Tuỳ bút Quê hương

Dọc miền Hà Tĩnh (phần 1)

Đêm 31 tháng 10 năm 1968 máy bay Mỹ đột ngột ngừng ném bom, bắn phá Bắc và Nam phà Bến Thủy. Đại đội của tôi nhận lệnh rời trận địa ở đầu bến phà phía Bắc sang bờ phía Nam vào chốt trận địa sát chân núi Cơm, đúng vị trí đại đội 10, tiểu đoàn tôi bị đánh thiệt hại nặng hồi tháng 9 năm 1968.

hatinh24h

Phần 1: Dòng sông và những cây cầu

Chiếc hầm kèo nhỏ đại đội trưởng Vũ Xuân Toại và tôi mang theo đặt trên đám đất mới bùng nhùng, nhầy nhụa, những bụi cây thấp nát bấy. Vào lúc đó sau những tháng chiến đấu khốc liệt tôi được giao làm A phó chỉ huy, trực tiếp nắm trinh sát đo xa giúp đại đội trưởng trong chiến đấu và sắp được kết nạp Đảng. Tôi cùng mấy trinh sát đo xa mới bổ sung: Hải Triều, Minh Huấn (trinh sát), Quốc Tuấn (đo xa) đào đất, chôn trụ, gác xà, lát mái, làm huỳnh huỵch như trâu húc mả. Giẫm chân trên đám đất bùng nhùng, cái mũi thính và các giác quan tinh nhậy đặc biệt được đẩy lên cái giới hạn cao nhất suốt trong những tháng đội trên đầu bom đàn, rốc-két đàn, máy bay đàn phát hiện thứ mùi lạ và một cái gì đó không bình thường dưới đám đất lạnh mà ấm này. Tôi đặt tấm phản gỗ làm cỡ để anh em lát mái. Một thứ nước sền sệt, sánh đặc trào lên qua khe tấm phản. Đất lấp nửa hầm xong, vớ múi giẻ lau pháo lau sơ sơ tôi nằm kềnh ra tấm phản. Quốc Tuấn quê Diễn Châu, Nghệ An rải tấm ni-lông xanh cho tôi nằm giọng Nghệ ấm nặng :

– Anh ngủ đi mấy phút, có máy bay tôi kéo dậy!

Lúc này ngủ làm sao được, tôi lật người nghển cổ gọi đại đội trưởng:

– Đại đội trưởng ơi, anh Toại ơi, vào ngả lưng cho giãn xương cốt đã.

Anh Toại nguyên là Đại đội phó Đại đội 3 pháo 57 ly mới về thay anh Nh. từ sau trận máy bay Mỹ tập trung đánh phá trận địa chúng tôi ở giữa làng Hưng Thủy, Đại đội phó Xương hy sinh, Đăng đo xa hy sinh, Thịnh đo xa bị sức ép bom nặng phải đưa đi viện, chưa về. Anh Toại đánh quần đùi bà bô thắt dải rút, da anh trắng mịn, đùi và bắp chân rắn chắc. Anh nhăn mũi hít hít, cười cười:

– Có cái mùi gì trong hầm rờn rợn. Cậu tập trung mấy cái mũi thính lại xác định xem là mùi gì. Thôi cậu ngủ một mình, tớ dựng cái lán con nằm ngoài này nghe có tiếng máy bay ban đêm kịp báo động cho đơn vị dậy.

Tôi trổ một cái khoảng nhỏ thông hơi phía sau hầm. Mùi trong hầm khẳn nặng vẫn vương vất. Và thật lạ tôi có cảm giác như có ai ở trong hầm, như có bóng người lướt qua, lướt lại. Cái bóng ấy sát vào tôi, va nhẹ vào người tôi tan ra. Tôi đặt lưng nằm ngửa hai chân mở rộng, hai tay xuôi xuống mê đi rất nhanh. Tôi chợt nhìn thấy một người con gái rất trẻ đứng ở cửa hầm, không còn quần áo, trên làn da trắng mịn, máu chảy thành dòng, trên khuôn mặt trăng tròn từ vầng trán mịn màng máu cũng kẻ sâu những vệt đỏ qua má xuống cằm, xuống tận cổ. Cô đứng im, đôi mắt buồn nhìn tôi không nói gì. Tôi thốt lên:

– Ma ư? Em là ma ư? Tôi không sợ ma đâu. Bom đạn như thế tôi còn không sợ. Sợ gì ma!

Cô như bước lên. Tôi nắm chặt hai tay lại, gồng người áp chặt xuống phản cất tiếng gọi anh Toại. Không sao gọi được. Không thể cất lời được. Chợt máu trên người cô biến đâu hết. Khuôn mặt cô bỗng sáng bừng lên đẹp một cách kỳ lạ vừa xa vời, vừa gần gũi, dáng người thanh cao, mái tóc dài, mượt, dày và đen nhánh. Cô mặc quần áo là lượt từ khi nào, tay ôm chếch cây đàn. Đàn tỳ bà, tóc lại còn cài trâm nữa. Thôi rồi, tôi hiểu ra rồi, đây là đất quê cụ Nguyễn Du. Đây rồi nàng Kiều. Đây rồi con gái nhà ai mà đẹp thế này. Cô quay gót son lướt nhẹ. Tôi giật mình kinh sợ. Mình vừa qua một cơn mơ. Mơ mà như thật, vì tôi vẫn còn thấy phảng phất cái cảm giác có bóng dáng người ở đâu đây. Tôi nhổm lên bò ra chỗ anh Toại, kéo chân anh. Cái lán lều đại đội trưởng tự dựng cao hơn mặt đất năm mươi phân choàng tấm ni-lông xanh. Anh hỏi giọng tỉnh khô:

– Cậu mơ cái gì mà ú ớ ghê thế?

– Tôi mơ thấy một cô gái không quần áo, người đầy máu đứng ở cửa hầm. Không mở miệng gọi anh được.

– Thế sao cậu không quát ầm lên? Gặp ma thì phải quát to tự trấn an mình ma nó mới sợ chứ!

– Quát sao được, một cô gái trẻ rất xinh đẹp mà anh. Lúc sau lại có quần áo, lại cầm đàn tỳ bà nữa anh ạ!

– Cậu dân chữ nghĩa, mê sảng mà ra sự như vậy. Thôi, chui vào đây nằm với tớ. Sáng ra vào làng hỏi bà con mọi việc sẽ rõ.

Sáng sớm, Huấn trực ban trinh sát đêm chạy vào bấm ngón chân cái tôi báo có người trong làng đi ra trận địa. Một bà mẹ già lưng còng, đầu trần vấn khăn, tay chống gậy trúc từ đầu làng đi ra. Bà đứng sững lại, hai bàn tay chắp trước ngực. Bà khóc:

– Các con mần trận địa ban đêm, mẹ đau không ra được. Hầm của con đặt trên mộ con Hoa. Hắn bị chết khi ra hợp đồng chiến đấu với bộ đội phòng không xê 10. Bộ đội xê 10 chôn hắn ngay bên trận địa. Bom Mỹ đào lên mấy lần, bộ đội xê 10 rút đi dân quân mới chôn lại hồi hôm đó con ơi!

Nghe tiếng bà mẹ chân tay tôi bủn rủn. Tôi bám vào mái hầm, bước như vô định quanh căn hầm mà ở bên dưới có thi hài người em gái trẻ đã báo mộng cho tôi. Chỉ một lát nữa thôi hai mái hầm che cho em sẽ phải dỡ ra.

Tôi đã viết lại một cách trung thực câu chuyện có thật lần đầu tiên tôi đặt chân lên miền đất Hà Tĩnh. Câu chuyện về cuộc chiến đẫm máu có ứng nghiệm lạ kỳ về sau. Tôi sẽ viết trong phần khác. Còn bây giờ mời bạn đọc theo dõi chuyện về những cây cầu trên miền đất dày đặc những trầm tích lịch sử, văn hóa và chiến công.

Cầu Già

Đất Hà Tĩnh có rất nhiều những con sông nhỏ chảy cắt ngang từ dãy Trường Sơn ra biển: Sông Nghèn, sông Cầu Già, sông Cầu Nga, Sông Cầu Cầy, sông Cầu Phủ, sông Cầu Họ, sông Rác với những cây cầu qua các con sông ấy bị đánh hỏng hoàn toàn ngay từ những năm đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ. Sau cuộc ném bom lần thứ nhất, tháng 11 năm 1968, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc không thời hạn. Nhanh hơn những vùng quê khác, từ sức sống mạnh mẽ của đất đai, ý chí không chịu khuất phục của con người miền đất này nên ở các con sông ấy những cây cầu được khôi phục nhanh chóng đến không ngờ.

 Có cây cầu dựa vào trụ xi-măng cốt thép còn lại, hoặc bằng đá hộc xếp có rọ thép bao quanh, có chỗ trụ cầu lại ghép bằng gỗ tứ thiết néo vào với nhau bởi các móc sắt. Nghĩa là có nhiều cách ứng dụng đầy sáng tạo của lính công binh, thợ cầu, anh chị em Thanh niên xung phong và nhân dân. Mặt cầu lát ván gỗ. Thành cầu, tay vịn làm từ gỗ những đoạn thân cây nhỏ còn chưa trưởng thành, ghép nối lại với nhau dài dài qua sông. Do kết cấu chủ yếu bằng gỗ như vậy nên tất cả những cây cầu đều cong quá lên một chút của nữ tính và thế là cây cầu nào cũng mềm mại duyên dáng. Nét duyên riêng của phụ nữ Hà Tĩnh lặng lẽ hơn, ít nói hơn, đẹp hơn và hình như đều đa tình thì phải, với nét duyên ấy họ yêu trời, yêu đất, yêu người, yêu thơ văn, nhạc họa. Có nhà văn đã ví những cây cầu ấy đều mang hình chiếc lược ngà của các bà, các chị, các o chải lên dòng nước trong biếc từ nguồn ra tới biển cũng gần.

Khi đại đội tôi bỏ pháo nhận súng máy 12 ly 7, đặt trên xe Gaz 63 chở vào tận Bãi Hà, vượt qua vĩ tuyến 17, lội qua sông Bến Hải vào đánh máy bay trực thăng, phản lực tại mặt trận Quảng Trị, chúng tôi đi qua những cây cầu ấy. Rồi lúc tôi được gọi quay về Vinh chuẩn bị cho cuộc chiến đánh máy bay Mỹ lần thứ hai cũng lại qua đèo Ngang rồi xe nảy tưng tưng trên những cây cầu ấy. Khi cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của ta giải phóng tỉnh Quảng Trị bắt đầu ít ngày, Mỹ đánh phá trở lại Miền Bắc. Vào lúc ấy, trận địa đại đội tôi ở chân núi phía tây núi Quyết. Tôi còn nhớ vào chiều ngày 6 tháng 4 năm 1972, đại đội tôi nhận lệnh hành quân cấp tốc chiếm lĩnh trận địa bảo vệ cầu Già. Không đi tiền trạm, đội hình hành quân chiếm lĩnh trận địa, chuẩn bị chiến đấu để sáng ra chiến đấu được ngay. Đến bây giờ, sau gần bốn mươi năm tôi vẫn chưa lý giải được cặn kẽ tại sao lại là cầu Già mà không phải là cầu Nghèn ở phía ngoài hay các cây cầu: Cầu Cầy, cầu Phủ, cầu Họ ở phía trong máy bay Mỹ vẫn chưa đánh. Có phải vì lý do ta nhận được tin tình báo chiến lược ngày hôm sau Mỹ đánh cây cầu này hay chỉ vì cầu Già trống trải, không có dân ở gần, ngon ăn máy bay Mỹ sẽ đánh trước?…

Khoảng chín giờ tối, xe pháo đại đội tôi tới cầu Già. Địa hình trống trải sát đầu cầu có mấy lò gạch bỏ hoang từ lâu. Cách mấy trăm mét phía Tây Nam còn một vạt lớn phi lao thấp cây. Tôi đề nghị đại đội trưởng Toại cho triển khai trận địa ngay rìa vạt phi lao tiện cho lấy cành ngụy trang che mắt địch. Cán bộ chính trị vào địa phương liên hệ dân quân hợp đồng chiến đấu. A chỉ huy và các khẩu đội nhanh chóng dỡ xe, gỗ làm hầm, lán bạt, xoong nồi anh nuôi chuyển gấp từ trên xe xuống. Nhoáng một chốc đã thấy dân quân theo hàng một từ trong làng xa đi ra. Phần đông là chị em dân quân nữ. Có o nào đó vừa đào đất, xúc cát vừa hát bài tủ của Hà Tĩnh – “Vè thần sấm ngã”:

– Trốôc lại nậy hơn đuôi, bay đằng mô cũng lọt, lượn đằng nào cũng lọt. Dân quân mình …”.

Sáng sớm, một tốp A4 sáu chiếc, có hai chiếc tiêm kích F8 đi hộ tống từ phía cửa Sót bay vào. Chúng dàn đội hình lên phía trên cầu Nghèn rồi nâng độ cao từ hướng 12 bổ nhào đánh cầu ngay.

Đại đội tôi nổ súng đánh phủ đầu. Anh Toại đã từng là đại đội phó xê 3 pháo 57 ly, đơn vị hăng đánh (anh em tôi vẫn nói với nhau như vậy) nên anh chỉ huy nhạy bén, quyết đoán, chưa khi nào bị lỡ thời cơ.

Sau loạt bom nổ, khói mù mặt sông. Mỗi chiếc A4 mang sáu quả bom 250kg, cộng lượng bom mang trên cả sáu chiếc thì lượng nổ đã gần mười tấn bom, chỉ cần một quả bom nổ gần trụ cầu bằng đá hộc xếp chồng lên nhau thì cây cầu – chiếc lược kia sẽ gục xuống nhưng… cầu vẫn còn. Chiếc lược ngà vẫn cong cong chải xuống dòng sông xanh. Nhưng tay vịn hai bên thành cầu bị xô nghiêng, có mấy đoạn bị bay đi đâu mất, chắc là chìm xuống đáy sông.

Anh Toại nói: “Có mình đại đội ta độc lập bảo vệ cầu” nên việc giữ bí mật trận địa có tính sinh tử”. Anh lệnh cho các khẩu đội và bộ phận chỉ huy đều phải đi lấy lá ngụy trang bổ sung lán ở và hầm hố. Tôi cầm dao Tông đi như chạy đến gốc cây phi lao còn rậm cành ngoài Quốc lộ 1 leo lên. Vừa vung dao chặt được mấy cành thì một cô gái đứng dưới gốc cây gọi với lên:

– Anh ơi! Anh chặt ngụy trang à? Được ít cành em gom lại rồi. Xuống đi, máy bay hắn đến nữa đó!

Tôi ngừng chặt cây:

– H. đấy à? Em ở mô mà đến đây?

– Em ở Thạch Việt ra đây. Em về quê thăm mẹ ốm. Thấy bom nổ em đạp xe ra.

Tôi tụt xuống gốc cây. H. đứng bên chiếc xe đạp Thống Nhất buộc một cành phi lao nhỏ trước mặt. Tôi nói to:

– Đang đánh nhau sao em lại ra đây???

Giọng cô khản đi:

– Em ra xem anh còn sống không. Em sợ anh chết.

Tôi vờ mắng:

– Em chỉ được cái dại mồm. Chết đâu dễ thế. Chết mà dễ thì còn ai sống mà đánh nhau với tàu bay Mỹ. Thôi em về trông mẹ. Còn khâu nón bán lấy tiền nuôi mẹ nữa.

Tôi biết dân Thạch Việt làm nón nổi tiếng đất Hà Tĩnh. H. chưa về, dựng chân chống xe đạp tiến về phía tôi. Tôi hoảng hốt lùi lại sau mấy bước. H. hỏi:

– Vì sao anh lùi xa em?

H. lại tiến thêm mấy bước. Tôi lùi đứng tựa vào gốc cây:

– Em nhìn xem tóc tai anh bù xù, quần áo đầy bụi cát cứng lại, khắm khú vì mồ hôi! Em vào gần nữa là phải bỏ chạy đấy.

Em cười nước mắt ướt hàng mi. Bất ngờ H. chạy tới, hai bàn tay áp vào má tôi giọng nhỏ nhẹ như sắp khóc:

– Em chỉ cần nhìn thấy anh còn sống là đủ rồi, không đòi hỏi chi nữa. Thôi em về đây.

Chiếc xe Thống Nhất quay đầu phóng về Thạch Việt. Chân H. guồng rất nhanh. Tôi ngước mắt nhìn bầu trời, trong lòng lo lắng máy bay Mỹ bất ngờ ào tới.

Bút ký lịch sử của Đại tá – nhà văn ĐÀO THẮNG

QDND

  Từ khóa: Dọc miền Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP