Có lẽ không có mùa đông nào ở đâu lại dai dẳng hơn, tê tái hơn, và một ngày đông cũng nhanh tối, muộn sáng hơn như ở vùng đất tận cùng phía Tây của huyện Kỳ Anh, nơi thượng nguồn con sông Rào Trổ. Con sông đỏng đảnh như một kẻ đa tình quanh năm bảng lãng khói sương ấy, từng chứng kiến bao kiếp đời cần lao vất vả vì nặng nợ mưu sinh, hay một lý do nào đó đành phải chia tay với dòng sông đi xa xứ, nhưng ngày đêm vẫn luôn ngóng vọng về những khay quýt khốp mọng vàng bày biện nghiêm trang trên ban thờ tổ tiên mỗi khi đông tàn, Tết đến.
Mùa đông cũng là mùa của những vườn quýt trải dài hai bên bờ sông Rào Trổ đua nhau khoác lên một màu vàng rộn rã và tỏa mùi hương thơm dịu ngọt, trước khi bước qua cả chu kỳ sinh trưởng với bao cảm xúc buồn, vui!… Cùng với đó là bao nỗi âu lo đợi chờ hồi hộp với người trồng ra nó, kể từ buổi đầu mùa xuân đơm hoa, mùa hạ kết trái và chín bói vào cuối thu.
Nói đến quýt khốp, nhiều người thường gọi đó là quýt Kỳ Thượng, nhưng không phải ở Kỳ Thượng thôn nào cũng trồng được, dù trồng được cũng còi cọt, không thể đem lại cái hương vị đặc trưng của quýt khốp bởi những yếu tố về đất đai, thổ nhưỡng truông gió, mạch nước… và cả những mối liên quan tiền kiếp!
Thực ra, ở Kỳ Thượng chỉ có một số thôn trồng được giống quýt này là Tân Tiến, Tiến Vịnh, Tiến Quang, Tiến Thượng, Bắc Tiến và Trung Tiến. Ngoài ra quýt khốp còn có thể được phát triển ở thôn Sơn Bình 1, Sơn Bình 2 ở xã Kỳ Sơn và thôn Bắc Hà xã Kỳ Lâm gần đó. Có một điều hết sức đặc trưng là cây quýt khốp không thể sống độc lập mà bất di, bất dịch nó chỉ tồn tại và phát triển khi được sống chung với cả quần thể thực vật; nó luôn cần sự chở che của loài cây khác, mà không cần quang hợp ánh sáng. Đặc biệt, khi được trồng xen kẽ với vườn mây, tre, chanh, bưởi, gió trầm là hết sức lý tưởng.
Truyền thuyết cho rằng: Quýt khốp xuất hiện ở đây từ thế kỷ XVI, thời chúa Nguyễn Hoàng vào Nam mở mang bờ cõi. Tới đèo Ngang, nhìn thấy cảnh tượng nơi đây vô cùng kỳ bí, Chúa Nguyễn quyết định cho cắm trại dừng chân nghỉ ngơi, và chỉ tay lên phía cửa Trời nói với đám quần thần: “Đây chính là giang sơn của ta”.
Đêm hôm đó một viên tùy tùng có tên là Khốp không tài nào chớp mắt được, bởi ông nhớ tới mẹ già đang chịu cảnh độc thân quê xứ xa xôi bên bờ sông Đuống. Khi trăng Đèo Ngang đã gác núi, lợi dụng mọi người đang trong giấc say, viên tùy tùng này đã tìm cách bỏ trốn.
Sợ trở lại theo con đường thiên lý dễ bị phát hiện nên ông đã chọn đường thượng đạo vòng cung men chân dãy Hoành Sơn, đi ngược lên hướng Tây để vòng về Bắc. Vượt qua bao nhiêu khe, suối, dốc, đèo… ông đặt chân tới một vùng thung lũng hoang vu nhưng vô cùng nên thơ. Đó chính là vùng đất Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh ngày nay.
Thung lũng bị bao bọc bởi những ngọn núi cao, phía trước lại bị con sông Rào Trổ đang vào mùa lũ hết sức dữ dằn chặn lại. Ông đành ngửa mặt lên trời mà than: “Ước gì cho ta một đôi cánh để bay về với mẹ”! Vừa than xong, bất giác ông nằm vật xuống bên một hốc đá, thiếp đi lúc nào không hay.
Đến lúc tỉnh dậy thật bất ngờ lũ dữ đã tan biến đi đâu, sông, suối bỗng hiền hòa trở lại! Nơi phiến đá ông nằm bỗng hiện lên một hàng chữ: Mẹ đã đổ bệnh qua đời sau ngày con theo Chúa quân vào Nam vừa trọn nửa mùa trăng. Họ hàng thân thích nay không còn ai. Nếu con trở về cũng sẽ bị người ta tìm cách giết hại. Khi nhận được tin này ở đâu thì con hãy dừng chân lại đó dựng lấy cơ nghiệp gác lại giấc mộng binh đao, linh hồn mẹ sẽ tìm về bên con để con tha hồ được phụng thờ, báo hiếu. Như vậy, mẹ mới toại nguyện nơi ngàn lau chín suối.
Ông vừa đọc xong thì hàng chữ biến mất, phiến đá bỗng nứt ra làm đôi, ở giữa mọc lên một cây lá khẳng khiu có hình dáng vừa hao hao cây chanh, vừa hao hao cây chỉ xát. Đúng là giống quýt, nhưng lại không giống như quýt bình thường. Ngay hôm đó, ông quyết định chọn một khu đất bằng phẳng, đẵn cây rào vườn, làm lều lập ban thờ mẹ.
Linh cảm điềm lành, ông đào ngay cây lạ kia trồng vào vườn. Không ngờ, sang tới mùa xuân năm sau cây bắt đầu cho ra hoa màu trắng; và tới mùa đông trời đổ rét, những chùm quýt đầu mùa bắt đầu vàng trên cành lá, tỏa ra một mùi hương thơm dìu dịu. Ông thật sự vui sướng khi được hái những chùm quả đầu tiên đặt ngay ngắn trên ban thờ mẹ. Và như thể trong lời hương khói, ông nghe được mẹ mình mách bảo rằng: “Không những chỉ múi quýt mà cả lá, vỏ và hạt của của nó đều là thần dược của đất, trời, nên con phải trồng cho thật nhiều để cứu người”.
Sau khi Chúa quân Nguyễn Hoàng lần lượt thu phục vùng Thuận – Quảng, chọn Phú Xuân làm Kinh đô, tiếp tục gây ra không biết bao tang tóc cho dân lành đằng trong. Thì ở ngoài Bắc, Vua Lê – Chúa Trịnh cũng thi nhau hà hiếp chúng dân đến khốn cùng. Thời kỳ này Kỳ Anh được coi là vùng phên dậu và trở thành chốn sa trường, thường xuyên xảy ra những cuộc giao tranh đẫm máu. Nhiều người bị dồn tới đèo Ngang đã liều mình bỏ chạy lên miền ngược để trốn nạn binh đao.
Dọc theo đường vòng cung, từ dưới chân dãy Hoành Sơn tới hai bên bờ sông Rào Trổ không biết bao người đã phải bỏ xác lại vì đói rét và dịch bệnh. Lúc này ông Khốp đã ra tay hái những chùm lá quýt nấu nước xông cho họ; lấy vỏ, hạt rang vàng hạ thổ sắc cho họ uống, cứu giúp được không biết bao người thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.
Có giả thiết cho là chính trong thời li loạn đó mà cả một vùng thượng Kỳ Anh hoang hút bắt đầu dần hình thành nên các làng xóm. Cho tới nay, chưa có sử sách nào làm sáng tỏ quá trình hình thành nên lịch sử ở vùng đất này từ hàng ngàn năm trước, nhưng có thể nói ông Khốp là người đầu tiên có công khai phá, và là người đầu tiên có công gieo trồng giống quýt tạo nên thương hiệuquýt khốp Kỳ Thượng ngày nay.
Trong những thôn trồng được giống quýt này, có nơi gọi là quýt xốp, có nơi gọi là quýt phốp, còn hầu hết đều gọi là quýt khốp. Có thể đó là cách phiên âm khác nhau. Tuy vậy, hầu hết nhiều người gọi đó là quýt khốp. Bởi theo họ, để ghi nhớ công lao của ông Khốp, tổ tiên họ đã lấy tên ông đặt cho giống quýt đó. Quýt khốp cũng là danh từ chung chỉ hai loại quýt đặc trưng mà người dân bản địa trước đây thường gọi là quýt đực và quýt cái. Quýt đực hay còn gọi là quýt xốp, còn quýt cái thường gọi là quýt sáp. Rất khó có thể phân biệt được thế nào là thân cây quýt xốp và quýt sáp, nhưng nếu quan sát kỹ về lá và quả của nó thì rất dễ nhận thấy những khác biệt. Đối với lá quýt sáp bao giờ cũng dày hơn, xanh hơn, to hơn và hơi nhọn hơn so với quýt xốp; trái quýt sáp thường to hơn và ngoài da trơn hơn, và đặc biệt vị quýt sáp cũng ngọt hơn. Ngược lại lá quýt xốp mỏng hơn, tù hơn và nhạt màu hơn so với lá quýt sáp; trái của nó nhỏ hơn một chút và ngoài da trông sần sùi hơn và vị của nó chua hơn.
Sông Rào Trổ đoạn chảy qua thôn Trung Tiến xã Kỳ Thượng
Có thể nói cây quýt khốp đã tồn tại ở thượng nguồn Rào Trổ từ hơn bốn thế kỷ qua là tài sản vô giá trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi này. Giờ thì giao thông quá thuận tiện, nhưng trước đây, hàng năm cứ vào mùa quýt chín bà con lại rủ nhau gồng gánh vượt khe suối đường rừng gần 30 km về xuôi để bán mà nuôi nhau hết thế hệ này, đến thế hệ khác.
Ông Nguyễn Xuân Tín, Bí thư kiêm chủ tich xã Kỳ Thượng trầm ngâm một lát rồi tâm sự: “Kỳ Thượng có gần 1.700 hộ dân với gần 7.000 khẩu, trong lúc đó chỉ có 133 ha đất sản xuất. Trước kia khi chưa đưa cây chè vào sản xuất, hầu hết thu nhập của bà con chỉ dựa vào cây quýt. Tuy khó khăn, nhưng dẫu sao trên thực tế cây quýt cũng đã nuôi lớn người dân chúng tôi từ hàng trăm năm nay. Tiếc rằng, từ năm 1992, sau khi có chủ trương xóa bỏ vườn tạp thì cây quýt bỗng thi nhau chết hàng loạt. Rất may là giống quýt nay đang dần được nhân rộng nhờ có một số hộ đem trồng trong trang trại.”
Một trong những người đi đầu cuộc cánh mạng cải tạo vườn quýt và bảo vệ thương hiệu quýt khốp, tước hết phải kể đến vợ chồng ông Võ Văn Minh ở thôn Trung Tiến. Sau khi vườn quýt nhà ông bị phá sản do phải chấp hành chủ trương xóa bỏ vườn tạp. Thương cha là cụ Võ Văn Vừng đã tạo dựng nên vườn quýt nuôi bảy anh, chị em ông khôn lớn thành người nên ông Minh đành gạt nước mắt bỏ lại mảnh vườn hương hỏa,dắt vợ con lên độông Nhà Hòi, thôn Bắc Tiến lập nghiệp trồng quýt.
Nắm rõ được tính cách của cây quýt khốp mang tính cộng đồng cao, nên trước khi trồng lại ông đã nghiên cứu kỹ quần thể các loài cây bụi tự nhiên. Ông cho trồng thêm các loài gió trầm, cam, bưởi là những giống cây được trồng rất nhiều trong vườn cũ của nhà mình, rồi mới xen dắm các gốc quýt khốp lên đó. Đến nay, vườn quýt của vợ chồng ông Minh đã trưởng thành, có lứa hơn mười năm tuổi đã phủ kín cả độông Nhà Hòi với diện tích gần: 7ha, tương đương trên: 5.000 cây.
Theo ông Võ Văn Minh thì tuổi thọ của cây quýt kéo dài khoảng 25 đến 30 năm, và chỉ có giống đúc hạt mới sống lâu được đến thế, đồng thời đảm bảo được chất lượng và sản lượng, chứ không thể nhân giống theo hình thức chiết cành, hoặc áp dụng theo bất cứ mô hình khoa học nào. Nói tới đây, ông bỗng lặng người trong giây lát không dấu nổi chút buồn thỏ thẻ rằng: Có lẽ vì một cơ duyên nào đó mà ngay từ thuở ông mới lọt lòng vào năm Quý Mão (1963), bố ông đã từng cõng ông lên đỉnh đôộng Nhà Hòi làm lễ tạ ơn rừng núi và hái một nắm lá nơi hai gốc quýt tự nhiên mọc bên nhau mà cụ bắt đầu phát hiện được từ hai năm trước đó nhân một lần cụ vào rừng đào củ mài. Đó là hai gốc quýt hiếm thấy đã tồn tại ở đây trên 59 năm được người dân quanh vùng gọi là quýt Ông và quýt Bà.
Ông Võ Văn Minh bên hai gốc quýt ông và quýt bà mọc tự nhiên từ năm 1961
Ngoài hai gốc quýt ông và quýt bà vẫn đều đặn mỗi mùa cho thu hoạch từ 40 thúng đến 70 thúng mỗi gốc, thì mỗi mùa mỗi gốc quýt ở đây thấp nhất cũng có thể cho thu hoạch từ 30 thúng quả trở lên, mỗi thúng có trọng lượng khoảng 12kg, mỗi kg 01kg có giá trung bình bán tại gốc khoảng 20.000 đồng.
Với vườn quýt hiện tại mà gia đình ông đang sở hữu, một mùa có thể cho thu hoặch từ 30 tấn đến 40 tấn quả. Như vậy, riêng thu nhập từ quả mỗi mùa cũng có thể đem về được cho gia đình nhà ông từ 60 triệu đến 100 triệu đồng. Chưa kể mỗi mùa cây quýt còn cho thu hoặch từ 1,5 đến 2 tấn vỏ và hàng chục kg hạt. Đơn giản, mỗi sáng vợ chồng ông ra vườn nhặt quýt rụng mang ra suối xát lấy vỏ và hạt phơi khô bán cho các hiệu thuốc Nam thấp nhất cũng có giá hơn 4 triệu đồng/ 01 tạ vỏ và hơn 20.000 đồng/ 01 kg hạt. Nhờ có vườn quýt mà vợ chồng ông Minh còn lo được cho hai người con sang làm ăn sinh sống tại châu Âu và giải quyết việc làm ổn định cho 6 lao động khác trong gia đình.
Điều cần phải quan tâm là hiện nay không riêng gì gia đình ông Minh mà khiến nhiều người tâm huyết với cây quýt khốp phải lo lắng, là liệu giống quýt có thể tồn tại trên vùng thượng nguồn Rào Trổ này được bao lâu, khi Hà Tĩnh có chủ trương xây dựng hồ chứa nước Rào Trổ với trữ lượng: 162,4 triệu m3 nước? Với cao trình 84m sau khi hoàn thành, đập Rào Trổ sẽ làm ngập hàng ngàn ha đất, trong đó riêng Kỳ Thượng bị ngập tới: 1.900 ha sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển nghề trồng quýt.
Để tạo điều kiện cho dự án thực hiện thành công, đại đa số người dân đã đồng lòng ủng hộ. Nhưng làm thế nào duy trì được giống quýt đang là một phép tính khó, rất cần nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp…
Ngoài giá trị về kinh tế và dược liệu, quýt khốp Kỳ Thượng còn có giá trị trong việc chế biến các món thức ăn dân dã mà không có thứ nào có thể thay thế được như: Vỏ quýt dùng để nấu rươi, kho mắm, kho cá; lá quýt đem nấu thịt chó, dã cầy…
Trái quýt khốp có đặc điểm to hơn quýt thường, phần đuôi lõm sâu như điểm giao nhau của hai bầu vú thôn nữ bước vào tuổi dậy thì, và thường chuyển sang màu đỏ nhạt trước khi chín đều; múi quýt mọng và cong như hình lưỡi liềm có vị thanh thanh, ngọt ngọt và hơi chua chua một chút. Cắn vào một múi quýt nhỏ bỗng thấy the the nơi đầu lưỡi, lịm tới tận từng kẽ răng đến đầu cổ họng, nuốt tới đâu ấm ran người tới đó, cảm giác trong chốc lát xua đi tất cả cái rét mùa đông.
Đặc biệt, với những người bị mắc bệnh thương hàn, cảm sốt có thể không cảm nhận được bất cứ thi vị gì trên đầu lưỡi khi ăn vào, kể cả các món sơn hào, hải vị. Vậy nhưng họ chỉ cần mâm một múi quýt khốp Kỳ Thượng nơi đầu miệng thôi, chắc chắn họ sẽ cảm nhận được ngay vị quýt đặc trưng này.
Trên hết tất cả là cây quýt khốp Kỳ Thượng cùng với bao thế hệ con người ở đây đã trải qua bao biến thiên thời cuộc và dâu bể thời gian, trở thành giá trị thiêng liêng; luôn là miền thương, nỗi nhớ của bao ngườ đi xa, nhất là những khi đông tàn Tết đến!
Bút ký của NGUYỄN NGỌC VƯỢNG