Tuỳ bút Quê hương

Dọc miền Hà Tĩnh (kỳ 4)

Trung đoàn ta đã bắn rơi tại chỗ hai máy bay Mỹ đúng ngày sinh Bác Hồ. Tôi nhắc chỉ huy các đơn vị, trinh sát, đo xa, thông tin, pháo thủ toàn cụm phải cảnh giác cao độ, đề phòng địch tổ chức đánh lớn vào cầu và đội hình đơn vị ta.

hatinh24h

Anh Nhâm nói trong máy giọng rất vui:

Tôi nhắc Hải Triều dùng ống nhòm quét các vầng mây. Bỗng Triều hô to:

– Tốp A4 bay trên đầu cồn mây hướng 12 (tây bắc).

Bọn A4 ranh ma bay vào theo cửa Sót, nấp vào mây phía dãy Hồng Lĩnh, vòng lên dãy Thiên Nhẫn, chếch sang dãy Giăng Màn, định đánh úp cả cụm một vố to.

Anh Toại giọng khàn khàn:

– Các khẩu đội quay pháo hướng 32 (tây nam) bắt mục tiêu.

Tiếng anh Nhâm dõng dạc:

– Xê 8, xê 4 đánh máy bay bổ nhào bảo vệ pháo 57mm.

– Xê 1, xê 3, xê 6 (pháo 57mm) đánh ngay khi A4 bắt đầu bổ nhào!

Máy bay A6 chuẩn bị công kích mục tiêu mặt đất.

Chiếc A4 từ trong mây vọt ra. Trời đã ngả sang chiều, mặt trời chói gắt ở phía Tây. Chiếc A4 bổ nhào vào xê 1 pháo 57mm ở bờ phía Nam sông. Toàn cụm nổ súng, nó vẫn lao xuống. Lửa bom bùng lên phía đại đội một. Tôi nhắc Huấn:

– Tìm chiếc thứ hai!

Huấn hô to:

– A4 đầu cồn mây hướng số 2 lợi dụng mặt trời bổ nhào.

Anh Toại hỏi gắt:

– Nó đâu? Nó ở chỗ nào? Chỉ thị mục tiêu chính xác vào.

Tôi chỉ thị:

– Vật chuẩn ba (cây phi lao cụt ngọn) thẳng lên cồn mây trắng. Ba A4 chuẩn bị bổ nhào.

Tôi hô tiếp:

– Máy bay A4 bổ nhào sâu.

Đại đội tôi nổ súng. Đại đội 4 pháo hai nòng tung một điểm xạ vừa. Chiếc A4 vẫn lao xuống. Thằng này quỷ quyệt thật, bổ nhào từ phía tây loại một phần hỏa lực pháo 37 có uy lực trong đánh bổ nhào.

Đại đội 3 pháo 57 lại bị thương vong. Anh Lũy, chính trị viên đại đội 1 pháo 57 bị mảnh bom vào trán, hy sinh. Trong cụm loan đi câu hỏi: “Hay là đại đội 3 bị địch theo dõi chỉ điểm? Ở trận địa nào cũng bị đánh. Trận nào cũng có bộ đội hy sinh”. Tôi vào sở chỉ huy. Anh Toại nghe máy xong buồn buồn thông báo:

– Đỗ Bá… ở đại đội 3 pháo 57mm là tiểu đội trưởng tiểu đội trinh sát đang bồi dưỡng làm B phó chỉ huy bỏ đi sau trận đánh. Cậu Q cán bộ đại đội từ đoàn Hoa Lư chiến đấu tại Vĩnh Linh mới bổ sung về cũng biến mất. Ngày vui lớn của toàn Trung đoàn xen vào một vài nỗi buồn. Anh em nói rằng Q lên một xe vận tải dân sự chạy ra miền ngoài.

Buổi tối, bà con xã Thạch Thượng và các xã lân cận tràn ra trận địa mừng chiến công trong ngày sinh nhật Bác. Bà con mang ra bí đỏ, bầu dài, rau dền, cà tím. Các o dân quân khiêng ra cả hai nồi cháo gà cỡ đại còn bốc hơi. Các o múc từng bát đưa tận tay các pháo thủ đang trực ban chiến đấu trên mâm pháo. Đại biểu đảng và chính quyền địa phương các xã quanh vùng mang quà đến từng trận địa úy lạo bộ đội. Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính Hà Tĩnh qua điện thoại gửi lời chúc mừng chiến thắng tới Trung đoàn trưởng Bùi Thúc Nhâm và Chính ủy Lê Kim Tuyên. Trận địa vui như một ngày hội lớn, ngày hội của tình quân dân mừng chiến thắng trong ngày sinh nhật Bác.

Phần III: Về miền sông La

Trung đoàn trưởng Bùi Thúc Nhâm thay mặt đảng ủy, thủ trưởng trung đoàn khen ngợi và chúc mừng chiến công bắn rơi tại chỗ hai máy bay Mỹ trong ngày sinh nhật Bác 19 tháng 5. Đó là một sự kiện trọng đại trong lịch sử truyền thống của trung đoàn pháo cao xạ Đống Đa. Chiến công đặc biệt vinh dự trong chuỗi chiến công làm nên “bốn nhất” của trung đoàn. Anh Nhâm rất vui, nói qua máy điện thoại:

– Quân và dân Hà Tĩnh có vinh dự hai lần bắn rơi máy bay Mỹ trong ngày sinh nhật Bác. Ngày 19 tháng 5 năm 1965, tiểu đoàn pháo cao xạ Bình Hà của tỉnh cũng hạ một chiếc máy bay. Lần này trung đoàn ta bắn rơi tại chỗ hai chiếc, mở đầu cho chiến công rực rỡ tháng 5.

Buổi tối, toàn cụm lật cánh sang cầu Đông phía tây thị xã. Sáng ra đánh một trận tập trung hỏa lực mạnh mẽ. Tốp F4 bỏ cầu quay ra công kích trận địa đại đội sáu pháo 57mm. Máy bay không dám bổ nhào xuống sâu. Bom nổ bên ngoài trận địa. Chiếc F4 diễu võ dương oai một lúc ở vòng ngoài rồi chuồn ra biển.

Anh Tình, Trung đoàn phó trực chỉ huy chủ trương chia nhỏ cụm phục đánh máy bay ở những cây cầu nhỏ còn nguyên vẹn. Đại đội tám chúng tôi về Khe Giao ngã ba đường 15 rẽ vào phà Địa Lợi, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Anh Tình chỉ huy hai đại đội phục ở cầu Sông. Ngày 28 tháng 5 năm 1972. Chiều muộn đánh một trận phục kích bất ngờ, chỉ bằng 27 viên đạn bắn rơi tại chỗ chiếc A4E. Giặc lái nhảy dù bị bắt sống trong vườn nhà cụ thân sinh anh hùng Lý Tự Trọng.

Trước đó mấy hôm, tiểu đoàn hai của trung đoàn bảo vệ phà Bến Thủy, đại đội hai chốt trên đỉnh 102 núi Quyết, cùng một số đơn vị bạn đánh trả trận tập kích lớn của máy bay Mỹ vào Vinh – Bến Thủy. Trong hai phút bắn rơi ba máy bay Mỹ. Có hai chiếc rơi tại chỗ. Chiếc A4E rơi cắm đầu xuống khu nhà máy gỗ, ngay gần cột đèn công nhân nhà máy Diêm Bến Thủy treo cờ Đảng năm 1930.

Tháng 5 năm 1972, tại bến phà Nam Đàn quê Bác Hồ, một phần của cụm Trung đoàn bắn rơi tại chỗ chiếc F4C. Các anh ở Ban Trinh sát Trung đoàn theo hướng nó rơi, lấy được một mảnh bục ra từ bụng chiếc F4 từng khuynh đảo bầu trời. Và tháng 5, hai đơn vị trực thuộc Trung đoàn: Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân anh hùng và một tiểu đoàn cao xạ Nghệ An bắn rơi một máy bay Mỹ. Những chiến công đó làm nêm chuyện thần kỳ Đoàn Đống Đa (E233) trong tháng 5 năm 1972 bắn rơi 7 máy bay Mỹ, trong đó có 5 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 2 giặc lái, tiêu diệt nhiều tên khác.

Đại đội tôi tách khỏi cụm phục kích ở Khe Giao. Đánh mấy trận, trên lại điều theo dọc đường 15 phục đánh tại khe Út. Chúng tôi qua Đồng Lộc-một trọng điểm khốc liệt thời kỳ Mỹ ném bom hạn chế năm 1968. Năm 1972, cuộc ném bom lần thứ hai dưới thời Tổng thống Mỹ Ních-xơn, cuộc chiến ác liệt trở về với ba bến phà được gọi là “Tam Giác Lửa”: Bến Thủy, Linh Cảm, Nam Đàn. Ý đồ của cơ quan tham mưu đã rõ, đưa dần đại đội tôi trở về với đội hình tiểu đoàn 25, về miền Sông La. Sông La đã in bóng hình vào biết bao nhiêu bài hát, bản nhạc và thơ văn. Có một câu hát: “ Em chưa một lần đến sông La mà yêu mà nhớ”. Chúng tôi cũng vậy, những chàng trai lính ở một binh chủng kỹ thuật tối thiểu phải có văn hóa hết cấp hai, ngày nay chúng ta gọi là trung học cơ sở, nhiều cậu tú và những chàng sinh viên chưa học qua nửa chương trình đại học, cả cái đám sĩ tử ấy dù đã lăn lộn trong lửa đạn thì vẫn giữ lại một góc nào đó chút lãng mạn.

Đại đội tôi chiếm lĩnh trận địa thôn Mai Hồ trên cánh đồng bà con đang trồng lạc. Tất nhiên một đại đội trưởng đánh nhau vỡ mặt như anh Toại và một đám trinh sát già giơ, khôn ngoan như chúng tôi không bao giờ đem trận địa đặt tơ hơ giữa ruộng, giữa trời để bọn A4, A6 bay qua nhìn thấy tức mắt són xuống một vài quả bom. Phải dịch về phía mé vườn nhô ra mấy cây lê-ki-ma (cây trứng gà). Tôi không hiểu tại sao tại Bến Tam Soa đầu Tùng Ảnh kéo dài theo bờ đê qua chợ Hạ đến tận Mai Hồ khi ấy người ta lại trồng nhiều cây trứng gà đến thế. Các vườn trứng gà xanh ngút ngát bên sông La trong xanh. Xuân Thành bạn tôi, khẩu đội trưởng khẩu đội ba, lên trung đội phó, sau đợt sống chết với những cây cầu dọc miền Hà Tĩnh được giao làm trung đội trưởng. Khẩu đội ba của Thành, cậu Quả khẩu đội trưởng khôn ranh, còn xê dịch hầm pháo vào tý chút, sát vào mấy cây ổi, quả đang mùa chín. Tay Quả khẩu đội trưởng nháy tôi:

– Tối nay ít máy bay, ông “Tham mưu trưởng” xuống đây ăn ổi và chén lạc luộc với cánh tớ nhé!

Bãi lạc mới dỡ củ, thân dây bà con đánh thành đống gần bờ vẫn còn xanh, Quả cho quân bốc về rải đầy bên ngoài thành công sự pháo. Thành vừa sửa cái hầm cá nhân, vị trí chỉ huy của trung đội trưởng ngẩng lên gọi tôi:

– Tối nay ta ra tắm sông La, một bữa tắm tiên. Đợi mình nhé!

Trời chưa tối hẳn, trừ mấy anh trực ban chiến đấu, đám trinh sát, thông tin, đo xa cùng mấy cậu pháo thủ khẩu đội ba ra tắm sông La. Đời lính phòng không tắm táp khi nào cũng vội sợ máy bay phản lực nó ào đến nhanh hơn tiếng động cởi lổ (cởi truồng) ôm quần chạy về. Thế mà hôm nay gọi nhau, rủ nhau kéo quân đi tắm sông La. Có cái gì đó như một sự khám phá đầy vẻ bí ẩn, trân trọng. Đi hàng một trong con ngõ nhỏ dài lên đê, hai bên chuối tây trồng dầy cây lá che kín trên đầu. Tôi và Thành đi trước, Thành cao to, cân đối, da đen sạm nắng gió, đôi mắt sáng, khuôn miệng nhỏ xinh như miệng con gái. Lên hết dốc đê, một cảnh tượng đẹp đến mê hồn hút lấy toàn bộ tâm trí chúng tôi. Chưa vào mùa lũ miền Trung nhưng nước từ nguồn vẫn dồn về dòng sông, dâng tràn đầy đặn. Sông hướng về nguồn chếch hướng tây, ánh hoàng hôn từ phía ấy tan ra lan dần về đỏ sẫm mặt sông. Trên những đập kè mỏ bà con ra tắm rất đông. Dọc bờ đê sông cách mấy trăm mét lại có một kè đá vươn ra vuông góc với bờ, vừa cản vừa đẩy nước ra, ngọn nước không xói vào chân đê. Những con kè mỏ rất tự nhiên thành bến tắm của các làng Mai Hồ, Chợ Hạ, Tùng Ảnh, về phía dưới xuôi có bến Bùi, Bến Xá. Mỗi con kè có đến hàng trăm người xuống tắm. Gần sát bờ các bà, các chị để cả quần áo ngồi quay mặt sang hai phía, chân duỗi vào nước sông. Bọn trẻ con chạy dọc mặt kè lát đá phẳng nô đùa, thỉnh thoảng lại lao ùm xuống nước. Tiêu điểm của mỗi con kè là các cô gái sông La, họ ngồi xúm vào nhau ngoài tận mỏ kè, ra tới một phần ba sông La. Các o bỏ áo đông xuân trắng chung vào nón, hồi đó có chiếc áo dệt kim Đông Xuân trắng đã diện lắm rồi. Chân dầm nước trong vắt, quần đen vén lên, các o mặc coóc-xê trắng, da thịt nõn nà soi trong nước biếc. Họ không đùa nghịch, trêu chọc nhau, những bờ vai tròn, những eo lưng thon trắng muốt kề nhau, thỉnh thoảng mới thấy một o quay lại nhìn đám lính bơi sầm sầm, té nước vào nhau tung tóe. Xuân Thành, một tâm hồn nhạy cảm, đôi lúc làm thơ, hai đứa chúng tôi đứng quay mặt vào nhau, Thành nói với tôi:

– Bầu trời hoàng hôn, nước sông trong vắt, gió mát hây hây, tắm mát như thế này làm gì con gái sông La chả đẹp như tiên.

Quả đến gần chúng tôi giọng như lệnh vỡ:

– Hai ông bơi giỏi, lặn giỏi, làm một hơi đến tận nơi xem các o đang mần chi?…

Tôi bật nửa người lên trên mặt nước cười khoái chí:

– Được. Tớ làm nhé. Cấp trên có phê bình cậu chịu thay cho tớ nhé.

Tôi vờ lặn xuống, nằm im sát đáy sông La rất lâu.

Bút ký lịch sử của Đại tá – nhà văn ĐÀO THẮNG

QDND

  Từ khóa: Dọc miền Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP