Chậm chuyển tuyến, nguy hiểm cho bệnh nhân, ai chịu?
Ngày 10/8//2012, con của anh Phạm Thanh Vinh và chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh (cùng trú tại Bảo Lộc, Lâm Đồng) tử vong tại Bệnh viện II Lâm Đồng (Bảo Lộc, Lâm Đồng).
Con anh Vinh sinh non một tháng, phải nằm lồng kính, thấy con có vẻ yếu, anh Vinh đề nghị xin được chuyển lên tuyến trên ở TP.Hôc Chí Minh, tuy nhiên, các bác sĩ của Bệnh viện Lâm Đồng II cho rằng cháu bé vẫn khỏe mạnh, không phải chuyến.
Tuy nhiên, đến trưa ngày 10/8 thì các bác sĩ thông báo sức khỏe cháu bé diễn biến xấu, cho chuyển viện về TP.HCM, nhưng cháu đã tử vong trên đường đi.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị tử vong tại bệnh viện tuyến dưới do việc chậm trễ chuyển lên tuyến trên mà báo chí đã đưa tin trong thời gian qua.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng từ năm 2011 – 2012, cả nước đã có không dưới 10 vụ sản phụ bị tử vong tại bệnh viện, mà nguyên nhân là do các bác sĩ mổ chậm, chẩn đoán sai và cả chậm chuyển tuyến dù bệnh viện cấp cơ sở không đủ khả năng và điều kiện để thực hiện ca mổ. Đây là một thực tế đáng báo động.
>> BVĐK Hà Tĩnh: Không chẩn đoán đúng bệnh nhưng vẫn không cho bệnh nhân chuyển tuyến?
Tuy nhiên, theo một số bệnh nhân, dù “biết rõ mười mươi” rằng với thực trạng bệnh tình của mình, bệnh viện tuyến cơ sở không đủ điều kiện, khả năng để thực hiện chữa trị thì việc xin chuyển tuyến là việc rất khó khăn vì các bác sĩ của bệnh viện tuyến dưới “viện dẫn đủ lý do hợp lý” để giữ bệnh nhân ở lại.
Anh Đinh Văn Hòa (36 tuổi, trú tại xã Gia Lập, Gia Viễn, Ninh Bình), có vợ vừa mổ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: “Vợ tôi rất yếu, lại mắc bệnh tim bẩm sinh nên khả năng sinh đẻ tự nhiên là gần như không thể được.
Ngay từ lúc vợ mang thai, vợ chồng tôi đã xác định là phải khi sinh con sẽ phải thực hiện bằng phương pháp mổ để tránh nguy hiểm cho cả mẹ và cháu bé trong bụng.
Song để xin được giấy chuyển viện lên tuyến trên thì lại là điều rất khó khăn đối với các bệnh nhân.
Tuy nhiên, cách đây 2 hôm, khi vợ tôi kêu đau đẻ, gia đình tôi đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh và đề nghị các bác sĩ thực hiện bằng phương pháp mổ thì các bác sĩ ở bệnh viện lại từ chối với lý do cứ để sinh đẻ bình thường trong khi thể trạng vợ tôi lúc đó rất yếu.
Khi tôi trình bày là vợ tôi bị bệnh tim bẩm sinh, các bác sĩ ở đây cũng vẫn khẳng định là “không ảnh hưởng gì cả”.
Thấy vậy, tôi xin giấy để được chuyển tuyến ra Hà Nội thì họ nhất định không chịu ký giấy. Cuối cùng, gia đình tôi phải tự chuyển viện, thuê xe taxi để đưa vợ ra bệnh viện ngoài Hà Nội ngay trong đêm”.
Cũng theo anh Hòa, sau khi khám tổng thể, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương kết luận: thể trạng sản phụ yếu, không thể sinh đẻ bình thường, phải thực hiện bằng phương pháp mổ sinh. Sau ca mổ sinh, vợ và con anh đã an toàn.
“Các bác sĩ cho biết chỉ khoảng 2 – 3 hôm nữa là vợ tôi có thể ra viện để về nhà. Cũng may là gia đình đã đưa ra Hà Nội kịp, chứ nếu không thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra…”, anh Hòa nói.
Không chuyển tuyến trên là vì… quy định?
Giải thích về điều này, đại diện một số bệnh viện tuyến cơ sở lại cho rằng: việc không cho bệnh nhân chuyển lên tuyến trên là do căn cứ vào mức độ bệnh tình của bệnh nhân có nặng hay không, nếu tuyến cơ sở có khả năng chữa trị thì sẽ không chuyển. Ngoài ra, đây còn là quy định của Bộ Y tế.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu H (Bệnh viện đa khoa Quán Lào, Yên Định, Thanh Hóa) chia sẻ: Hiện nay, Luật Bảo hiểm y tế quy định: mọi người phải đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các bệnh viện và cơ sở y tế tuyến huyện, phường, xã. Theo đó, bệnh nhân sẽ được chuyển viện khi người bệnh quá khả năng điều trị của bệnh viện sau khi đã hội chẩn.
Nhưng trên thực tế, việc chuyển viện hiện nay đang rơi vào tình trạng bỏ ngỏ ít ai kiểm soát về mặt chuyên môn mà chỉ chú trọng là làm đúng thủ tục cho bảo hiểm y tế thanh toán là được. Chính vì điều này khiến nhiều bệnh viện tuyến trên trở thành cái phễu hứng trọn các bệnh nhân từ các tỉnh.
Bộ Y tế cũng đã ra quy định rất chặt chẽ về việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, những bệnh nhân chuyển lên tuyến trên phải là những bệnh nhân mắc bệnh nặng, ở tình trạng nguy kịch,… vượt quá điều kiện, khả năng chuyên môn, cơ sở vật chất khám chữa bệnh của bệnh viện cấp cơ sở thì mới được chuyển tuyến…
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tôn Thất Quỳnh Ái (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM) thì: “Các đơn vị tuyến dưới cần phải tiên lượng trước những tình huống xấu xảy ra khi chuyển bệnh nhân. Có những trường hợp không cần chuyển mà nên xử lý tại chỗ là có thể cứu sống người bệnh. Những bệnh nặng khi chuyển viện cần phải có bác sĩ đi theo, để không có sự cố đáng tiếc.
Nhiều bệnh viện khi tiếp nhận bệnh nhân nhưng nhất quyết không cho chuyển viện lên tuyến trên do không đánh giá được mức độ bệnh hoặc sợ trách nhiệm nên người bệnh phải gánh chịu hậu quả”.
Bác sĩ Ái dẫn chứng: “Điển hình là trường hợp bé gái chưa đầy 7 tháng tuổi tên L.S.S ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng tử vong trên đường chuyển viện đến BV Nhi Đồng 2, TPHCM do bác sĩ chần chừ không cho chuyển viện sớm vì đánh giá không có vấn đề gì”.
Đằng sau thực trạng này là gì? PV sẽ tiếp tục làm rõ trong những bài viết tới.
Tri Thức Trẻ