịch UBND xã Thạch Khê – cho biết, khu TĐC thôn Long Giang khoảng 47ha đang bỏ hoang. Do vậy, nhiều năm nay, một số hộ dân đã tận dụng làm hoa màu. Khu TĐC Thạch Đỉnh 2 (xã Thạch Đỉnh) có diện tích 50ha trước đây thu hồi đất 2 lúa của dân cũng đang trong tình cảnh hiu hắt. Ông Trương Văn Hưởng – PCT UBND xã Thạch Đỉnh – cho biết, khu TĐC này mới có khoảng 40 hộ dân về ở. “Thu hồi đất lúa với diện tích lớn làm khu TĐC nên về lâu dài, việc thiếu đất sản xuất cho người dân là vấn đề rất nan giải”, – ông Hưởng nói. Tại xã Thạch Bàn có khu TĐC Thạch Bàn 1 hiện đang xây dựng đường, phân lô. Sau 3 năm triển khai thực hiện nhưng đến nay vẫn dang dở, chưa kéo điện về. Khu TĐC Thạch Bàn 2 đã thu hồi đất của dân nhưng vẫn chưa san lấp mặt bằng. Cả 2 khu TĐC trên địa bàn xã Thạch Bàn trước đây thu hồi hàng chục đất nông nông nghiệp và đất làm muối của dân. Ngày 10.7, ông Nguyễn Quốc Hương – PCT UBND huyện Thạch Hà – cho biết, theo kế hoạch ban đầu, phải di dời 3972 hộ dân thuộc 6 xã bãi ngang vùng mỏ sắt, gồm: Thạch Khê, Thạch Hải, Thạch Đỉnh, Thạch Bàn, Thạch Trị, Thạch Lạc về 19 điểm TĐC trước năm 2013. Tuy nhiên, do chủ đầu tư là Cty CP sắt Thạch Khê thiếu vốn nên việc giải phóng mặt bằng và xây dựng TĐC bị chậm. Theo tính toán, phải đền bù hơn 3000 tỷ đồng nhưng đến nay mới đền được hơn 250 tỷ đồng. Về vấn đề xây dựng các khu TĐC của mỏ sắt, ông Hương cho biết, đến thời điểm này mới xây dựng hoàn thành được 2 khu TĐC ở xã Thạch Khê và xã Thạch Đỉnh. Còn khu TĐC Thạch Bàn 1 đang dang dở. Nguyên nhân khu TĐC đang bỏ hoang vì chưa có đền bù, GPMB cho dân để di dời. “Rõ ràng là lãng phí rồi” – ông Hương nhìn nhận về các khu TĐC bỏ hoang nhiều năm nay. Sẽ về đâu? Cũng theo ông PCT UBND huyện Thạch Hà – Nguyễn Quốc Hương, liên quan đến vấn đề di dời, TĐC mỏ sắt Thạch Khê, tháng 5.2013, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định số 1358 thực hiện lộ trình di dời. Theo đó, từ 2013 – 2022 sẽ bồi thường, hỗ trợ, GPMB 584 ha. Giai đoạn 2 từ 2023 – 2033 sẽ bồi thường, hỗ trợ, GPMB 2651 ha. Việc điều chỉnh theo lộ trình này và điều chỉnh Dự án khai thác mỏ sắt vào cuối 2014 vừa qua sẽ thay đổi về kế hoạch xây dựng các khu TĐC. Theo đó, sẽ không cần phải xây đến 19 điểm TĐC như tính toán trước đây. Ông Nguyễn Đình Sơn – PGĐ Cty CP Sắt Thạch Khê – cho biết, thời gian qua, việc khai thác mỏ sắt bị đình trệ vì thiếu vốn và điều kiện khai thác khó khăn nên phải điều chỉnh. Tháng 12.2014, dự án đã được phê duyệt điều chỉnh. Hiện Tổng Cty đang huy động cổ đông góp vốn mà hạn cuối Chính phủ giao là đến ngày 15.7. Thời gian này đang chờ phê duyệt thiết kế tổng dự toán, thiết kế mỏ do Bộ Công thương chủ trì. Chính phủ yêu cầu phải do thẩm định nước ngoài thực hiện. Dự kiến tháng 9 tới Dự án sẽ được phê duyệt. Cũng theo ông Sơn, trước đây tính toán di dời gần 4 ngàn hộ dân nên xây dựng nhiều khu TĐC. “Với phê duyệt điều chỉnh lần này, quan điểm là vẫn để dân sống quanh khu vực mỏ. Sẽ tính ít ảnh hưởng nhất đến việc di dời”, – ông Sơn nói. Ông Sơn còn cho biết, thời gian qua đã lãng phí, chấp nhận trả lãi ngân hàng khi xây dựng nhiều khu TĐC. Tuy nhiên, có thể sau này khi đi vào khai thác, một số khu TĐC sẽ được dùng xây nhà ở cho công nhân. Trần Tuấn (Lao Động) |
Những khu tái định cư của mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á sẽ về đâu?
Để khai thác mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á (Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh), tỉnh Hà Tĩnh chủ trương di dời gần 4 ngàn hộ dân vùng mỏ về nhiều khu tái định cư (TĐC). Tuy nhiên, sau nhiều năm xây dựng, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp mà các khu TĐC vẫn vắng bóng, trở thành những khu đất hoang chăn thả bò mà trước đó đã thu hồi hàng chục ha đất 2 lúa của dân.