Xã hội

Lao động Việt kêu cứu từ đất khách (*): Nhiều thủ đoạn, khuất tất

Công ty Youko không hề có tên trong danh sách các doanh nghiệp được phép phái cử lao động sang Nhật Bản. Thế nhưng, với hợp đồng "tư vấn", bà giám đốc cam kết sẽ đưa được người lao động sang nước này làm việc

Theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ những công ty có đủ điều kiện, được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) cấp phép và đăng công khai trên Cổng thông tin của Dolab mới được phép tuyển, đào tạo và phái cử lao động Việt Nam sang các nước khác. Thế nhưng, trên Cổng thông tin của Dolab không hề có tên Công ty TNHH Youko (Công ty Youko) trong danh sách các doanh nghiệp được phép phái cử lao động sang Nhật Bản.

Thuê người "phỏng vấn" ứng viên

Tra cứu thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì thấy Công ty Youko được thành lập ngày 24-7-2014, tại địa chỉ 23 Đặng Thị Rành, khu phố 4, phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP HCM. Ngành nghề kinh doanh chính mà Youko đăng ký là tư vấn du học. Người đại diện pháp luật công ty này là bà Trần Thị Hoàng Phương.

Một số giấy cam kết của Công ty Youko với người lao động

Tại văn phòng số 23 Đặng Thị Rành, bà Phương tổ chức nhận tiền của những người có nhu cầu đi Nhật Bản rồi cam kết bằng văn bản sẽ hoàn trả toàn bộ 100% chi phí nếu không đưa được sang nước này làm việc. Trong hợp đồng được gọi là "tư vấn việc làm tại Nhật Bản" mà bà Phương trực tiếp ký, các nạn nhân phải đóng 7.000 USD, có người đóng 8.000 USD và cũng có người đóng hơn 10.000 USD. Sau đó, bà Phương sẽ tư vấn thủ tục để mọi người chuẩn bị hồ sơ. Vì đi theo diện kỹ sư nên trong hồ sơ buộc phải có bằng kỹ sư bậc cao đẳng hoặc đại học.

Những ai chưa có bằng kỹ sư sẽ được bà Phương yêu cầu đóng từ 10 đến 30 triệu đồng để lo bằng cấp. Sau khi thu tiền làm bằng, bà Phương nhờ nhân viên tên Đạt tìm mối mua bằng giả. Đây chính là chiêu mà bà Phương thu hút được một lượng lớn nạn nhân tự nguyện đóng tiền cho mình để được đi Nhật Bản diện kỹ sư dù chưa học hết THPT.

Cũng với chiêu bài đi Nhật Bản để các công ty phỏng vấn trực tiếp, bà Phương đưa các nạn nhân sang nước này ở trong 3 ngày. Tại đây, các nạn nhân được một người đàn ông Nhật Bản đến phỏng vấn nhưng chỉ hỏi tên, sức khỏe rồi về. Sau này, các nạn nhân tìm hiểu mới biết bà Phương nhờ bạn là du học sinh Việt Nam tìm giúp một căn phòng và một người Nhật để "phỏng vấn" các ứng viên. Chính du học sinh này đã xác nhận điều đó sau khi biết bà Phương và Công ty Youko có dấu hiệu lừa đảo.

Sự việc đổ bể, nhận tiền mà chẳng đưa được ai sang Nhật Bản, bà Phương bị các nạn nhân đến tận văn phòng số 23 Đặng Thị Rành đòi tiền và gây áp lực. Vì vậy, bà Phương âm thầm trả nhà, chuyển văn phòng về số 2A4-2A5 Phạm Văn Bạch (nay đổi tên thành đường số 37), phường Linh Đông, quận Thủ Đức.

Tại văn phòng mới, bà Phương tiếp tục chiêu trò cũ và thu hút hàng chục người đóng tiền chờ đi Nhật Bản. Tính đến khi không còn liên lạc được, bà Trần Thị Hoàng Phương đã lấy của hàng trăm người, số tiền hàng chục tỉ đồng.

Từng bị công an khởi tố

Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, chúng tôi phát hiện tháng 4-2015, bà Trần Thị Hoàng Phương đã bị khởi tố trong vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", thể hiện qua Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06 và Quyết định khởi tố bị can số 43 của Cơ quan CSĐT Công an TP HCM. Cụ thể, theo cơ quan điều tra, ông Nguyễn Văn Sửa (ngụ tỉnh Tây Ninh) đã thỏa thuận nộp cho bà Trần Thị Hoàng Phương 227 triệu đồng để nhờ tư vấn làm thủ tục sang Nhật Bản lao động. Trước đó, ngày 27-2-2017, Công an TP đã thụ lý đơn của ông Đinh Thanh Bình và nhiều bị hại khác tố cáo bà Phương có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức nhận tiền của họ rồi tư vấn thủ tục sang Nhật Bản lao động. Qua quá trình điều tra, Công an TP HCM nhận thấy bà Trần Thị Hoàng Phương có dấu hiệu của tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Thế nhưng, tháng 8-2017, các nạn nhân nhận được Thông báo số 3410 từ Công an TP HCM với nội dung: "Ngày 3-8-2017, VKSND TP HCM đã ra quyết định hủy bỏ Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06 và Quyết định khởi tố bị can số 43 đối với bà Trần Thị Hoàng Phương".

Theo VKSND TP HCM, bà Trần Thị Hoàng Phương có ký "Giấy cam kết tư vấn giới thiệu kết nối việc làm" với 14 người do ông Đinh Thanh Bình đại diện để họ sang Nhật Bản lao động. Tuy nhiên, do chính quyền Nhật Bản chưa cấp giấy tư cách lưu trú nên dẫn đến quá hạn, từ đó những người lao động có đơn tố cáo bà Trần Thị Hoàng Phương. Sau đó, bà Phương đã tích cực trong việc hoàn trả tiền cho người lao động… Vì vậy, mối quan hệ giữa bà Phương và những người lao động là quan hệ dân sự, không có dấu hiệu tội phạm.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số những người lao động tố cáo bà Trần Thị Hoàng Phương, chỉ có 3 người đã nhận lại tiền.

Kỳ tới: Cơ quan chức năng nói gì?

Cắt đứt liên lạc

Theo ghi nhận của các nạn nhân, sau khi sự việc bị phanh phui, bà Trần Thị Hoàng Phương mất liên lạc, mọi giao dịch chủ yếu qua bà Minh (mẹ ruột) hoặc ông Sơn (chồng của bà Phương). Nhiều nạn nhân đã ra tận quê của bà Phương ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa để tìm nhưng không gặp. Điều tra viên phụ trách vụ án này cũng khẳng định hiện không biết bà Phương ở đâu.

Để làm rõ sự việc, chúng tôi đã gọi vào những số điện thoại của bà Phương, bà Minh, ông Sơn mà các nạn nhân cung cấp nhưng không liên lạc được, các tài khoản mạng xã hội cũng không thể kết nối. Chúng tôi tìm đến địa chỉ mà bà Phương đăng ký hộ khẩu thường trú thì chủ nhà cho biết mua lại căn nhà này từ người khác và hiện cho sinh viên thuê. Địa chỉ văn phòng Công ty Youko ở số 23 Đặng Thị Rành, phường Linh Tây, quận Thủ Đức thì nay được cho thuê bán cơm. Còn địa chỉ 2A4-2A5 Phạm Văn Bạch (nay đổi tên thành đường số 37), phường Linh Đông, quận Thủ Đức thì hiện được cho thuê làm quán cà phê.

Tác giả: Giang Nam

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP