Ngày 26.4.2016, Báo đăng tải bài “Hiệu trưởng bị tố “bày trò” để “ăn” tiền đứng lớp”, phản ánh hiện tượng Hiệu trưởng trường THCS Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh không lên lớp theo quy định mà hàng tháng vẫn nhận phụ cấp đứng lớp đều đều. Sau khi báo đăng tải nhiều độc giả đã thông tin thêm nhiều trường hợp tương tự.
“Dối như Cuội?”
Làm hiệu trưởng tại Trường THCS Phan Đình Phùng, một trường trọng điểm của Phòng GD-ĐT huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh nhưng ông Nguyễn Bảo Ngọc không trực tiếp lên lớp theo kế hoạch phân công chuyên môn nhưng hàng tháng vẫn nhận phụ cấp đứng lớp.
Trong Hồ sơ phân công chuyên môn của nhà trường thầy Ngọc được phận công dạy Bồi dưỡng HSG và dạy Vật lý tại lớp 6B | ||
Thế nhưng, trong TKB Trường THCS Phan Đình Phùng dạy Vật Lý tại lớp 6B lại là một giáo viên khác. |
Trao đổi với PV, thầy Trương Bá Năng, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thực hiện quy định của cấp trên, ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã bố trí để BGH nhà trường trực tiếp giảng dạy. Cụ thể phó hiệu trưởng dạy 04 tiết Toán lớp 8A còn thầy Nguyễn Bảo Ngọc, hiệu trưởng, chịu trách nhiệm bồi dưỡng học sinh giỏi và giảng dạy 02 tiết môn Vật lí tại lớp 6A và 6B.
Tuy nhiên, khi đối chiếu với Thời khóa biểu và Sổ đầu bài thì tên và chữ ký của thầy Ngọc không được thể hiện trong đó. Qua đây khẳng định rằng từ đầu năm học đến nay thầy Nguyễn Bảo Ngọc, hiệu trưởng không hề giảng dạy theo nhiệm vụ chuyên môn mà mình được phân công.
Lý giải về vấn đề này, vị hiệu trưởng giải bày: “Đầu năm tôi được phân công bồi dưỡng HSG và giảng dạy môn Vật lý ở lớp 6A và 6B. Tuy nhiên do tập trung xây dựng và phải hoàn thành trường trọng điểm trong năm 2016 nên tôi chỉ dạy đến tháng 11”.
“Sang học kỳ 2, tôi xin dạy tiếp nhưng lúc này UBND Huyện có chủ trương điều động biệt phái đối với 04 giáo viên của trường lên làm việc tại Phòng GD-ĐT và Phòng giao dịch một cửa thuộc UBND Huyện nên tôi thay thầy Phan Đình Trung giảng dạy môn Vật lí ở lớp 6A”, vị lãnh đạo trường nói thêm.
Theo một giáo viên, nếu nói rằng hiệu trưởng quá nhiều việc và không có thời gian lên lớp là sự ngụy biện bởi đó là sự phân công của ngành. Hơn nữa bằng cách gián tiếp, hiệu trưởng Ngọc không thừa nhận Thông tư 28/2009 của Bộ GD-ĐT về “định mức tiết dạy đối với Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng”.
Không tham gia giảng dạy như phân công nhưng trong Bảng Lương và phụ cấp ưu đãi của Trường THCS Phan Đình Phùng, thầy Ngọc vẫn nhận tiền đứng lớp. |
Để xác minh sự việc, PV trực tiếp gặp lớp 6B và đặt vấn đề là từ đầu năm đến nay thầy, cô nào dạy môn Vật lí của lớp thì cháu Nguyễn Hoàng Anh, lớp trưởng cho biết: “Trước đây là thầy Trung dạy nhưng giờ đổi thành cô Huyên”.
Còn ở lớp 6A, do được giáo viên “tư vấn” trước nên lớp trưởng Phan Hà Anh nói rằng môn Vật lí do thầy Ngọc phụ trách. Tuy nhiên sau đó PV đã khơi dậy tính trung thực của các cháu nên một học sinh khác đính chính: “Đầu năm là cô Huyên dạy sau đó đổi thành thầy Trung. Đến khi thầy Trung chuyển đi thì cô Huyên lại dạy”.
Như vậy, dù bằng cách này hay cách khác thì việc thầy Nguyễn Bảo Ngọc, hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Phùng không đứng lớp là sự thật và phù hợp với những gì mà học sinh phản ánh. Tuy nhiên qua bảng lương thì hàng tháng thầy vẫn nhận phụ cấp đứng lớp đều đều. Ước tính sau 06 năm về làm hiệu trưởng tại trường, thầy Nguyễn Bảo Ngọc “ăn không” của nhà nước khoảng 120 triệu đồng.
Tất cả các trường đều như thế
Tại Trường THCS Đồng Lộc, huyện Can Lộc cũng như thế. Mặc dù dùng nhiều hình thức để chứng minh có lên lớp nhưng thực chất thì hiệu trưởng Lê Thị Trâm không hề trực tiếp giảng dạy.
Trường THCS Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh |
Trao đổi với PV, cô Lê Thị Trâm, hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Việc lên lớp của BGH, chúng tôi triển khai và thực hiện hết sức nghiêm túc. Nếu cần có thể lật lại hồ sơ thì rõ, chưa có năm nào BGH bỏ bê chuyện dạy. Từ năm ngoái đến giờ tôi dạy bồi dưỡng HSG môn Lịch sử, Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và dạy Hướng nghiệp cho học sinh”.
Tuy nhiên khi hỏi học sinh lớp 9 là ai dạy môn Hướng nghiệp thì gặp một tình huống dở khóc, dở cười: Các cháu hỏi lại PV rằng: “Hướng nghiệp là gì?”
Trao đổi với Phó hiệu trưởng nhà trường, thầy Trần Hảo chia sẻ: “Ở đây công tác hướng nghiệp, dạy nghề là do giáo viên chủ nhiệm lồng ghép, còn trong lịch giảng dạy thì không có chương trình hướng nghiệp riêng”.
Để chứng minh cho sự việc trên, Cô Trâm đưa ra một số hồ sơ, trong đó có Giáo án Lịch sử 8 năm học 2012-2013.
Giáo án Sử 8 năm học 2012-2013 không có tên giáo viên giảng dạy. |
Còn ở Trường THCS Xuân Diệu, huyện Can Lộc cũng không có gì khác. Lấy lý do là quá nhiều việc, hơn nữa làm công tác kiêm nhiệm nên hiệu trưởng Đặng Quang Huy “khoán trắng” việc lên lớp cho giáo viên.
Trao đổi với PV, cô Lê Thị Nguyệt Hoa, phó hiệu trưởng thừa nhận: “Thầy Huy làm hiệu trưởng kiêm Bí thư chi bộ thì được miễn 2 tiết nên không phải đứng lớp. Còn việc hiệu trưởng không lên lớp mà vẫn nhận chế độ phụ cấp đứng lớp thì tất cả các trường trong huyện đều như thế”.
Việc nhiều hiệu trưởng không đứng lớp nhưng vẫn nhận phụ cấp ưu đãi trong giáo dục là trái với quy định của cấp trên. Hiệu trưởng có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.
Vậy, làm hiệu trưởng mà không đứng lớp thì liệu còn đủ khả năng để đánh giáo giáo viên trong các giờ dạy (một cách khách quan) hay không khi chính bản thân mình đã “bỏ dạy”?
Quốc Hoàn – Đặng Sơn – Quốc Cường