Ông Phạm Hữu Hoan – Trưởng Phòng Giáo dục Phổ thông – Sở GD&ĐT Hà Nội trao đổi với PV Dân trí về sự cố này, ngay sau khi kết thúc môn thi đầu tiên của ngày thi thứ hai.
“Chúng tôi nhận lỗi”
Trao đổi với PV Dân trí vào trưa 21/3, ông Hoan thừa nhận sai sót trong quá trình làm đề khảo sát môn Toán, dẫn đến một câu không có đáp án nào đúng.
“Chúng tôi rất cảm ơn các phương tiện thông tin đại chúng đã kịp thời đưa tin sai sót này nhằm hỗ trợ Sở GD&ĐT Hà Nội. Với trách nhiệm những người làm đề thi khảo sát, chúng tôi nhận lỗi và nhận sai sót, dù là sai sót nhỏ trong một câu do lỗi in ấn khiến câu hỏi không có phương án đúng”, ông Hoan nói.
Ở đề thi môn Hóa học vào sáng 21/3, trong 24 mã đề, có mã 003, câu 62, khi đảo đề gốc để tạo ra 24 mã đề, lời dẫn đã đè lên phương án C khiến phương án này không có nội dung. Như vậy, trong 24 học sinh, chỉ có một học sinh gặp phải sai sót này.
“Ngay đầu giờ sáng 21/3, khi chưa bắt đầu thi, chúng tôi đã phát hiện ra sai sót này trong đề khảo sát môn Hóa nên đã báo cho các hội đồng thi nhắc nhở thí sinh chỉ chọn một trong 3 phương án (trừ phương án C)” ở câu hỏi này”, ông Hoan cho biết.
Sai sót trong đề thi môn Toán ngày 20/3
Dự kiến cho điểm tối đa câu hỏi sai
Trao đổi với PV Dân trí về phương án khắc phục ở câu hỏi sai môn Toán học trước đó – mã đề 015 không có đáp án nào đúng, ông Hoan cho hay, Phòng GDTH Phổ thông đã báo cáo lên Ban Giám đốc để xin ý kiến giải quyết.
Theo đó, sau khi thi xong (ngày 22/3), khi các hội đồng chấm thi làm việc, Phòng Phổ thông cũng chuyển đáp án xuống các cơ sở. Dự kiến phương án xử lý sẽ cho tất cả các học sinh đều đạt điểm tối đa (0,2 điểm) ở câu hỏi này. Tuy nhiên, phương án này, theo ông Hoan, còn chờ Ban Giám đốc quyết định.
Về quy trình làm đề, ông Hoan cho biết, đề thi khảo sát do Phòng GDTH Phổ thông của Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì, có mời thêm một số giáo viên giỏi ở một số trường phổ thông tham gia. Mỗi bộ môn có từ 3-4 giáo viên ra đề thi. Giai đoạn 1, tất cả các trường sẽ gửi đề thô về Sở. Giai đoạn 2, Sở thành lập Hội đồng thẩm định để chỉnh sửa toàn bộ câu hỏi của đề. Giai đoạn 3, xây dựng ma trận đề thi, chuẩn hóa từng đơn vị kiến thức trong đề và xác định cụ thể số câu hỏi từng mức độ nhận biết, đọc hiểu và vận dụng ở mức độ cao… Sau đó, chọn lựa một số câu hỏi và làm đề dựa trên nguồn đó.
Chia sẻ thêm về quy trình soát lỗi đề thi, ông Hoan khẳng định: “Sở duyệt rất kĩ các lỗi chính tả nhưng đây do lỗi kĩ thuật, không phải do lỗi chuyên môn.
Ngay sau khi có tin sai sót một câu trong đề thi môn Toán, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu tất cả các cán bộ ra đề thi nghiêm túc kiểm tra toàn bộ các đề thi của những môn còn lại ngay trong đêm 20/3. Nhờ đó, Hội đồng đề đã kịp phát hiện sớm sai sót trong đề thi môn Hóa của sáng 21/3”.
Để rút kinh nghiệm cho kì thi THPT chính thức sắp tới, theo ông Hoan, trước khi Bộ GD&ĐT chuyển đề thi chính thức xuống 63 tỉnh thành, Hội đồng in sao đề thi của Bộ GD&ĐT nên có Tổ rà soát đề thi lần cuối rồi mới chuyển đến các tỉnh thành trong cả nước. Việc này hết sức quan trọng và Bộ nên có văn bản chính thức về khâu kiểm duyệt nhằm chuẩn hóa đề thi.
Mỹ Hà/Theo Dân trí