Hoa Hậu

Hoa Hậu VN: Chuyện ghi ở phòng đo đạc

Đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2008 (Hội An) vừa hạ màn, nhà văn Trần Đức Tiến từ Vũng Tàu nhắn cho tôi một tin, như chan tương đổ mẻ vào ban tổ chức và ban giám khảo.

Khi thí sinh bị nhà văn soi



Chả là qua ti vi, Chủ tịch Hội Văn nghệ Vũng Tàu Trần Đức Tiến thấy mũi của tân hoa hậu không được cao cho lắm, gương mặt không gọn cho lắm.


Anh ơi, đếm cua trong lỗ chỉ có bấy nhiêu thôi- tôi có thể thay mặt BTC mà thanh minh một cách biết điều với anh như thế. Song có một thực tế là, tivi cũng như ảnh thường không chính xác.


Thậm chí có mặt ở hiện trường cũng chưa chắc chính xác. Cuộc thi năm 2010, Đào Gia Long (VTC) và một số nhà báo đến Tuần Châu cứ “đòi” Nguyễn Thị Loan hoa hậu, đó là bởi họ không từng vào phòng đo đạc! Còn Trưởng BGK suốt bao năm, ông Dương Xuân Nam thì bao lần lăn tăn khi tổ nhân trắc từ phòng đo đạc bước ra mà lại lắc nhiều hơn gật. (Ông không được vào phòng này). Có lúc ông thở dài Hết người đẹp rồi hay sao ấy nhỉ.


Người đẹp chưa hết, nhất là người Hà Nội, chỉ là họ không quen đi thi. Họ không đông đến mức như nhà báo Huy Đức (blogger Osin) ngoa ngôn Đứa quét rác ở Hà Nội cũng xinh, song cũng phải thế nào thì nhà thơ Bùi Chí Vinh năm 1994 trước khi ra Hà Nội lần đầu, mới thấp thỏm đoán già đoán non: Hà Nội chắc là ghê gớm lắm/Đêm nằm mơ thơm phức dáng Kiều/Cái ông Quang Dũng thời ra trận/Sắp chết mà tim vẫn cứ yêu…


Thuở còn mạnh chân khỏe tay chưa bị tai nạn xe máy, Nguyễn Quang Lập bảo: Khi nào báo em lại hoa hậu thì cho anh cái thẻ anh vào cánh gà viết cho, tha hồ in dài kỳ.


Người khai sinh thể loại khẩu văn mà ra tay ắt duyên đây- một thời gian dài anh Lập phụ trách chuyên mục Cười hay Mếu của bản báo mà (bút danh Nguyễn Ngu Ngơ). Chỉ có điều, phải gia giảm độ trào lộng của anh tí xíu, có lẽ thế.


Đêm chung kết Hoa hậu Thế giới Người Việt lần thứ nhất diễn ra được nửa chặng, bọ Lập nhắn tin: Hoa hậu thế giới xấu hơn hoa hậu Việt Nam. Có thể, nếu tính mặt bằng chung. Nhưng như người ta thường nói: Cái dở, phông nền chưa nói lên điều gì, mà vấn đề là đỉnh thế nào.


Nếu hôm thi Hoa hậu Biển, anh Lập loanh quanh gần đó (chưa cần vào phòng đo đạc) để “soi” chẳng hạn thí sinh Teresa Sam người sau này trở thành á hậu, hoặc ứng viên Ngô Phương Lan- trong bộ váy áo nơ nẩn đáng yêu của một cô gái Thụy Sĩ đang đi vắt sữa bò, biết đâu anh lại có hứng xông pha cánh gà như năm xưa.


Những sự cố nho nhỏ


Người bị phát hiện phẫu thuật thẩm mỹ sẽ phản ứng thế nào? Năm 2007, có thí sinh nhìn bề ngoài thuộc loại phải đạt Top 10.


Rồi cô thừa nhận khi giám khảo hỏi Em làm mũi, đúng không? Dù không giấu được nét buồn, cô trả lời một nhà báo (đang tỏ ra bất ngờ, không hiểu cô bị loại vì lý do gì): Em thấy các bạn được chọn đều xứng đáng và em chúc các bạn may mắn.


Năm nay, có hai thí sinh- trong đó một người từng đoạt giải cấp tỉnh, lẽ ra thuộc diện đặc cách, lại sớm bị loại. Có lẽ trẻ quá nên cô chưa thể có được sự khôn ngoan như cô gái năm trước.


Và lẽ ra phải hỏi các cô rằng: Vì sao đã biết thể lệ cuộc thi không chấp nhận giải phẫu mà em vẫn đăng ký thi, nhưng rồi những người có mặt trong phòng lại tìm cách lảng tránh ánh mắt hờn dỗi của cô. Đó là câu chuyện cũng chỉ có trong căn phòng đo đạc.


Nhớ lại năm 2007, khi thí sinh mang SBD cực đẹp 999 Teresa Sam bước vào phòng đo đạc, theo lệ, giám khảo nhân trắc yêu cầu cô cởi bỏ áo và quần dài.


Teresa có thân hình đúng là trong ngọc trắng ngà. Cô khóc nói, từ bé chỉ có mẹ là được biết cơ thể cô, nay lại bao nhiêu người (đang ngồi tròn mắt) thế kia.


Thế là sau khi hội ý rồi hỏi ý kiến trưởng ban tổ chức kiêm trưởng ban giám khảo, cả lũ chúng tôi phải biến hết chỉ còn chị nhân trắc ngồi lại. Thực ra cũng chỉ khoảng dăm người, toàn người có chức phận hẳn hoi.


Nhưng thôi, cứ là phải chiều thí sinh, cô ấy ở nước ngoài về, lại quen được gia đình bảo bọc. Dù rằng nếu cô có dự thi Hoa hậu Thế giới thì vẫn phải tuân thủ những qui định nhân trắc, đo đạc y như nhau.


May mà càng vào sâu, cô gái đến từ nước Anh càng dạn dần. Hôm thi Hoa hậu Biển, Teresa chăm chỉ làm theo yêu cầu của cánh truyền hình cố gắng có được khuôn hình đẹp và khi xong việc, dường như cảm kích về độ nhiệt tình của họ, bèn băng trên làn nước, duyên dáng chạy đến đặt một nụ hôn lên trán của tay máy trẻ nọ khiến anh này nở nụ cười tươi rói!


Chuyện không chỉ về những con số


Báo Tầm nhìn mới đây in lại một số kỳ trong cuốn Hoa hậu Việt Nam những điều chưa biết của nhà thơ nhà báo Dương Xuân Nam.


Có một kỳ ông nói về chỉ số hình thể của người Việt, đa số bị lép vòng 1, biểu hiện qua các cuộc thi hoa hậu. Tôi thì thấy đến vòng 3- có vẻ dễ hơn, mà người Việt ta cũng không “sẵn”.


Thuộc nhóm cho rằng một khi “hiếm thiếu” vòng 1 vòng 3 thì thí sinh nên chuyển sang đấu trường thi người mẫu, năm nay, qua vòng chung khảo phía Bắc, tôi thấy quả là một mùa “gặt”.


Tiếc rằng trời không cho ai nhiều, người được nọ sẽ hỏng kia. Nên Jennifer Lopez mới phải đi bảo hiểm vòng 3 hàng triệu đô.


Còn Oprah Winfrey trong talkshow nổi tiếng của mình, đã không thể đừng được mà “talk” một cách đầy thán phục rằng Chúa ơi, ngực của cô mới tự nhiên làm sao- thẳng tưng với nữ diễn viên Kate Winslet.


Trong trí nhớ của chị Thúy Hiền trưởng ban Thí sinh, năm 2002 khi Phạm Thị Mai Phương bước vào phòng đo đạc, các chị nhân trắc ồ lên Có bộ ngực quí quá.


Năm ấy tôi không vào căn phòng ấy, nhưng có chứng kiến cô lên đường thi Hoa hậu Thế giới. Thực sự là nhìn tổng thể không thấy ép-phê gì lắm.


Thấy cô gái đất cảng mặc quá giản dị lên máy bay- giày thể thao phối với áo lụa tơ tằm, tôi còn trêu Trông xinh nhất chợ Sắt thôi. Sau đó cô đoạt kỳ tích lọt Top 20 Miss World, chứng tỏ tôi đã sai!


7-8-2012. Lại vòng thi nhân trắc. Một thí sinh có gương mặt xinh, rất cao, bước vào căn phòng. Trên ảnh cô trông thật hoàn hảo, cũng được giám khảo Vũ Mạnh Cường ưa thích song tôi đoán, chung cuộc giỏi lắm cô được giải Người có gương mặt đẹp nhất.


Hai thí sinh cùng tên- người thì có đôi chân thẳng tắp; người lại có gương mặt yêu kiều, và chân không đẹp bằng người kia song cơ thể dẻo dai và vòng 1 “ăn đứt”. Tôi có thể đoán ngay cô ít nhất sẽ có giải gì nhưng e rằng hơi sớm.


Một số thí sinh khi để nguyên “lụa” thì đẹp, sang như nhau. Đến khi cần tay bo với nhau (cởi bớt) mới ra vấn đề.


Có người thoát khỏi lớp áo quần thì đi lại như mộng du; có người trái lại- cứ như chỉ chờ để thoát ra, tung tăng. Sau tôi mới biết cô cũng là người mẫu nội y.


“Nhất dáng nhì da ba nét bét tâm hồn”- câu này hóa ra chuẩn, trong phòng đo đạc? Chưa chắc. Như chuyện thí sinh nội y vừa kể.


Và, luôn có chuyện vui ở căn phòng đặc biệt này, để cân bằng với chiếc máy điều hòa đang làm các cơ thể “lạnh dần”.


Có lúc, vài chục đấu sĩ bước vào bước ra mà tình hình vẫn giống ở đấu trường người mẫu- “phẳng như tường”, đo chu vi là chính, cho nên vớ được một ứng viên phong nhũ phì đồn, dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên thì tôi và chị Thúy Hiền không đừng được mà phải nháy nhau đùa vui: Ưu tiên cho em nó cởi trần thi ứng xử!


Dương Phương Vinh

Cái thước đáng ghét


Nếu có “nhân vật” nào trong phòng đo đạc không giành được thiện cảm của phần lớn thí sinh thì đó hẳn là cái thước đo chiều cao theo chuẩn quốc tế. Chiều cao của thí sinh thường bị giảm 1 đến 3 phân so với khi đo bên ngoài hoặc các cuộc thi khác.


“Đợt trước em thi hoa khôi đo được 1mét 63, sao ở đây lại là 1mét60”, một thí sinh thắc mắc. Mỗi thắc mắc kiểu này đều được các chuyên gia đo lại, có gọi thêm bên thứ ba để kiểm chứng. Theo các nhà nhân trắc học của HHVN 2012, thước loại này ở Việt Nam chỉ có vài cái, độ chính xác tuyệt đối.


Và đúng là “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Có thí sinh tự đo ở nhà được 1m80, thoạt trông đã cực kỳ cao ráo. Còn số đo do cái thước chuẩn quốc tế đưa ra là 1m77, giảm 3 phân. Nhưng cô gái này vẫn rất vui vẻ, vì so với “độ dài” nổi bật của cô thì mất 3 phân chẳng phải thiệt thòi quá lớn. Trái lại, có những thí sinh chỉ hơn 1m60 một chút thì phải “đấu tranh” giành từng li từng tí chiều cao, nhưng cuối cùng đều phải chịu khuất phục… cái thước.


Người đẹp vì lụa mà đến lúc vào phòng đo đạc lại phải từ bỏ lụa để đấu với nhau. Cái khó nữa của thí sinh là ai bới tóc quá công phu đến lúc đo chiều cao lại phải xổ ra hết để đo cho chính xác. Khiến vài người lúc bước vào thì đài các, bước ra lại xác xơ.


Mi Ly

Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP