Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: 'Lỏng lẻo' trong quản lý rừng phòng hộ ven biển

Rừng phòng hộ ven biển ở tỉnh Hà Tĩnh đang bị bao chiếm, trồng và khai thác ồ ạt, không đảm bảo chức năng chắn gió, chắn cát, ngăn triều cường. Vậy nhưng, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp quản lý hiệu quả.

Rừng phòng hộ trở thành rừng sản xuất

Thời gian qua, nhiều diện tích rừng cây phi lao ven biển ở xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà bị khai thác, chặt hạ ngổn ngang. Sau khai thác, hiện trường còn lại là những gốc cây phi lao có đường kính từ 30- 40cm nằm trơ trọi giữa bãi cát mênh mông.

Khai thác rừng cây phi lao ven biển ở xã Thạch Hải không đúng quy trình, mật độ, không trồng thay thế, tái sinh rừng kịp thời

Nhiều gốc cây phi lao lâu năm có đường kính từ 30-40cm

Rừng phòng hộ bị chặt trắng, không được trồng thay thế, tái sinh kịp thời nên nhiều khu rừng gần như không còn chức năng phòng hộ. Trồng rừng và khai thác rừng ồ ạt dù mang lại lợi ích kinh tế cho một bộ phận người dân, nhưng sẽ gây ra những hệ lụy về môi sinh, môi trường rất khó lường hết được.

“Rừng phi lao dọc bờ biển do người dân tự bao chiếm đất, tự bỏ vốn trồng. Cây phi lao phải hơn chục năm mới khai thác được một lần, nếu nhà nước quản lý, đầu tư trồng thì người dân không ai dám bán cả”, chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Thạch Hải cho biết.

Rừng phòng hộ ven biển ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh bị bao chiếm, khai thác ồ ạt, không đảm bảo chức năng phòng hộ theo quy định

Cây phi lao thời gian sinh trưởng dài ngày, lại thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng ven biển. Trong khi đó, dọc bờ biển lại có rất nhiều diện tích đất cát hoang hóa nên người dân đã tự do bao chiếm đất trồng phi lao. Đến kỳ thu hoạch, việc khai thác lại không đúng quy trình, mật độ, khai thác ồ ạt nên rừng không còn đảm bảo chức năng phòng hộ theo quy định.

Rừng phòng hộ biến thành rừng sản xuất diễn ra ở nhiều vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó tại xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh hiện có rất nhiều người dân bao chiếm đất rừng trồng keo tràm và khai thác trắng khi cây đến kỳ thu hoạch.

Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân Nguyễn Đình Hào cho biết, toàn xã hiện có hơn 100 ha rừng phòng hộ, chủ yếu là cây phi lao, keo tràm, bạch đàn. Hầu hết diện tích này đều do người dân tự bao chiếm, tự trồng và khai thác nhằm mục đích phát triển kinh tế, chưa coi trọng chức năng phòng hộ của rừng.

“Hiện nay việc khai thác rừng phòng hộ chúng tôi chưa nắm được cụ thể, cần phải có sự phối hợp giữ lực lượng Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh tiến hành rà soát, tổng hợp lại. Sau đó họp thống nhất với người dân để đưa ra phương án quản lý, bảo vệ vì đất đó chưa được giao bìa”, ông Nguyễn Đình Hào thông tin.

Sau khai thác, thân gỗ keo được bốc đi bán, gốc cây và cành lá đốt thành tro bụi

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trồng rừng, khai thác rừng phòng hộ ven biển có dấu hiệu không đúng quy trình, phương thức, mật độ quy định. Sự việc đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh hầu như chưa quan tâm đến tầm quan trọng của rừng phòng hộ ven biển; chưa kiểm tra, đánh giá trữ lượng, phạm vi, mức độ ảnh hưởng của việc khai thác rừng đối với môi sinh, môi trường để kịp thời có phương án ngăn chặn, xử lý.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Lâm - Chủ tịch UBND xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà cho biết, trên địa bàn hiện có khoảng 56 ha rừng phòng hộ, trong đó có 4 ha ở khu vực bãi tắm đã chuyển đổi mục đích sử dụng, phục vụ cho phát triển kinh doanh du lịch.

Cũng theo ông Lâm, rừng phòng hộ từ trước đến nay người dân tự bao chiếm, tự trồng, tự khai thác, kể cả phần diện tích ở thôn Bắc Hải mà báo chí, dư luận phản ánh. Vấn đề này địa phương sẽ giao cho công an xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm kiểm tra lại cụ thể, nếu khai thác vi phạm thì phải xử lý.

Theo Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Lâm, rừng phòng hộ ven biển người dân tự bao chiếm, tự trồng, tự khai thác là do lịch sử để lại, diện tích tương đối nhiều, cộng thêm việc kiểm tra thực địa trước đây còn lỏng lẻo.

“Đơn vị đang rà soát lại diện tích cụ thể để báo cáo các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương thống nhất phương án xử lý. Sau đó có thể sẽ giao khoán lại cho người dân thực hiện trồng và khai thác rừng theo quy định của rừng phòng hộ”, ông Nguyễn Ngọc Lâm thông tin.

Rừng cây phi lao ven biển bị chặt hạ sẽ suy giảm chức năng phòng hộ, tác động tiêu cực đến môi sinh, môi trường.

Qua tìm hiểu được biết, tỉnh Hà Tĩnh hiện có khoảng 1.500 ha rừng phòng hộ, trong đó có khoảng 800 ha cây phi lao, keo tràm, bạch đàn trên cát, còn lại là rừng đước ngập mặn. Tuy nhiên, số liệu thống kê này có thể còn nhiều chênh lệch, bởi thực tế hiện nay diện tích rừng được cho là rừng phòng hộ ven biển đã bị bao chiếm, khai thác nên chưa thể đo đếm cụ thể.

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Phan Thanh Tùng - Trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, người dân trồng rừng phòng hộ vẫn được phép khai thác nhưng phải tuân thủ các quy định của Luật Lâm nghiệp, Nghị định 156 của Chính phủ và các quy định hiện hành.

“Giải pháp tốt nhất là chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành lâm nghiệp, tiến hành rà soát lại diện tích, thống nhất phương án giao đất, giao rừng cho người dân. Sau đó có thể huy động nguồn lực, kinh phí đền bù giá trị tài sản hoặc mua lại diện tích rừng đã trồng để tổ chức quản lý theo quy định” - ông Phan Thanh Tùng chia sẻ.

Nhiều diện tích rừng phòng hộ được cho là đã chuyển đổi mục đích, phục vụ cho việc xây dựng nhà hàng, phát triển du lịch biển.

Rừng phòng hộ ven biển đã và đang trở thành rừng sản xuất, việc trồng rừng, khai thác rừng diễn ra tùy tiện, thiếu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng. Trong khi bài toán về công tác quản lý, nâng cao hiệu quả rừng phòng hộ chưa có lời giải, nghĩa là bức "bình phong" chắn gió, chắn cát, ngăn chặn triều cường, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa thể phát huy đồng bộ ở vùng ven biển Hà Tĩnh.

Tác giả: Văn Chương

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP