Hiểm họa rình rập người tham gia giao thông
Tại của khẩu Cha Lo (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lưu lượng người qua lại cửa khẩu này những ngày cuối tháng 2/2020 khá vắng vẻ. Thế nhưng, xe tải trọng lớn mang BKS Lào thì vẫn khá tấp nập với hàng trăm xe xếp hàng dài chờ làm thủ tục thông quan qua lại.
Tại bến đỗ của cửa khẩu này, chúng tôi đếm được hàng chục chiếc xe tải loại 2 khúc (hay còn gọi là tổ hợp xe thân liền kéo theo rơ moóc) chở đầy các loại khoáng sản như quặng sắt, quặng đồng và thạch cao đang “nằm chờ” thông quan. Sau khi hoàn thành các thủ tục, các xe này lần lượt nối đuôi nhau trên hành trình về cảng biển Việt trả hàng.
Một xe tải mang BKS Lào đang thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) |
QL 12A là tuyến đường độc đạo đi cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, lâu nay con đường này đang phải oằn mình gánh những xe tải BKS Lào như đã nêu ở trên. Đặc biệt, tuyến đường có rất nhiều khúc cua, đồi đèo rất nguy hiểm nên với loại xe tải cỡ lớn dài đến hàng chục mét này khiến cho cũng đường này trở nên rất nguy hiểm với các phương tiện giao thông cùng lưu thông trên tuyến.
Theo ghi nhận của PV, những đoạn đường cua gấp khúc khi những xe tải cỡ lớn như trên đi qua thì gần như là “ôm” hết cả cung đường. Các xe đi ngược chiều không khỏi choáng ngợp khi gặp cảnh tượng nêu trên.
Một người tham gia giao thông trên QL 12A, cho biết, hàng ngày đi làm qua tuyến đường này anh gặp hàng trăm lượt xe tải mang BKS Lào chạy ngược xuôi. Riêng việc tránh những chiếc xe tải “khủng” nói trên cũng khiến cho những phương tiện khác gặp quá nhiều “căng thẳng”, lo lắng vì sợ tai nạn.
Khi thâm nhập thực tế trên tuyến QL 12A, dù rất thận trọng chuẩn bị tâm lý trước nhưng đã không ít lần PV gặp cảnh tượng hú vía khi suýt đối đầu trực tiếp với những chiếc xe tải cỡ “khủng” này tại các khúc cua.
Hàng chục chiếc xe tải "2 khúc" mang BKS Lào đang nằm chờ làm thủ tục thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo |
Tương tự như của khẩu Cha Lo, tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) hàng ngày những “binh đoàn” xe tải cỡ lớn, BKS Lào cũng vô tư “tung hoành” . Các xe tải này sau khi thông quan đều nườm nượp lưu thông trên QL 8, về QL1 rồi tỏa về các cảng Cửa Lò (Nghệ An) và cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Cảnh tượng những xe tải “2 toa” nặng trịch ùn ùn lưu thông trên đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn, là nỗi khiếp đảm của người tham gia giao thông trên các cung đường này.
Liệu có công bằng cho xe tải Việt?
Điều bất cập quá rõ đó là các dòng xe “siêu tải trọng” BKS Lào lâu nay vẫn không phải đóng phí bảo trì đường bộ, được phép chở vượt khung tải trọng khi lưu thông trên các quốc lộ, tỉnh lộ… Việt Nam trong suốt thời gian qua. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các xe tải trọng BKS Lào được đăng ký, đăng kiểm… đủ điều kiện lưu thông bên nước bạn Lào vẫn vô tư “đại náo” đường bộ Việt Nam.
Trong khi đó, cùng với lộ trình di chuyển như xe tải trọng gắn BKS Lào thì doanh nghiệp vận tải trong nước lại phải “gánh” đầy đủ các loại phí, lệ phí… theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hàng trăm lượt xe tải lưu thông trên tuyến QL 12A đi về các cảng Vũng Áng và Hòn La |
Bởi với những xe “siêu trường, siêu trọng” BKS Lào liên tục “ăn hàng” với tải trọng trên dưới 70 tấn di chuyển, chở hàng xuống cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình) từ cửa khẩu Cha Lo, Cầu Treo đang trở thành mối lo ngại về sự xuống cấp cầu, đường bộ trong nước.
Được biết, tại Điều 17 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT ngày 7/9/2015 của Bộ GTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng… cũng quy định tổng trọng lượng của tổ hợp xe nhỏ hơn hoặc bằng chỉ 48 tấn; đối với tổ hợp xe thân liền kéo rơ moóc cũng quy định tổng trọng lượng tổ hợp xe nhỏ hơn hoặc bằng 45 tấn.
Như vậy là trong khi xe gắn BKS Việt Nam chỉ được phép chở tải trọng tối đa nhỏ hơn hoặc bằng 48 tấn nếu tổ hợp xe đầu kéo kéo sơmi rơ moóc có tổng số trục dài hơn 6,5m quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 17, Nghị định 46/2015/TT-BGTVT ngày 7/9/2015.
Văn bản của Tổng cục đường bộ Việt Nam yêu cầu kiểm tra, xử lý phương tiện của Việt Nam và phương tiện mang biển số nước ngoài hoạt động vận tải liên vận tại Việt Nam |
Tuy nhiên, đối với xe tải trọng gắn BKS Lào loại 26-28 bánh với 02 toa kéo lại được phép gánh trên dưới 70 tấn lưu thông sau khi quá cảnh, thông quan tại các cửa khẩu thì liệu có công bằng với các doanh nghiệp, nhà xe gắn BKS nước ta? Đó là chưa kể đến kết cấu tải trọng của các cung đường nước ta sẽ bị ảnh hưởng, hư hỏng nghiêm trọng.
Theo tìm hiểu của PV, những xe tải trọng lớn gắn BKS Lào nói trên tung hoành trên QL 12 A, QL 12C, QL 8A, QL 1A… thuộc địa phận Việt Nam kể từ khi Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào, Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam đã ký với Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào ngày 15/9/2010 tại Hà Nội.
Văn bản của UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu kiểm tra, xử lý phương tiện của Việt Nam và phương tiện mang biển số nước ngoài hoạt động vận tải liên vận trên địa bàn tỉnh |
Vậy nhưng, chiếu theo Điều 4 của Hiệp định thư tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Lào – Việt Nam nêu trên cũng quy định rất rõ ràng là “Phương tiện khi hoạt động trên lãnh thổ của Bên nào phải tuân thủ pháp luật và quy định về giao thông vận tải đường bộ của Bên đó…”.
Với thực trạng nêu trên, khi làm việc với các cơ quan chức năng, phóng viên nhận được câu trả lời rằng, vì có Hiệp định thư giữa Lào – Việt Nam nên nhiều bất cập dù thấy rõ nhưng có những khúc mắc, thiếu quy định rõ ràng, cụ thể nên chưa thể xử lý về vấn đề tải trọng!
Tác giả: Đình Tiệp
Nguồn tin: Báo Tài Nguyên và Môi trường