Kinh tế

Hà Tĩnh: Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội năm 2014 ước đạt 66.946 tỷ đồng

Theo số liệu từ Sở KH&ĐT, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn năm 2013 đạt 58.000 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2012. Đến hết tháng 11/2013, tổng nguồn vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước trên địa bàn đã giao 9.293 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn bổ sung từ nguồn tăng thu, nguồn hỗ trợ của Bộ Tài chính, nguồn bổ sung ngân sách trung ương là 3.070 tỷ đồng. Kết quả giải ngân các nguồn vốn ngân sách trên địa bàn 10 tháng đầu năm đạt 6.639,3 tỷ đồng, bằng 80,5%.

Sáng nay (28/11), Ban Kinh tế Ngân sách – HĐND tỉnh có buổi làm việc với Sở KH&ĐT, Kho bạc nhà nước Hà Tĩnh về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2013, nhiệm vụ giải pháp 2014 và tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và kiểm soát chi ngân sách.

Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội năm 2014 ước đạt 66.946 tỷ đồng

Cùng với sự gia tăng của nguồn vốn đầu tư xã hội trên địa bàn, cơ cấu vốn đầu tư cũng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tỷ trọng nguồn vốn đầu tư có nguồn gốc ngân sách nhà nước giảm từ 75,5% (2010) xuống 16% (2013), vốn đầu tư của doanh nghiệp và dân cư tăng từ 24,5% lên 84%. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò hết sức quan trọng trong đầu tư phát triển, đóng góp cả về tỷ trọng vốn đầu tư (chiếm 81%), đồng thời góp phần đưa tỷ lệ đóng góp của lĩnh vực xây dựng chiếm 75,42% trong tăng trưởng kinh tế, cũng như thu ngân sách trên địa bàn.

Trong bối cảnh khó khăn chung, các công trình, dự án trọng điểm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục được huy động, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, triển khai theo đúng lộ trình cam kết. Năm 2013 có 15 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào KKT Vũng Áng, đưa tổng số vốn đầu tư vào KKT Vũng Áng lên 83 dự án. Các công trình, dự án trọng điểm, cấp bách tiếp tục được quan tâm đầu tư, huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ.

Với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 (đạt trên 22%), thu ngân sách trên địa bàn đạt 7.205 tỷ đồng, kế hoạch đầu tư phát triển năm 2014 cần có sự đột phá trong huy động các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn vốn FDI nhằm tạo động lực cho phát triển, đồng thời đẩy mạnh đầu tư theo các hình thức BOT, BOO, PPP để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế. Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội năm 2014 là 66.946 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Kho bạc nhà nước tỉnh, tính đến ngày 11/2013, đơn vị đã nhận được kế hoạch đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh là 8.922,5 tỷ đồng. Tổng số vốn giải ngân đến 31/11/2013 ước đạt 7.583 tỷ đồng, bằng 85% kế hoạch. Từ đầu năm đến nay, KBNN đã kiểm soát thanh toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước các cấp trên địa bàn toàn tỉnh, với doanh số kiểm soát chi thường xuyên qua KBNN của 4 cấp ngân sách 6.550 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Kinh tế Ngân sách cho rằng, tổng nguồn vốn đầu tư xã hội năm 2013 tăng cao so với những năm trước, tuy nhiên nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn còn thấp so với nhu cầu đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, việc triển khai xã hội hóa đầu tư còn hạn chế. Nguồn vốn của một số chương trình như: Chương trình xây dựng NTM, các chương trình xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục… còn thấp. Một số công trình dự án do chủ đầu tư chưa tập trung vào công tác GPMB nên ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành và giải ngân vốn.

Do đó, các Sở, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát hiệu quả các chương trình, dự án đã triển khai, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn trong việc lựa chọn, xây dựng các chương trình, dự án, ưu tiên bố trí nguồn vốn xây dựng hệ thống hạ tầng văn hóa, xã hội…

Ngô Tuấn (Theo Baohatinh)

  Từ khóa: vốn đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP