– Cái thằng một nòng bỏ ngụy trang ngỏng lên chả khác đoạn cây tí nào. Có hai cái nòng kết với nhau trông oách quá.
Hai nòng lượng đạn tiêu thụ sẽ lớn phải có hai ông số năm đứng hai bên nạp đạn. Chúng tôi được giao bảo vệ cầu Thọ Tường, một cây cầu lớn nối đường sắt từ Yên Xuân sang. Ở đây không còn là những cây cầu giống chiếc lược ngà chải trên các dòng sông nhỏ chảy cắt từ Trường Sơn ra Biển Đông. Sông La tiếp nguồn nước từ hai dòng sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố. Ngàn Phố lấy nước từ Ngàn Trươi. Câu thơ: “Có nghe Ngàn Trươi thét…”, dòng thác từ trên dãy Giăng Màn, Vụ Quang ở độ cao hơn 1.000 mét lao xuống như nước trời dành nguồn nước ngọt ngào quý giá cho sông La. Đêm đêm xe Goòng từ ga Vinh theo đường sắt vẫn đi qua cầu sắt Thọ Tường vào Đức Lạc, Đức Đồng, qua La Khê vào tận ga Tân Ấp giáp giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Ở trận địa Mai Hồ, pháo hai nòng đánh hai trận. Tám nòng pháo phát hỏa, nổ rền, đạn túa lên. Mấy chiếc A4 quăng bom chuồn thẳng.
Quả đứng trong hầm pháo nói vọng lên:
– Nghe rền như bom B.52, Mỹ sợ chạy mất vía.
Đại đội trưởng Đông, Trợ lý tác chiến trung đoàn mới về thay anh Toại tính rất thẳng, phê luôn:
– Đừng có chủ quan. Mỹ nó không để yên cho cây cầu lớn này đâu. Hai đại đội chín và mười ở Bắc sông, ôm sát vào phà Linh Cảm. Có một mình đại đội ta bảo vệ cây cầu lớn này. Ở đây xa mục tiêu quá. Phải áp sát vào cầu đánh mới ra trò.
Đúng là khẩu khí của “ông thầy” trợ lý tác chiến. Tôi thấy bố trí hiện tại đúng là xa thật. Anh Đông hỏi tôi:
– Đồng chí có nhận thấy bố trí trận địa thế này khó bảo vệ được cầu không?
Tôi phụ trách bộ phận chỉ huy anh em pháo thủ vẫn gọi vui là “Tham mưu trưởng” của đại đội. Anh Đông nhìn tôi đợi câu trả lời:
– Xa anh ạ.
Anh Đông còn trẻ, hơn tôi vài ba tuổi, một cán bộ xông xáo. Tóc xoăn, da mặt ngăm ngăm đen, mũi hớt, miệng rộng, còn rất ga lăng, hay hỏi chuyện chị em. Chắc rằng đại đội trưởng báo cáo lên trên trận địa ở xa mục tiêu bảo vệ. Thủ trưởng trung đoàn có lệnh mới. Buổi chiều đích thân anh Nhâm điện qua máy hữu tuyến: Xê 8 cơ động ngay trong đêm về tác nghiệp trận địa tại nghĩa trang cạnh nhà bưu điện huyện Đức Thọ, ngay gần đầu cầu, phát huy hết hỏa lực pháo mới hai nòng giữ vững cầu đường sắt Thọ Tường nối Hà Tĩnh – Nghệ An.
Chập tối, đại đội tôi kéo pháo ra khỏi trận địa Mai Hồ. Xe Gaz 63 của đại đội, trung đoàn điều thêm đại xa Zil 157 ba cầu kéo pháo vào nghĩa địa. Trinh sát cùng với khẩu đội trưởng tìm vị trí ít mộ đào hầm pháo. Tôi đứng cạnh Đại đội trưởng Đông làm chuẩn cho các khẩu đội pháo xác định cự ly đặt pháo, bảo đảm dãn cách các hầm pháo, đại đội chỉ huy tập trung. Vốn là người của cơ quan tham mưu tác chiến, tác phong làm việc bài bản. Anh Đông chỉ cho tôi mấy vật chuẩn để tôi vẽ sơ đồ.
Vật chuẩn I: Căn nhà bẻ ghi xe lửa đầu cây cầu sắt.
Vật chuẩn II: Cây đa mé đê làng Bùi Xá.
Vật chuẩn III: Cây Bạch Đàn lớn lối vào làng Mai Hồ.
Vật chuẩn IV (Anh chưa biết chọn vật gì. Nhìn tìm một lát anh cười bảo tôi): – Lấy đầu kè mỏ chợ Hạ làm vật chuẩn IV.
Tôi bật cười, mà không dám cười thành tiếng. Con gái chợ Hạ trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa đẹp nhất vùng. Pháo mà quay về vật chuẩn mỏ kè thì dù có là sắt thép cũng đứng ngây ra mà nhìn.
Trời cho con gái đôi bờ sông La đua nhau đẹp. Họ đâu có ý ganh đua sắc đẹp làng này, thi duyên với làng kia. Ấy là trời cho người con gái nét đẹp: Khuôn mặt trăng rằm, mái tóc dài óng nuột làm to đôi mắt. Gái Đức Tân có nghề cào hến, luộc hến, rồi đãi lấy ruột, gánh một bên nước hến, một bên ruột với rau bầu đi bán rong, gái ấy người nhìn óng ả, dáng đi như múa. Gái Đức Trường đan cót cả ngày chỉ ra nắng tắm sông lúc sắp hoàng hôn, đi bước nào cũng như nàng vừa hiện ra. Gái Đức Minh làng đạo hình như cả làng o nào cũng tóc xoăn trước trán, mũi cao, nét mặt thoáng buồn như hình đức mẹ đồng trinh. Bên hữu ngạn, qua đường sắt gặp làng Bùi, làng Xá đất gái đẹp trai tài, đất của học giả trí thức, chữ nghĩa văn chương.
Buổi chiểu tối sắp đến giờ các kè mỏ ven sông đông người, hai chiếc A6 bất ngờ xuất hiện. Tốp này từ ngoài biển vào cửa Sót, lợi dụng che khuất của các đỉnh Hồng Lĩnh, vòng qua cầu Nghèn, theo quốc lộ 1, đường số 8 bay vào. Tôi nằm trong lán giật mình nghe tiếng không khí bị dồn nén rất lạ vội hô:
– Có tiếng gì lạ đấy.
Bên lán chỉ huy anh Đông đang nằm vội nhỏm dậy hô to:
– Trinh sát chú ý hướng 34 (Đông Nam).
Hải Triều gõ kẻng báo động toàn đơn vị. Quốc Tuấn đo xa đứng trực trong hố nhìn thấy máy bay xồ ra từ phía Hồng Lĩnh đo luôn:
– 40 (4.000m).
– 35.
– 30.
Anh Đông vừa chạy ra cửa lán vừa hô:
– Bắn!
Hai khẩu chưa bắt được mục tiêu. Hai khẩu, bốn nòng pháo xối đạn về phía máy bay. Các phần tử bắn chưa chuẩn. Đạn lệch về phía sau. Chiếc A6 nghiêng cánh, cái dậm (ra-đa) giữa đầu nó như cánh diều đại. Nó hất mấy chục quả bom rải ngang sông gần sát cầu. Bấy giờ mới nghe tiếng động cơ máy bay cùng với tiếng bom nhức tai, tức ngực. Chiếc thứ hai vừa nhô ra khỏi núi, nhìn thấy đạn bay chói sáng, nó khôn ngoan ngoặt theo quốc lộ số 1 bay thẳng.
Nước, bùn, cát tràn lên cao, tiếng mảnh bom giội vào thành cầu xoang xoảng nhưng cây cầu vẫn đứng vững.
Anh Đông mới về làm Đại đội trưởng, anh hay chuyện, dễ gần, thích bộc bạch tâm tư hơn anh Toại. Anh Toại tâm tư có gì khúc mắc cũng giấu sâu vào lòng, anh em chúng tôi vẫn trêu anh lấy vợ Hà Nội, bỏ không ngoài đấy sợ tay nào nó chôm mất nên ngày đêm lo lắng. Anh Đông trao đổi với Thành và tôi xem đã nên báo cáo thủ trưởng trung đoàn xin cơ động trận địa chưa. Một mình đại đội tôi bảo vệ cây cầu lớn, nếu địch tổ chức đánh mạnh có hoàn thành nhiệm vụ được không? Cả Thành và tôi đều chung ý kiến đại đội bám cầu, tám nòng pháo đánh chắc tay không ngại. Địch cũng biết cầu Thọ Tường là cây cầu đường sắt, ta vận chuyển ít. Anh Đông nói sẽ hội ý cấp ủy rồi ra quyết định.
Ngày hôm sau mấy tốp A4 quần nhau với chúng tôi. Đúng là bọn lái máy bay Mỹ ngại pháo 37 hai nòng thật. Chúng bay cao bổ nhào ném bom. Đại đội đánh chắc từng điểm xạ, tám nòng pháo bằng hai đại đội, một tiểu đoàn thiếu. Sau những trận đánh kiểu cậy đông “lấy thịt đè người”, gặp trung đoàn tôi kiên cường đánh vỗ mặt, bị “khều” rụng tơi tới, chưa hết tháng 5 năm 1972 lịch sử bảy chiếc máy bay bị hạ, có năm chiếc rơi tại chỗ. Giặc lái bị tóm sống mấy thằng, bọn này vẫn còn kinh.
Buổi tối thông tin trực báo với tôi, sở chỉ huy trung đoàn về đóng ở chợ Hạ, xã Đức Phong. Cậu mách thêm:
– Đức Phong là quê của Trung đoàn trưởng Bùi Thúc Nhâm. Cụ Nhâm lần này đem quân về bảo vệ quê hương, thế nào cũng phải ra mắt bằng một vài chiếc máy bay rơi tại chỗ.
Cánh thông tin suốt ngày ngồi trực trong hầm, lúc rỗi việc thường hay chuyện trò, khêu gợi, thóc mách tin ngoài rìa. Những thông tin kiểu ấy chúng tôi gọi là: “Tham mưu con”. Cậu thông tin nói khẽ để tôi đủ nghe:
– Cánh thông tin mười lăm “oát” có thông tin mật.
– Tin gì? – Tôi hỏi.
Cậu thông tin nói nhát gừng:
– Báo vụ nhận điện, cơ yếu vừa mã dịch xong trung đoàn mình nhận thêm hai tiểu đoàn, có tiểu đoàn anh hùng Nguyễn Viết Xuân. Nhận cả tên lửa vác vai A72. Lực lượng thành năm tiểu đoàn với tay ra tận cầu Giát phà Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, cầu Cấm, và phà Sỏi, Đô Lương.
Cậu ta nhìn tôi cân nhắc:
– “Cụ Nhâm” tin tưởng xê 8 mình điều về bảo vệ bến Tam Soa – phà Linh Cảm quê hương “cụ”.
Tôi nói xẵng:
– Các cậu trực thông tin phải giữ bí mật chứ. Những tin tức này lọt ra ngoài, Mỹ nó cho ăn no đòn bom đạn đấy nghe chưa!
Cậu ta cười:
– Ấy cũng là một cách báo cáo với anh thôi chứ.
Tôi tựa vào thành hố cá nhân thấy lòng lắng lại. Xê 8 của chúng tôi sau mấy tháng lồng như ngựa ô trên dọc đường 1, đường 15 sẽ lại quay về với sở trường chốt bảo vệ mục tiêu cùng đại đội chín, đại đội mười tiểu đoàn 25. Cuộc chiến đấu sẽ ác liệt, nhiều hy sinh, mất mát. Rất có thể một đoạn khốc liệt như bám chốt bảo vệ Bến Thủy năm 1968. Tôi đứng lên mặt hầm nhìn dòng sông La. Chỗ tôi đứng không nhìn thấy những con kè mỏ giữ bờ đê vùng hữu ngạn. Tôi nhìn rõ cây cầu sắt giống một cây thước kẻ cực lớn vạch một đường ngang vút qua sông La.
Tôi nhảy khỏi mặt hố định ra phía đường tàu thì nhìn thấy một cô bé. Có lẽ cô bé học sinh này đứng đó đã lâu.
Cô bé lên tiếng:
– Chú, à anh ơi cho cháu vào xem khẩu pháo với!
– Người ta không cho xem đâu, bí mật quân sự cháu rõ không!
Cô bé tần ngần:
– Em thấy loại ni bắn cả hai nòng.
Tôi cười nhìn cô gái nhỏ bắt đầu bước vào tuổi dậy thì cao nhong nhỏng. Cô mặc bộ quần áo đen, tóc kẹp ngang lưng, mặt trái xoan, đôi mắt to đen, thông minh, cái nhìn ngơ ngác.
– Cháu học lớp mấy rồi?
– Em học, (vẫn em) lớp bảy, cấp hai ở làng Bùi Xá.
Tôi nghĩ nhanh, cái làng này nhiều văn nhân, trí thức đây.
– Bố em làm gì? – Tôi hỏi.
– Bố em là tác giả viết kịch dân ca
– Thế em ra đây xem pháo để làm gì?
Cô bé bẽn lẽn:
– Em định học bố viết một hoạt cảnh dân ca về trận địa các anh!
Thật là bất ngờ. Tôi nắm tay em, dẫn sang hầm cá nhân Thành đang đứng, rồi dẫn vào hầm pháo khẩu đội ba của khẩu đội trưởng Quả. Tôi không rõ em có viết cái kịch dân ca ấy không. Có một sự thật bạn đọc có tin không, mấy chục năm sau gặp lại em bé đã thành “nàng Kiều”, đã sáng tác và viết gần một chục cuốn sách khảo cứu, kịch dân ca về vùng đất này.
Bút ký lịch sử của Đại tá-nhà văn ĐÀO THẮNG
QDND