“Nhảy cầu tự tử”, “tự tử trước mặt người yêu”… là cụm từ không còn lạ trong thời gian gần đây. Như hôm 10/11 vừa qua, sau cuộc nói chuyện ngắn với bạn gái trên cầu Sài Gòn 2 (TP.HCM), nam sinh viên bất ngờ trèo qua lan can rồi nhảy xuống sông tự tử. Nạn nhân được xác định là là một thanh niên 23 tuổi (quê Quảng Nam), sinh viên năm 3 một trường ĐH ở TP.HCM.
Những cây cầu vừa là nơi hóng mát nhưng cũng là nơi chứng kiến nhiều vụ tự tử của các đôi tình nhân. |
Cũng chưa đầy nửa tháng sau, 26/11, sau khi nói chuyện với bạn gái trên cầu Hóa An (TP. Biên Hòa, Đồng Nai), nam sinh 17 tuổi đã leo lên lan can nhảy xuống sông Đồng Nai. Cô gái hô hoán nhờ người giúp đỡ nhưng người thanh niên đã bị nước cuốn trôi.
Hơn một tuần sau, ngày 4/12, tại cầu Đồng Nai (TP. Biên Hòa) đôi nam nữ dừng xe trên cầu nói chuyện. Một lúc sau, cô gái bất ngờ nhảy xuống sông. Nam thanh niên nhảy theo cứu, đồng thời hô hoán mọi người biết nhưng bất thành.
Không chỉ tự tử trước mặt người yêu, trong tháng 11 và 12 vừa qua, còn có nhiệu vụ “Nữ sinh viên tự tử cùng người yêu trong nhà nghỉ” (Thái Nguyên), “Đôi tình nhân trẻ uống thuốc độc tự tử vì mối tình tay ba” tại Cần Thơ, hoặc “Thiếu nữ nhảy cầu vì mâu thuẫn với bạn trai” (TP.HCM),… khiến nhiều người đau xót và bàng hoàng.Gần đây nhất, đôi bạn trẻ mới học lớp 10 ở Nghệ An đã cùng nhau thắt cổ tự tử khiến gia đình, địa phương bàng hoàng.
Hồi chuông cảnh tỉnh cộng đồng
“Dường như lựa chọn cái chết đang là cách giải quyết vấn đề được nhiều bạn trẻ nghĩ đến và hành động trong lúc bế tắc. Các em tưởng đấy là anh hùng? Họ trưởng thành khi hành động như vậy mà không nghĩ đến đằng sau cái chết ấy không chỉ có bố mẹ mà cả cộng đồng phải chịu đựng”, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn, chia sẻ với Zing.vn.
Theo vị chuyên gia này, giới trẻ đang không làm chủ được bản thân, thiếu một chỗ dựa hay một nơi để chia sẻ, cũng như chưa có thói quen đối diện với áp lực, không biết cách xử lý tình huống. Với một nỗi đau do tình yêu mang lại nhưng các em cảm giác như không thể vượt qua và nghĩ rằng bế tắc đến mức không thể chịu đựng được.
“Nhiều người nghĩ các em yếu đuối, rồi do các em có cuộc sống quá đầy đủ không phải lo nghĩ gì. Nhưng tôi cho rằng các em thực sự thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề. Các bạn trẻ tưởng làm thế là anh hùng, là được vinh danh, được ghi nhớ. Nhưng họ đâu biết chính họ thiếu tri thức để nhận ra giá trị của bản thân, của chữ hiếu…”, chuyên gia An Chất phân tích.Một chuyên gia tâm lý của Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội nhận định, vấn đề giới trẻ tự tử vì tình thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh với cộng đồng và xã hội.
“Phim ảnh, lối sống hiện đại khiến lớp trẻ chọn cách sống khép mình. Nếu những người trẻ có được những người bạn sẵn sàng tâm sự, có ba mẹ lắng nghe, động viên và hướng dẫn sống tích tực, kiên cường thì tin rằng chẳng ai bế tắc đến mức phải chọn cách tự tử”, vị chuyên gia này nói.
Anh Đặng Anh Tuấn thẫn thờ trong bệnh viện sau khi không thể cứu được bạn gái mình trong vụ tự tửtrên cầu Đồng Nai (TP.Biên Hòa). Ảnh: Như Quỳnh. |
Còn theo anh Nguyễn Tuấn (người có nhiều năm tham gia hoạt động cộng đồng) đánh giá: “Tôi từng tham gia nhiều lớp kỹ năng sống cho các bạn trẻ và tôi nhận thấy điều quan trọng hơn nữa là bản thân mỗi gia đình, bố mẹ, cộng đồng phải có con mắt bao dung hơn khi các bạn ấy được “cứu sống” để vượt qua “cú sốc” tình cảm.
Theo anh Tuấn, làm người không ai muốn chết, nhưng nếu khi quay về mọi người lại mạt sát, mắng chửi em ngu dốt khiến họ tổn thương thì nhiều bạn trẻ sẽ lại tìm đến cái chết tiếp.
“Khi chúng ta nói các em thiếu kỹ năng nhưng chính bản thân người lớn cũng đang thiếu kỹ năng, thiếu gần gũi với nhóm người này. Khi chúng ta gần gũi, chúng ta chia sẻ được thì mọi áp lực, bế tắc sẽ được giải tỏa”.