Mới đây, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an Cần Thơ đã lập kế hoạch, tóm gọn băng lừa đảo gia đình chuyên nghiệp này.
Đường dây gia đình lừa đảo
Thượng tá Nguyễn Phú Thương, Phó trưởng Phòng PC45 cho biết, từ đầu năm 2013, đơn vị liên tục nhận được đơn tố cáo của quần chúng nhân dân liên quan đến một nhóm người chuyên lừa đảo tài sản. Hình thức chung của những vụ lừa đảo này là dùng điện thoại gọi đến các cơ sở thờ tự, trường học, tự xưng danh là “đại gia” muốn làm từ thiện với số tiền lớn. Nhưng để có tiền “đi lại và nước nôi”, nhóm người này yêu cầu cơ sở được làm từ thiện chuyển đến tài khoản của họ một số tiền trước.
Nhận thấy đây là hình thức lừa đảo tinh vi, có tổ chức, số tiền bị lừa đảo nhiều nên PC45 báo cáo Ban Giám đốc công an thành phố, lập chuyên án triệt phá. Trong quá trình điều tra, công an nhận thấy không chỉ ở Cần Thơ mà ở một số tỉnh khác thuộc Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ cũng xuất hiện hình thức lừa đảo tương tự.
Sau một thời gian điều tra, công an xác minh được danh tính của nhóm lừa đảo. Người cầm đầu là Lê Minh Hiệp (SN 1962, ngụ thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang), còn lôi kéo thêm con trai là Lê Minh Tuấn (SN 1985), cháu vợ Nguyễn Văn Hoàng (SN 1984, ngụ xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM) và “bồ nhí” Nguyễn Thị Ngọc Lai (SN 1990, ngụ thị xã Hà Tiên, Kiên Giang) cùng tham gia vào đường dây lừa đảo.
Ngày 5/7, trinh sát nhận được thông tin, bốn đối tượng trên sẽ từ Cần Thơ lên tận thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) để nhận tiền. Buổi chiều, khi chúng đang rút tiền tại một thẻ ATM từ một bị hại gửi đến, PC45 Công an Cần Thơ đã kết hợp với PC45 Công an Bình Dương ập vào bắt quả tang. Tại hiện trường, công an thu giữ trên 15 triệu đồng tiền mặt, nhiều thẻ ATM, 3 điện thoại di động và một số tang vật khác.
Tại cơ quan công an, đối tượng Hiệp khai do nợ nần cờ bạc không có khả năng trả nợ nên bàn kế hoạch và lôi kéo người thân tham gia cùng. Khi trả xong nợ, thấy cách kiếm tiền quá dễ dàng nên cả nhóm tiếp tục thực hiện các vụ lừa đảo tiếp theo.
Bước đầu các đối tượng thừa nhận đã thực hiện trót lọt hàng chục vụ lừa đảo tại các tỉnh, thành như: Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Bến Tre, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Trà Vinh… chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Hiệp cũng khai nhận hình thức lừa đảo tinh vi của mình.
Giả danh đại gia làm từ thiện
Trong số hàng chục vụ lừa đảo, nhóm đối tượng đều khai rành rọt trước cơ quan công an. Điển hình như vào ngày 30/5/2013, sau khi lân la hỏi được số điện thoại bàn một cơ sở thờ tự trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận Ninh Kiều, Cần Thơ) do ông Bùi Văn Chiến quản lý, Hiệp đã gọi điện bắt đầu “giăng bẫy”.
Hiệp tự giới thiệu là Chủ tịch ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại Cần Thơ. Bằng giọng nói chậm rãi, đĩnh đạc, kẻ lừa đảo thông báo cho ông Chiến biết là cơ quan đang thực hiện một loạt chương trình từ thiện, trong đó muốn được giúp đỡ cơ sở thờ tự của ông Chiến.
Vị “chủ tịch” nói rằng đang họp bàn với Giám đốc Công ty xổ số kiến thiết TP.HCM về kế hoạch và chi phí tài trợ. Để tăng độ tin cậy, Hiệp đưa số điện thoại của “vị giám đốc” cho ông Chiến: “Có gì ông cứ liên hệ trực tiếp với nhà tài trợ để biết thêm thông tin”. Thực chất số điện thoại để ông Chiến liên lạc là của đồng phạm tên lừa đảo.
Tin sái cổ, nạn nhân liền bốc máy gọi cho “nhà hảo tâm”. Người ở đầu dây bên kia xác nhận và đồng ý sẽ tài trợ cho số tiền 500 triệu đồng. Trước khi cúp máy, vị “giám đốc” không quên nhắc nhở: “Anh cứ trực tiếp liên hệ với anh chủ tịch mặt trận nhé”.
Biết “con mồi” đã cắn câu, Hiệp gọi lại cho chủ cơ sở thờ tự, hướng dẫn cách “nhận tiền từ thiện”. Theo đó, để nhận được số tiền 500 triệu thì chủ cơ sở thờ tự gửi trước 30 triệu vào một số tài khoản. Tưởng thật, nạn nhân không ngần ngại ra ngân hàng gửi tiền. Tiền “lót tay” đã ghi rồi mà không liên lạc được với “đối tác”, biết bị lừa, nạn nhân đến công an Cần Thơ trình báo.
Trước đó, vào khoảng tháng 2/2013, tại huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), Hiệp tự xưng là Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Trà Vinh, liên lạc qua điện thoại với sư trụ trì chùa xã Phú Cần, thông báo Công ty xổ số kiến thiết TP Cần Thơ đồng ý tài trợ 1 tỷ đồng để nhà chùa tu bổ, tôn tạo.
Tương tự, Hiệp đưa cho sư trụ trì số điện thoại di động, giới thiệu là của giám đốc công ty xổ số để tự liên hệ. Qua trao đổi điện thoại, vị “giám đốc” nói với sư trụ trì rằng công ty đang làm từ thiện cho nhiều nhà chùa, tuy nhiên hiện nay kinh phí đang hạn hẹp dần. Để hỗ trợ nhà chùa 1 tỷ đồng thì nhà chùa cần chuyển 30 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng để lo chi phí thủ tục, ăn uống, xe cộ cho đoàn từ thiện.
Tang vật vụ án
Ban đầu vị sư trụ trì tin tưởng, nhưng khi nghe yêu cầu của “đối tượng”, sư trần trừ khất lại. Những ngày sau, số điện thoại kia liên tục gọi đến, bằng lời lẽ ngon ngọt dụ dỗ sư chuyển tiền. Thấy nhiều biểu hiện lừa đảo, sư đã từ chối việc “nhận” tiền tỷ từ thiện. Nhờ tinh thần cảnh giác mà nhà chùa không bị nhóm đối tượng lừa tiền.
“Phi vụ” thứ 3 cũng đáng nhắc lại là Hiệp tự xưng là lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Trà Vinh gọi điện thoại đến hiệu trưởng một trường mầm non.
Trong điện thoại, Hiệp nói rằng Công ty xổ số kiến thiết TP.HCM đang có chương trình làm từ thiện lớn cho một số cơ sở giáo dục ở Trà Vinh, trong đó số muốn tài trợ 7 tỷ đồng để trường mẫu giáo này nâng cấp, xây mới thêm nhiều phòng học, mua trang thiết bị dạy học hiện đại.
Đang trong lúc khó khăn, eo hẹp về kinh phí nên biết tin này, hiệu trưởng rất vui mừng, hứa sẽ hợp tác để chương trình làm từ thiện tại trường diễn ra tốt đẹp, minh bạch. Thấy thái độ bà hiệu trưởng niềm nở, vị “lãnh đạo sở” cho số điện thoại của giám đốc công ty xổ số để trực tiếp liên hệ. Ngay sau đó nạn nhân gọi điện đến “giám đốc” để biết thêm thông tin về chương trình từ thiện, đồng thời ứng trước 20 triệu đồng để ủng hộ chi phí ăn uống, đi lại cho đoàn từ thiện.
Phó phòng PC45 Công an Cần Thơ cho biết, trong hàng chục lần lừa đảo, các đối tượng giả danh thay nhau đóng các vai diễn khác nhau, khi thì là giám đốc khi thì lãnh đạo các sở ban ngành địa phương. Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng, củng cố hồ sơ để truy tố trước pháp luật.
Theo Xa lộ pháp luật