Tuỳ bút Quê hương

Những dân cư lá vàng

Tôi ngược rừng một ngày cuối xuân, Nắng lang thang trên những giãi đồi bạt ngàn hoa tím. Con đường qua những địa danh: Động Bụt, Khe Giao, Con Chôồng, Khe Bứa quá đỗi thân quen. Chỉ hơn hai mươi năm con người đã làm được một việc “phi thường” biến rừng thành đồi. Bây giờ họ đang cố biến đồi thành rừng.

Trước kia tam giác: Đất Đỏ, Khe Bứa, Chông Kặc có đàn voi hàng mấy chục con, rồi voọc, chà vá và cơ man các loài thú quý. Bây giờ tất cả đều biến mất. Mỗi lần qua đây kỷ niệm buồn lại thức dậy trong tôi: Tôi nhớ ông Huyên làm nghề đốt than ở núi Đất Đỏ bị hổ vồ khi đang sàng than. Dân sơn tràng tìm được ông, bị hổ dấu trong bụi lau, vác về chôn cất. Nghĩa địa xa rừng hơn hai mươi cây số thế mà đêm hổ vẫn mò về bới mộ. Lần này tôi lên rừng không phải đi tìm kỷ niệm mà do thôi thúc của sự tò mò về miền đất sơ khai. Luồn qua những lùm bụi đặc quánh mà gót xe ô tô vừa khoắng lên đường Trường Sơn còn thi công dang dở, chúng tôi hướng về một miền sơn cước. Nơi đó cứ ám ảnh tôi qua lời kể bạn bè về một tộc người có cái tên rất gợi: “cư dân lá vàng”. CHA 7km. Một lát sau, CHA 6km. anh bạn tôi ngồi sau xe đọc tên cột mốc bên đường. Hương cười rủ rượi và bảo không phải CHA mà đó là chữ Chúc A viết tắt. Hương thôi cười, em thầm thì vào vai tôi bí hiểm: “anh đi cẩn thận, đây là dốc Mộc Bài, xe đỗ, chết người, sợ lắm”. Tôi nhìn sang đường, một bàn thờ đơn sơ khói hương còn vật vờ lơ lửng. Xe chồm qua những hòn đá trọc lốc lăn lóc đầy đường hổn hển bò lên dốc. Từ lâm trường Chúc A đến bản Rào Tre chừng hai mươi cây số. Con đường có vẻ hiền hoà hơn, lượn qua những gò đồi thoai thoải, hai bên đường nở đầy hoa trập trội. Một loài hoa rừng có mùi thơm mê mải, dịu ngọt, cánh hoa mềm và thiết tha. Lúc đầu hoa màu xanh nõn, ít lâu sau chuyển sang màu vàng tươi và sau cùng vàng sẫm, đó là lúc hoa thơm nhất. Con gái xóm núi thường hái hoa về bỏ đầu giường. Hoa còn thơm mãi đến cả tuần trăng. Tôi đang miên man, chợt con đường đang đổ nhào về phía vực. Vực Chình, Hương thảng thốt, vực tròn và xanh rợn người như mắt quỷ. Mùa lũ trước, nước đã khoét sâu vào lòng đường tạo thành cái hàm ếch khổng lồ lởm chởm. Tôi cho xe rón rén bám về phía tà luy dương mà có cảm giác như đường đang nứt rạn dưới chân xe. Hương phả hơi thở nóng hổi dồn dập vào tôi. Hình như nãy giờ em nín thở. Qua cầu khỉ như cái bẫy người bắc trên con suối cạn đầy những đá thia lia, chúng tôi lọt vào thung lũng. Nghe tiếng xe máy lũ trẻ nhào ra, chúng nâu và bóng. Tôi có cảm giác như tạo hoá đùa nghịch, phết lên da chúng một lớp sơn mài màu cánh gián. Chẳng cần hỏi tôi cũng biết ngay chúng là “cư dân lá vàng” dân tộc Chứt. Đội công tác đặc biệt của lực lượng Biên Phòng Hà Tĩnh vui vẻ đón chúng tôi. Hương ở lại bản Doanh hát qua máy phóng thanh cho dân bản nghe. Tôi và anh Trọng Bính – người bạn thơ, ngược về phía bản. Từ xa những túp nhà như tổ chim đã qua mùa ra ràng xao xá ven đồi. Nhà đầu tiên tôi vào có hai cô bé. Thấy tôi họ bẽn lẽn không nói gì. Tôi hỏi bé lớn: “ Năm nay cháu bao nhiêu tuổi?” Cô trả lời bằng tiếng kinh ngọng nghịu “ Không biết tuổi”. Cô em cũng lắc đầu “Không biết tuổi”. Cha mẹ đi đâu. Tôi hỏi. “Chết rồi”. Các cháu ăn cơm chưa? “Lâu rồi không ăn cơm”, “Củ sắn cũng hết rồi, chờ bộ đội chia gạo thôi”. Loanh quanh một vòng trong bản qua những túp lều đìu hiu vắng chủ. Ở đây chỉ có hai thứ đặc trưng hiện hữu là đói và buồn. Về nhà trưởng bản cũng chẳng có gì vui, ông cho biết dân bây giờ nhiều nhà không còn gì để ăn. Đàn ông lên núi đào củ, đốt ong, co khi nán lại qua đêm để rình con thú. Đàn bà xuống suối mò trai bắt cá. Cái đói cứ điệp khúc vật vờ theo dân tộc Chứt bao thế hệ, kiếp người vẫn chưa chịu buông tha. Bữa cơm dọn ra có rau má, rau tàu bay luộc thơm thật quyến rũ, tôi nhớ về rau này như một huyền thoại từng “cứu cánh” những người lính, những cô thanh niên xung phong suốt một thời xẻ dọc Trường Sơn đánh Mỹ. Vừa ngồi vào chiếu đột nhiên bọn trẻ xuất hiện ngoài ngõ, trông chúng như những pho tượng đồng hun biết di động. Tôi đã từng bị đói và tôi biết chúng nó muốn gì, chúng đến bởi sự thôi thúc của bản năng tự tồn. Từ những năm đầu của thập kỷ 60, người đi rừng thỉnh thoảng lại bắt gặp những sinh vật quấn vỏ cây trên mình thoắt ẩn, thoắt hiện trong dáy Giăng Màn. Rồi chiến tranh giặc Mỹ leo thang đánh phá Miền Bắc. Chiến tranh thực sự là nỗi kinh hoàng, đàn ông lên đường ra trận và hình ảnh người rừng đã bị khuất lấp giữa bộn bề khói lửa chiến tranh. 20 năm sau, vào thập kỷ 80, một cơn lốc không số đỏ bộ vào khu vực rừng Hương Lâm, Hương Liên tàn phá khủng khiếp. Hậu quả của chúng chẳng bao giờ khắc phục được. Đó là cơn lốc do con người sinh ra. “cơn sốt Kỳ Nam. Thời kỳ này các nhà dược học Việt Nam chỉ hiểu mơ hồ về trầm hương là một thứ dược liệu quý nhưng chưa biết bào chế và sử dụng ra sao thì ở đây rừng bị xới tung lên. Gần 30km2 rừng tự nhiên, không một gốc trầm hương nào sống sót, cả những cây chết từ lâu cũng bị đào bật gốc tìm trầm “rục”. Kỳ Nam tìm đường ra nước ngoài theo những ông chủ hiểu rõ giá trị về nó. Dân Hồi giáo rất quý dầu trầm. Ngoài những bí quyết dùng trầm để chữa bệnh và tinh chế hàng xa xỉ phẩm cao cấp dùng cho tầng lớp quyền quý, họ xem trầm hương như một sức mạnh về tiềm lực kinh tế. Nếu như ở Việt Nam, những biệt thự sang trọng tôn vinh thân thế của chủ nhân thì người Hồi giáo được đánh giá sự vinh quang bằng số lượng dầu trầm ướp xá khi người thân xuống mộ. Hiện nay khu vực Trung Đông chiến tranh liên miên. Giá dầu trầm có phần chững lại chìm nổi ở thị trường đen trên dưới 20.000 USD/kg. Cơn sốt trầm hương vừa đi qua, trận càn rùa vàng, tê tê (xuyên sơn), kỳ đà như quét nốt những gì quý giá còn lại của rừng. Một con rùa vàng nhỏ như đồng hồ đeo tay, lúc đầu giá 5 triệu đồng, rồi nhảy lên 20 triệu đồng, đột nhiên phóc một cú lên đến 40 triệu đồng Việt Nam tại biên giới Trung Quốc. Rồi gỗ huê, một thứ gỗ không có tên trong danh sách thực vật rừng Việt Nam. Loài gỗ lõi đỏ thắm như máu, giác trắng như lụa, trông hao hao giống cẩm lai. Giá ở Hà Nội thời kỳ cao điểm 46 triệu đồng/1m3. Trong lúc đó cũng tại Hà Nội gỗ trắc có đủ giấy tờ nhập khẩu, (loại đẹp) giá chỉ 22 đến 24 triệu đồng/1m3. Người Trung Quốc có cái quý nhất mà không ai khai thác được đó là “sự bí mật”. Họ mua những thứ hàng đó cho ai? Sao lại mua giá cao đến vậy? giá trị thực chất của nó là bao nhiêu? Ta không bao giờ biết được. Trở về với người rừng sau những trận càn quét, vét, những sinh vật mặc vỏ cây cũng bị lật ra bìa rừng. Họ được người Kinh cưu mang, dạy cách phát cây gieo hạt. Chủ yếu là họ làm thuê cho người Kinh, cho gì họ nhận lấy, họ không biết đòi hỏi, không biết ít nhiều. Họ khai hoang rồi làm thuê cho người Kinh chính trên đất của họ. Thứ quý nhất mà họ có được qua hơn một thập kỷ lặn lộn và tồn tại là tiếng nói, tiếng nói của người Kinh. Đó là thứ hành trang của nền văn minh họ mang theo vào thế kỷ mới. Phải đến giữa năm thứ tư của thập kỷ 90, thông tin về người Chứt mới được lan truyền về miền xuôi. Sau khi phát hiện ra phía dãy Giăng Màn tồn tại một tộc người có nguy cơ tuyệt chủng, ban lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã có dự án quy tụ dân tộc Chứt về định cư tại thung lũng Rào Tre thuộc xã Hương Liên. Dự án phát triển kinh tế dân tộc miền núi được giao cho lực lượng Biên phòng đảm trách. Ngày 30 tháng 6 năm 2001, tổ công tác đặc nhiệm được thành lập, đầu tiên là 6 người. Bây giờ còn 5, do thiếu uý Trần Đình Vũ làm tổ trưởng. Một lực lượng quá mỏng so với lượng công việc nơi này. Anh Vũ và các chiến sỹ kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu cùng chung sống với người Chứt. Ngày xưa, từ đời này qua đời khác những người của dân tộc lá vàng cứ lang thang như con thú tìm mồi trong núi.Họ ăn những thứ có sẵn trong thiên nhiên, khi những túp lều kết bằng lá đã úa vàng cũng là lúc họ đi tìm nơi ở mới. Rồi thức ăn trong thiên nhiên cũng dần cạn kiệt, con hoẳng, con nai vắng bóng, con chim, con vượn bặt tiếng kêu. Chúng đã cùng với cây rừng theo nhau về chết nơi thành phố. Như huyền thoại thần nông, các anh dạy cho dân bản cách cày bừa trồng lúa nước. Nói thì có vẻ đơn giản thế nhưng với một dải đồng cao mấp mô chưa từng trồng lúa, một tộc người chưa có khái niệm lúa nước là gì, thật chẳng đơn giản tí nào. Ngày ngày các anh phải ra đồng vừa làm vừa hướng dẫn be bờ làm mương dẫn nước cải tạo mặt bằng, gieo mạ, xuống đồng, vào cấy. Tỉ mỉ từng tí một, hễ rời ra là họ làm sai ngay. Lặn lội với những người đàn ông vụng về thích rượu, những người đàn bà hay cười như nghé, nói líu líu lô lô. Hơn một năm trời cái màu như nắng làm ấm gan ấm ruột đã xuất hiện rực vàng trên dải đất mà từ thượng cổ đến giờ chỉ có màu xanh hoang dại. Năm 2001 với 1,5 ha lúa nước đã thu về cho dân bản 4,5 tấn thóc. Có thóc rồi, cái khó hơn là làm sao quản lý giúp dân giữ được lương thực để ăn dần. Nếu không là chỉ mấy ngày sau là họ đổi rượu uống hết. Họ chưa có khái niệm về bảo quản và dự trữ thức ăn. Ngày ngày các anh lại ra đồng, năm nay diện tích lúa nước được tăng lên 2,5ha và 1,5 ha lạc. Đêm đêm trung uý Nguyễn Văn Thiện, thiếu uý Ngô Bá Sơn đảm trách hai lớp xoá mù. Cái vui là cả mẹ và con học chung một lớp. Những thiếu niên ngồi xen lẫn với người lớn tuổi ồm oàm xướng những khoá chữ đầu tiên. Cả bản có 108 khẩu, gồm 24 hộ. Điều lạ là chẳng ai biết mình bao nhiêu tuổi, lại nữa họ chỉ có tên chứ không có họ. Gần đây họ được mang họ Hồ như dân tộc Pa Cô. Tuổi của dân bản cũng ngắn như cái tên họ vậy. Trưởng bản hiện nay là ông Hồ Kính già nhất bản cúng chưa được 50 mùa rẫy. Sốt rừng ốm đau, đói khát đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng khi họ chưa kịp đi hết cuộc đời. Theo họ là “do ma”. Từ ngày đội công tác đặc biệt về đây, cuộc sống hoàn toàn đổi khác. Thiếu uý Lê Văn Sơn và thiếu uý Chu Bá Trợ phụ trách quân y, thường xuyên khám và chữa bệnh, hướng dẫn cho nhân dân ăn chín, uống sôi, mắc màn tránh muỗi, bệnh sốt rét lâu nay hoành hành, bây giờ gần như lùi hẳn. Thấy chiến sỹ nào cũng đen trũi, tôi đùa: Các anh bây giờ thành người Chứt thực rồi. “Gần như vậy”. Họ đã sống ba cùng với dân: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, thiếu thốn đủ điều, năm anh em đều đã có vợ con, sống xa nhà cả năm trời, doanh trại còn phải mượn tạm, khổ nhất là phương tiện đi lại. Đồn trung tâm cách gần 20km mỗi lần nhận lương thực, thực phẩm, thuốc men anh em đều phải tự túc phương tiện. Thiếu nhiều thứ nhưng các anh có thừa nhiệt tình. Dự án đã đi được chặng đầu gian nan nhất và thành công đang đứng về phía các anh. Tháng 3 nắng ngơ ngác mắt nai, lưng đồi, sau bản, khoảnh rừng trầm hương các anh vừa trồng năm ngoái đã chập chững biếc xanh. Nghe đâu đây có âm thanh tiếng đàn rất lạ, tôi tìm đến nơi có tiếng đàn. Một người đàn ông quấn khăn sọc đang ngồi kéo đàn, bên anh một người đàn bà nghẹo đầu say sưa hát. Đôi vú trần nhảy thon thót theo nhịp ngân nga. Họ say sưa đến mức không biết có người vào. Chào anh chị – tôi lên tiếng. Hai người niềm nở đón tôi. Cây đàn trông thật lạ, tôi chưa thấy loại nhạc cụ này bao giờ. Trông nó đen bóng được làm từ ống nứa một đầu rỗng có một dây căng dọc theo ống nứa, đó là loài dây có tên là móc, dây được chuốt nhựa cây rừng rất bóng. Lâu ngày dây móc bị đứt bây giờ anh thay bằng dây cước. Tôi hỏi anh đàn này tên gì? Đàn Pi – anh nói, đàn này có từ lâu lắm. Hồi nhỏ anh nghe Pa đàn và hát anh học theo bây giờ còn nhớ. Nếu không có bộ đội bảo đàn thì ta quên luôn rồi. Lâu rồi đàn treo xó bếp. Anh cầm đàn lên, một đầu tì vào đùi, tay phải cầm một thanh cật nứa liếm nước bọt tra lên dây tay trái bấm lên phím dây. Âm thanh chợt vút lên réo vắt rồi trầm xuống u…u như tiếng sáo diều. Tôi không ngờ cái đàn bé tí mà âm thanh lại tiềm tàng diệu kỳ đến vậy. Anh vừa đàn vừa hát, bất giác, người đàn bà hát theo, họ hát bằng thứ tiếng mà tổ tiên người Chứt dành cho họ, một thứ âm thanh lảnh lót như tiếng suối, tiếng tắc kè, như tiếng chim “bắt cô trói cột”, trộn lẫn vào nhau. Tôi hỏi anh: Anh hbài gì vậy? không trả lời tôi anh đàn và hát tiếng Kinh lơ lớ:


“Một năm có mười hai cái tháng Một tháng có ba mươi cái ngày Anh yêu em! Anh đi đâu, em đi đó Em đi đâu, anh đi đó Dù con nai bỏ rừng Con lợn rừng quay lại Anh vẫn yêu em”. Trôi theo tiếng nhạc về thuở hồng hoang, đêm rừng bập bùng ánh lửa, đàn ông chơi đàn, đàn bà nhảy múa, vỏ cây rừng không che nỗi những thân người đỏ rực ánh lửa và ánh đồng. Đúng rồi! dân tộc Chứt cũng có văn hoá riêng, có thể một thời nào đó đã huy hoàng chăng hay ít nhất đã là niềm tự hào của họ và chắc chắn có nhiều điều ta chưa biết đến. Trong cơn vật lộn mưu sinh cái đói, cái chết đã làm cho họ quên đi tất cả. bây giờ cuộc sống mới hồi sinh dẫu có thiếu thốn đủ bề nhưng điều quý nhất là tâm hồn họ được sống lại. Từ góc khuất miền tâm thức tiếng đàn lời ca vật lên bừng thức. Chúng tôi tạm biệt đội đặc nhiệm, những người đi khai sáng, tạm biệt thung lũng Rào Tre như cái lúm đồng tiền bên má núi và những em bé hồn nhiên ngọn lửa giống nòi. Đừng buồn bản làng ơi, về xuôi tôi vẫn tin một ngày không xa đói nghèo sẽ bị đẩy lùi. Đó là ước vọng của tôi.


Phan Tùng Lưu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP