Riêng 7 tháng đầu năm 2009, trên toàn quốc có 4.728 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3.674 nạn nhân phải nhập viện, trong đó tử vong 43 người. Tại một số tỉnh phía Nam có thời gian xẩy ra 2 vụ sát nhau, số vụ ngộ độc tập thể ít nhất 71 người/vụ, nhiều nhất 346 người/vụ. Bởi thế, hiện nay vấn đề ngộ độc thực phẩm là mối âu lo lớn nhất của mỗi nhà.
Bởi thế, ngày 04/9/2009, tại TP Vinh, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức cuộc hội nghị bàn biện pháp tăng cường kiểm soát chất lượng, VSATTP nông lâm, thủy sản khu vực miền Trung. Ngay từ đầu hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần đã chỉ rõ: Công tác kiểm soát chất lượng và VSATTP nông lâm, thủy sản là một nội dung lớn và rất bức xúc hiện nay ở cơ sở mà ngành NN&PTNT phải làm. Bởi nó liên quan trực tiếp đến đời sống người dân và ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xuất khẩu nông lâm thủy sản ra nước ngoài.
Bởi vậy, các đại biểu cần đi thẳng vào các vấn đề như: Vì sao dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở nước ta lâu nay vẫn diễn ra phức tạp và không dập tắt được? Vấn đề kiểm soát chất lượng rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản…phải làm như thế nào để đảm bảo an toàn cho người sử dụng nội địa. Ở nước ta hiện nay đang xẩy ra một nghịch lý là: Hàng thủy sản xuất khẩu được các nước nhập khẩu kiểm soát rất nghiêm ngặt, nhưng mặt hàng đó tiêu thụ nội địa lại bị thả nổi.
Lý giải vấn đề này, ông Đậu Ngọc Hào, Phó cục trưởng Cục Thú y cho rằng: Trong những năm gần đây nhiều loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp và dai dẳng là do công tác tiêm phòng của các địa phương chưa tốt. Tỉnh nào nuôi nhiều thủy cầm thì đều bị dính dịch cúm gia cầm (do không tiêm đủ 2 mũi). Nhiều địa phương tiêm phòng đợt 1 thì làm rất tốt, nhưng đợt 2 thì lại sao nhãng. Dịch LMLM, THT trên trâu, bò năm 2009 xuất hiện tại 19 tỉnh nhưng số gia súc tiêu hủy ít hơn năm ngoái.
Số trâu bò bị bệnh được chữa khỏi nhưng vẫn mang vi rút mầm bệnh và có thể tái phát bất cứ lúc nào khi điều kiện thời tiết bất thuận. Đó là chưa kể việc vận chuyển gia súc từ Bắc vào Nam; từ Lào, Căm Pu Chia, Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam hiện không kiểm soát nổi nên rất tiềm ẩn dịch bệnh. Một điều đang quan tâm nữa là bệnh LMLM tại Việt Nam rất nhiều type, việc tiêm phòng đủ các type là rất khó và khá tốn kém nên người chăn nuôi ngại tiêm. Tương tự các bệnh “tai xanh”, dịch tả lợn cũng diễn biến phức tạp không kém…
Bởi thế muốn kiểm soát tốt dịch bệnh thì phải kiểm soát chặt chẽ tình hình biến động tổng đàn của từng địa phương và phát hiện sớm ổ dịch để tập trung bao vây, dập dịch một cách quyết liệt là giải pháp tối ưu nhất trong tình hình hiện nay. Riêng vấn đề VSATTP, theo ông Hào, phải đưa gia súc, gia cầm vào lò giết mổ tập trung để quản lý không để thịt gia súc, gia cầm bị bệnh ra thị trường tiêu thụ. Phải làm sao cho người dân có thói quen sử dụng thịt có đóng dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y thì mới hạn chế được dịch bệnh…
Ông Lê Như Tuấn, Phó GĐ Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết: Công tác tiêm phòng cho đàn lợn năm nay của Thanh Hóa vẫn tháp (chỉ được 50-60%) nhưng rút kinh nghiệm từ dịch tai xanh năm ngoái nên năm nay Thanh Hóa xử lý các ổ dịch quyết liệt hơn nên dịch bệnh ở Thanh Hóa rất ít. Riêng công tác VSATTP ở Thanh Hóa, UBND tỉnh đã có quyết định giao cho Sở Công thương và Sở NN&PTNT bỏ tiền ra thuê doanh nghiệp làm lò giết mổ tập trung nhưng người dân hiện chưa có thói quen sử dụng thịt có đóng dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y nên cả 3 lò đều bỏ không vì không ai chịu đưa gia súc, gia cầm vào đó giết mổ.
Ông Trần Đình Du, Phó GĐ Sở NN&PTNT Quảng Bình cho biết: Hiện công tác quản lý dịch bệnh vận chuyển qua đường Hồ Chí Minh tại Quảng Bình không sao kiểm soát được. Đây là nguyên nhân xẩy ra dịch LMLM tại Tuyên Hóa vừa qua. Để làm tốt công tác phòng chống dịch theo ông, công tác tiêm phòng là giải pháp quan trọng hàng đầu. Nơi nào chính quyền từ tỉnh đến xã, thôn làm một cách quyết liệt thì ở đó dịch bệnh ít xẩy ra. Vấn đề kiểm soát gia súc vận chuyển từ Lào, Thái Lan vào nội địa hiện là một thách thức của tỉnh Quảng Bình.
Trâu, bò từ Lao Bảo vào qua Quảng Bình, trâu bò từ cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), Nậm Cắn (Nghệ An) nhập lậu vào đều đi qua Quảng Bình bằng đường Hồ Chí Minh. Bởi thế cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương thì mới ngăn chặn nổi. Riêng công tác VSATTP tại Quảng Bình cũng gặp rất nhiều khó khăn. Quảng Bình đã hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp làm lò mổ tập trung, chỉ đạo cán bộ Thú y không đóng dấu vào thịt gia súc không giết mổ tại lò, Quản lý thị trường không cho đưa thịt không có dấu thú y vào chợ nhưng cũng chỉ thực hiện được ở TP Đồng Hới, còn các huyện khác hiện đang bó tay.
Ông Trần Đức Nhu, Phó GĐ Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết: Ở cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) trâu bò nhập lập vào nội địa có khi hàng trăm con/vụ nhưng một thực tế là cả Thú y, Hải quan, Quản lý thị trưởng và Biên phòng đều không ai muốn bắt bò nhập lậu cả. Lý do là bắt giữ thì nuôi ra sao, lấy gì để cho trâu bò ăn, không có chỗ nuôi tân đáo. Nếu giữ lại để trâu bò chết thì họ bắt đền lấy ngân sách đâu mà trả. Hầu như 100% trâu bò nhập lậu qua cửa khẩu Lao Bảo đều không có giấy kiểm dịch, không có chứng nhận được tiêm phòng nhưng đi qua Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An vẫn trót lọt. Đây là lý do khiến trâu bò nhập lậu qua Lao Bảo ngày càng nhiều. Tôi đồng ý với quan điểm của đồng chí Du, Sở NN&PTNT Quảng Bình là phải có sự phối hợp giữa các tỉnh thì mới hạn chế trâu bò nhập lậu qua Lao Bảo.
Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho rằng muốn làm tốt công tác kiểm soát chất lượng VSATTP nông lâm thủy sản các địa phương phải đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và phải làm sao để huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách mạnh mẽ và quyết liệt thì mới có hiệu quả. Thứ trưởng đồng tình với cách làm của một số địa phương khi thực hiện quản lý chất lượng VSATTP thông qua việc giao cho tư nhân quản lý công tác giết mổ để cạnh tranh lành mạnh bằng giá và bằng hệ thống phân phối…
Tuy nhiên, công tác kiểm soát chất lượng VSATTP còn bao hàm cả kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, chất kích thích tăng trưởng, chất lượng thức ăn, tồn dư thuốc BVTV trong các loại rau, củ quả, tồn dư thuốc kháng sinh trong thực phẩm… đồng thời phải xử lý kiên quyết các loại thuốc BVTV, thuốc kích thích, thuốc bảo quản như urê, hàn the… cấm sử dụng để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
NN