Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư. TIC được thành lập ngày 17-5-2007 với vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng. Mục tiêu của TIC là đầu tư khai thác mỏ sắt Thạch Khê, mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, để cung cấp quặng sắt trước hết cho nhu cầu luyện thép trong nước và dành một phần xuất khẩu, sau đó sẽ đầu tư và vận hành nhà máy luyện phôi thép.
Sau hơn 10 năm triển khai, tiêu tốn rất nhiều tiền của, thời gian của nhiều đơn vị liên quan đến nay dự án vẫn giậm chân tại chỗ và để lại nhiều hệ lụy cho Hà Tĩnh. Khi bàn về việc triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng cảnh báo và khẳng định: Còn một số quan ngại về vấn đề môi trường của dự án như cạn kiệt nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, sạt lở bãi thải; ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong vùng, chưa kể những vấn đề khác liên quan đến bão, lũ hay phương án xử lý chất lượng và số lượng nước thải.
Bên cạnh đó, TIC từng tính toán, đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án song hàng loạt chi phí khác chưa được tính toán cụ thể, khoa học, phát sinh gây nhiều hệ lụy như: chi phí liên quan đến phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, chi phí bảo hiểm môi trường theo quy định, chi phí đầu tư cảng biển, đê chắn sóng; phương án xây dựng hệ thống cấp nước cho dân vùng bị ảnh hưởng…
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Lê Đình Sơn khẳng định: Quan điểm, chủ trương nhất quán của tỉnh Hà Tĩnh về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm cho dừng hẳn dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Còn Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Quốc Khánh cho biết: “Tỉnh đã có nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành và mời cơ quan khoa học tư vấn, phản biện về dự án, từ đó có cơ sở khoa học và quan điểm nhất quán kiến nghị dừng dự án”.
Được biết, sau nhiều lần kiểm tra, sau nhiều cuộc họp của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và họp cùng các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: một trong những bất cập đầu tiên trong quá trình triển khai dự án này là việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết.
Sau gần 10 năm triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đến nay vẫn chưa có phương án quy hoạch được phê duyệt, mặc dù để triển khai dự án này, TIC đưa ra nhiều phương án như khu vực lấn biển, diện tích, quy mô ảnh hưởng…
Theo đánh giá của các chuyên gia về địa chất, khu vực mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa hình có địa chất phức tạp, nằm sát biển, thân quặng phân bố sâu (cosd-550m), lớp đất chủ yếu là đất sét, cát và nhiều nước ngầm.
Theo tính toán, thử nghiệm thì lượng nước chảy vào moong khai thác lên đến 9.717m³/h vì vậy nếu triển khai khai thác mỏ sắt này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm không chỉ 6 xã của huyện Thạch Hà, mà còn ảnh hưởng đến các xã của huyện Cẩm Xuyên, huyện Lộc Hà và thành phố Hà Tĩnh.
Năm 2011, Công ty TIC chỉ mới tiến hành bốc đất tầng phủ, mở rộng moong mỏ và bốc đất thử nghiệm khoảng 150ha trên địa bàn xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà nhưng từ đó đến nay xung quanh khu vực này đều bị sa mạc hóa đất đai do mực nước ngầm bị tụt mạnh. Tại xã Thạch Khê sau khi Công ty TIC hút nước mở rộng moong mỏ, thì toàn bộ khu vực xung quanh cây cối đều bị chặt phá do chết, mặc dù đã bốc hơn 11 triệu m3 đưa ra bãi thải ở xã Thạch Đỉnh, Thạch Hà, song sau khi thử nghiệm công ty cũng chưa hoàn trả lại mặt bằng.
Người dân xã Thạch Khê trao đổi với phóng viên về những hệ lụy sau khi khởi công dự án mỏ sắt Thạch Khê. |
Một trong những vấn đề liên quan đến việc khi triển khai dự án sắt Thạch Khê là đánh giá tác động môi trường, bởi đây là dự án lớn liên quan trực tiếp đến hàng vạn người dân sinh sống trên nhiều huyện, thành phố Hà Tĩnh.
Song khi khởi công dự án, cũng như việc tái khởi động hiện nay, việc đánh giá tác động môi trường bị cả chủ đầu tư và các bộ, ngành liên quan xem nhẹ. Chẳng hạn, dự án sắt Thạch Khê là dự án khai thác mỏ lộ thiên với khối lượng đất, đá bóc phủ rất lớn (khoảng 651,4 triệu m³), do đó việc thiết kế các bãi thải và công tác đổ thải là rất quan trọng, theo tính toán ban đầu, hai bãi thải có dung tích chứa lần lượt là 268.210 triệu m3 và 135.428 triệu m³, hai bãi thải này lại nằm sát ven biển nên nguy cơ sạt lở rất lớn, bên cạnh đó nạn cát bay, cát chảy sẽ gây hậu quả vô cùng lớn cho các vùng lân cận.
Theo thiết kế, để triển khai dự án sắt Thạch Khê, chủ đầu tư phải đắp đê, xây kè chắn chân bãi thải lấn biển, việc này cần khối lượng rất lớn đá hộc và các nguyên vật liệu xây dựng khác (khoảng 2,7 triệu m³). Việc xây dựng đập chắn cho bãi thải lấn biển cực kỳ quan trọng, song báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư chưa đánh giá hết tác động tiêu cực của việc xây đê, kè lấn biển ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Đồng thời, theo phê duyệt và công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vùng biển Hà Tĩnh được xác định là có nguy cơ bão, nước dâng do bão chịu cấp 15, 16, nước dâng trong bão có thể lên đến trên 4,5m, trong trường hợp, xảy ra triều cường nước biển có thể dâng lên đến 6,2m… và nếu không tính toán cụ thể, thì những bãi rác ven biển của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê trong tương lai sẽ gây ra những thảm họa môi trường vô cùng khủng khiếp khi gặp lũ lụt, triều cường.
Bên cạnh những bất cập về đánh giá tác động môi trường, nguồn vốn, quy hoạch xây dựng thì nhiều vấn đề liên quan đến dự án này như: Phương án tiêu thụ sản phẩm; dây chuyền công nghệ; tính hiệu quả về kinh tế, xã hội; tác động về mặt xã hội, an ninh trật tự an toàn xã hội… cũng chưa được chủ đầu tư cũng như các bộ, ngành liên quan tính toán cụ thể, khoa học.
Vì vậy, Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã họp bàn và đi đến thống nhất đề nghị Chính phủ cho dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Đồng thời, tỉnh Hà Tĩnh đang chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương giải quyết những tồn đọng, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Tác giả: Sông Lam-Lam Hồng
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân