Cô giáo phải đi bán cam trong thời gian học sinh nghỉ học. |
Trường mầm non tư thục tạm dừng hoạt
Trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều trường mầm non tư thực gặp nhiều khó khăn. Tiền thuê mặt bằng, chi trả bảo hiểm, trả lương cho giáo viên mầm non cũng “ngốn” hàng trăm triệu đồng/tháng. Vì vậy, một số hiệu trưởng, chủ trường mầm non tư thục chọn phương án tạm dừng hoạt động.
Mới đây, Trường mầm non Cô Tiên (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) ra thông báo đến phụ huynh tạm ngưng hoạt động từ ngày 1/3/2020. Lý do trường đưa ra là trường mầm non Cô Tiên không đủ điều kiện để chi trả bảo hiểm, trả lương cho giáo viên trong thời gian nghỉ dịch bệnh, vì không có nguồn thu.
Trường mầm non thông báo tạm ngưng hoạt động. |
Theo cô Thủy Tiên, chủ trường mầm non Cô Tiên: “Nếu có hết dịch, quay trở lại hoạt động thì cũng không đủ giáo viên để làm nữa. Nghề giáo viên mầm non vốn dĩ đã rất áp lực. Nên sau khi dịch bệnh kéo dài mà có hết đi nữa, các cô cũng khó quay lại nghề do đã kiếm được một nghề khác thu nhập ổn định hơn”.
Đồng hoàn cảnh trên, trường mầm non Việt Mỹ (đường Lê Văn Khương, phường Hiệp Thành, quận 12, TP HCM) cũng thông báo tạm, ngưng hoạt động từ ngày 1/3/2020. Nhà trường thông báo sẽ trả lại hồ sơ, học phẩm của các bé trong các buổi sáng, bắt đầu từ ngày 9/3 đến hết ngày 14/3/2020.
Giáo viên "cầm cự" trong mùa dịch Covid – 19
Chia sẻ với những khó khăn của giáo viên, không ít chủ trường phải chấp nhận lỗ, cầm cự hoạt động của trường mầm non. Như trường hợp của cô Thùy Linh – Chủ đầu tư trường mầm non Cho Con (Đồng Nai) chia sẻ phải bán xe ô tô của gia đình được hơn 100 triệu để cầm cự hoạt động của trường.
Hay một số hiệu trưởng chấp nhận cho giáo viên trả nhà trọ chuyển đến ở trường mầm non trong thời gian các bé nghỉ học. Như trường hợp của cô Nguyễn Hoàng Lăng Viên (Hiệu trưởng trường mầm non Mỹ Đức, TP HCM).
Theo cô Viên, để tạo điều kiện cho giáo viên có thêm thu nhập, đích thân cô đóng vai thương lái về quê lấy cam, xoài, măng cụt… mang lên cho các cô bán. Một số cô khác thì ban ngày đến nhà phụ huynh giữ con, tối lại về trường ở…
Một số giáo viên mầm non mặc dù được số tiền hỗ trợ từ nhà trường nhưng vẫn không đủ trang trải chi phí sinh hoạt, nhiều cô chuyển hướng sang kinh doanh. Từ bán các sản phẩm túi xách, giày dép… trên trang cá nhân Facbook để có thêm thu nhập đến nhập hàng rau, củ, quả sạch… dưới quê để bán kiếm lời các cô đều làm chỉ để “cầm cự” trong thời gian chờ học sinh trở lại trường.
Cô giáo mầm non dựng quầy bán nước ngay trước cổng trường. |
Cô Thanh Thị Kim Anh (23 tuổi, quê Bình Thuận) cho biết, do nghỉ học dài ngày nên các cô bàn nhau nấu nước, mua thêm nước rửa tay, giày dép, áo quần về bán để kiếm thêm. Để bắt mắt, các cô nhờ chú bảo vệ dựng lều rồi trang trí thêm cho đẹp, những thanh tre nhỏ, lá dừa lợp mái… đều tận dụng từ lễ hội mùa xuân trước tết của trường.
Trong khi đó, cô giáo Bích Phương (SN 1996, quê Gia Lai) cùng đồng nghiệp dựng tấm biển “giải cứu giáo viên mầm non” tại trường Mầm non tư thục Ngôi nhà trẻ thơ ở quốc lộ 1A, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP HCM.
Giải thích về tấm biển, cô Phương cho biết: “Mình và các cô đặt bảng này chủ yếu là để vui thôi. Mình thấy nhiều nơi giải cứu nông sản như sầu riêng, dưa hấu, thanh long… nên mới nghĩ ra dòng chữ này. Trong mùa dịch, các con không đi học, nên các cô giáo nghĩ cách bán thêm gì đó để kiếm thu nhập. 'Giải cứu' là mong mọi người đến ủng hộ quầy nước của tụi mình chứ không có nghĩa gì sâu xa hết”.
Tác giả: L. Ngọc (tổng hợp)
Nguồn tin: Báo PLVN