Để không bỏ lỡ cơ hội khám phá khi về với Lộc Hà các du khách sẽ được thưởng ngoạn những địa danh du lịch hấp dẫn:
BÃI BIỂN XUÂN HẢI
Nằm vị trí trung tâm huyện, bãi tắm Xuân Hải với lợi thế nằm ngay trên cung đường 70 tiếp nối đường tỉnh lộ 9 từ Thành phố Hà Tĩnh về tận biển, sạch đẹp và hiện đại. Du khách có thể đi về bãi tắm Xuân Hải từ nhiều hướng: hướng từ Cẩm Xuyên theo quốc lộ ven biển qua cầu Thạch Đỉnh và tới Lộc Hà (khoảng 15 km), hướng từ ngã ba đường tránh Thạch Long, huyện Thạch Hà (khoảng 7 km), từ thành phố Hà Tĩnh thằng theo đường Tỉnh lộ 9 qua cầu Hộ Độ (khoảng 9 km), hoặc từ đường 22/12 hướng Nghi Xuân thẳng theo đường Ipa của xã Thịnh Lộc về trung tâm huyện, tất cả đều có điểm gặp trên cung đường 70 xuôi về tận bãi tắm.
Biển Thạch Bằng có bãi cát trắng, mịn và bằng phẳng kéo dài ra ngoài xa hằng trăm mét, sóng nhẹ, nước trong xanh, độ mặn vừa phải, không có vùng nước xoáy hay dòng chảy nguy hiểm. Nằm khá xa khu dân cư nên biển rất sạch và còn mang đậm nét hoang sơ. Không chỉ thuận lợi về giao thông và bãi tắm đẹp, nơi đây còn có nhiều nguồn thủy hải sản phong phú như các loại cá, cua, tôm, mực… đánh bắt từ biển. Cua biển hoặc nuôi từ các đầm, phá ven sông, biển; ghẹ hoa, ghẹ xanh,ốc hương, mực đánh bắt từ biển Thạch Kim; hến Mai Phụ, vẹm xanh, Hàu lệ Thạch Châu, sò lông, sò huyết Thịnh Lộc và đặc biệt là các các loại cá tươi được đánh bắt ngay trên bãi biển này như cá trích, cá két, cá trô, cá bạc má, cá mú… là nguồn thực phẩm biển tươi sống để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn phục vụ du khách.
CHÙA CHÂN TIÊN
Chùa Chân Tiên là một Di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh thuộc địa bàn xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia năm 1992. Hằng năm, cứ đến ngày 03/3 (âm lịch), UBND huyện phối hợp cùng UBND xã Thịnh Lộc và nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống, dân gian Chùa Chân Tiên nhằm ghi công các bậc tiền nhân trong sự nghiệp dựng và giữ nước và cầu nguyện cho phúc thái, dân an.
Chùa Chân Tiên (xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà)
Lễ hội được tổ chức có quy mô với không gian rộng, trang nghiêm, phong phú cả về nội dung lẫn hình thức nhưng vẫn mang đậm bản sắc truyền thống, dân gian. Chùa Chân Tiên là di tích thờ Đức Thánh Mẫu và Phật tổ Thích Ca Mầu Ni, nơi dừng chân của công chúa Liễu Hạnh, con gái vua Trang Vương vì không muốn bị vua cha ép gã mà sang đây tu hành. Đây cũng là địa chỉ đỏ của phong trào cách mạng những năm 1930 – 1931. Nguồn gốc xa xưa truyền lại thì Lễ hội Chùa Chân Tiên đã có từ rất lâu, ngày 3/3 âm lịch là ngày kỵ của Đức Thánh Mẫu, được nhân dân trong vùng nối tiếp truyền thống tổ chức hàng năm.
Du khách thập phương về dự lễ hội
Đây là lễ hội mang đậm nét văn hoá truyền thống, dân gian có từ lâu đời, được nhân dân luôn ngưỡng vọng. Lễ hội được tổ chức hàng năm là để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, hướng về cội nguồn, ngưỡng vọng tâm linh, thể hiện văn hóa tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Sau phần lễ trang nghiêm là phần hội với các trò chơi dân gian như kéo co, cờ thẻ,… sau này còn có các trò chơi mới được tổ chức tuỳ từng năm như bóng chuyền, đua thuyền, cắm trại… Lễ hội không chỉ là nơi để nhân dân “về nguồn”, mà trong tương lai, khi gắn với việc phát triển du lịch biển ở bãi biển Thịnh Lộc, đây sẽ là nơi ngưỡng vọng về tâm linh gắn với du lịch sinh thái, du lịch biển.
CHÙA KIM DUNG
Lễ hội Chùa Kim Dung tại núi Bằng Sơn, xã Thạch Bằng là lễ hội tôn giáo gắn với du lịch sinh thái, được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng 3 âm lịch hàng năm. Chùa được xây dựng từ đời nhà Trần vào thế kỷ thứ 13, gồm chùa thờ Phật và đền thờ Thánh Mẫu, thờ thần có quy mô rộng và đẹp, các công trình kiến trúc bố trí hài hoà với không gian và thiên nhiên nơi đây, tạo nên sự huyền bí mà gần gũi của một công trình kiến trúc tôn giáo. Tại chùa còn lưu truyền đôi câu đối:
Kim Dung chùa cổ tình non nước
Sát Hải tình xưa nghĩa đá vàng
Lễ thả hoa đăng
Núi Bằng Sơn là nơi táng mộ tổ quận công Nguyễn Hữu Chỉnh, nơi đây còn diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, là địa bàn hoạt động của nhiều chiến sỹ yêu nước, chùa còn là nơi hội họp của Đảng ta vào những ngày đầu khó khăn, là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã Thạch Bằng. Từ xa xưa lễ hội chùa Kim Dung tổ chức với tự phát với quy mô nhỏ, nhưng sau khi được xếp hạng di tích lịch sử danh thắng cấp tỉnh vào tháng 6 năm 2003 thì lễ hội được tổ chức với quy mô hoành tráng với nhiều nghi thức tế lễ và nhiều hội thi. Phần tế lễ tại chùa gồm có Lễ rước kiệu rồng từ chùa Xuân Đài lên chùa Kim Dung, thỉnh chuông, cung nghinh Hoà thượng cầu Quốc thái, dân an. Lễ hội còn diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá phong phú tại khu lễ hội dưới chân núi: Kéo co, chọi gà, cờ thẻ, tôm trống, cắm trại, leo núi, thả diều sáo, bóng chuyền mở rộng các xã, văn nghệ… Vì vậy, người ta ví đây là lễ hội bao trùm nhiều lễ hội.
Ngoài ra trên địa bàn còn có hơn 50 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh với nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội phong phú và đa dang, như: Đền thờ Vua Mai, vị Hoàng đế có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường ở xã Mai Phụ; nhà thờ Phan Huy ở Thạch Châu; Đền thờ Hoàng giáp Đông các hiệu thư Trần Đức mậu, Tam nguyên Hoàng giáp – tể tướng Nguyễn Văn Giai và dòng họ Nguyễn Đức Lục Chi nổi tiếng khoa bảng và yêu nước… ở Ích Hậu; Hoàng giáp Tể tướng Phan Đình Tá, Tiến sỹ Giám sát ngự sử Bùi Đăng Đạt, Tiến sỹ Mai Thế Quý ở Hồng Lộc; di tích lịch sử cách mạng Đình Đỉnh Lự ở Tân Lộc… là nơi du khách có thể thăm quan, nghiên cứu, tìm hiểu những giá trị truyền thống lịch sử văn hóa trên quê hương Lộc Hà./.
Văn Hoàng