Địa Chí Hà Tĩnh

Đất Trung Lễ “dụng võ”, “phát văn”

Truyền thống yêu nước đánh giặc

Nói đến làng Trung Lễ (Đức Thọ) là nhắc tới một vùng đất có nhiều cử nhân, tiến sĩ, danh nhân nổi tiếng. Hầu hết những người thành đạt ở làng quê này đều là con nhà nông nghèo khổ nhưng thông minh, nghị lực phi thường.

Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu sử học thì xã Trung Lễ thời xa xưa còn có tên là Cổ Ngu (còn gọi là Kẻ Ngù) với câu ca dao truyền miệng:

“Dù ai có béo như tru (trâu)

Về ở Kẻ Ngù vẫn tóm như dam (cua)”

Lời ca dao mộc mạc ấy cho thấy đất này khó làm ăn, nên dân chúng luôn gầy gò, lam lũ. Tuy đất nghèo nhưng người dân giàu lòng yêu nước, mọi thuần phong mỹ tục luôn được vun đắp và gìn giữ. Làng Trung Lễ xưa có 4 thôn: Đông Khê, Thụy Vân, Trung Lễ, Thượng Ích (thuộc Cổ Ngu) – tổng Văn Lâm, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, nay là huyện Đức Thọ.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình chúc mừng các thủ khoa đại học

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình chúc mừng em Trần Văn Cường (quê xã Trung Lễ, Đức Thọ) là học sinh THPT Trần Phú đã giành thủ khoa ĐH bách khoa TP Hồ Chí Minh trong kỳ thi ĐH vừa qua

Nhưng nếu nhìn tổng thể, vị thế làng Trung Lễ vẫn có những yếu tố thuận lợi trong giao lưu, thông thương với cộng đồng. Bởi phía Đông là Bình Hồ, hành dinh của Trùng Quang đế – hậu Trần. Bên kia tả ngạn sông Lam là Triều Khẩu – Phúc Lộc (Hưng Nguyên – Nghệ An) – lỵ sở của trấn Nghệ An (đời Trần), Ty Thừa chính và Ty Hiến sát (thời Mạc). Có khu chợ Tràng buôn bán sầm uất, trên bến, dưới thuyền, lại có trường thi Hương (sau dời về Vĩnh Doanh, Yên Trường, tức TP Vinh ngày nay).

Ông Lê Trần Sửu – người khá am tường về mảnh đất khoa bảng này phân tích: “Làng lấy tên Trung Lễ từ xưa, không rõ đời nào. Trung là trung hiếu, lễ là lễ nghĩa. Cũng chưa kê cứu được ý nghĩa, nhưng đạo đức nho giáo đã hòa vào truyền thống. Làng mạc, thiên nhiên ngàn đời tỏa ánh hào quang lên đời sống văn hóa, tinh thần các thế hệ, tạo thành một tính cách nổi bật của người dân Trung Lễ – tinh thần dân tộc, luôn vì nghĩa lớn”.

Dẫu qua bao biến cố lịch sử, nhưng những dòng thơ làm rạng danh tên người, tên đất đã đi vào tâm khảm và trở thành niềm tự hào:

“Bóng tà tà Giang Đình nguyệt xế

Cờ rỡ ràng Trung Lễ gió cao”.

Sử sách còn ghi lại: đời Trần, dân Trung Lễ theo Trần Trùng Quang rồi theo Lê Lợi “nếm mật, nằm gai”, thao binh luyện khí, anh dũng chống quân Minh. Hai nhân vật tiên phong của làng là ông Tiền, ông Hậu đã vận động, tập hợp nhiều trai tráng tụ nghĩa dưới cờ Bình Định vương ở núi Phù Lê.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, Trung Lễ là nơi đầu tiên hưởng ứng mạnh mẽ phong trào Cần vương kháng chiến. “Tháng 8/1885, dân làng phụng nghinh chiếu chỉ tại đình Trung Lễ. Lập đại đồn nghĩa quân ở 3 xóm: Đình, Ràn, Trại; số nghĩa quân được chiêu tập lên tới gần 1.000 người, 3 trai lấy 2, 2 trai lấy 1”. Nhờ “tướng sĩ một lòng phụ tử” nên mọi kế hoạch binh lược được triển khai nhanh chóng, an toàn. Có lò đúc khí giới, có bãi luyện tập quân, trường tập bắn. Tướng lĩnh trong làng thời đó có Hải Diên, Lê Trực và các ông: Trần Cáp, Trần Cát, Lê Phất. Ngày 2/11/1885, nghĩa quân Trung Lễ bí mật tấn công vào thành Hà Tĩnh, bắt gọn và xử tử Bố chánh Lê Đại, thu toàn bộ khí giới và tiền bạc, ngựa voi…

Ngọn lửa Cần vương của làng Trung Lễ kéo dài cho tới năm 1886 mới bị dập tắt, song tinh thần yêu nước lại tiếp tục nhen lên ở các thế hệ nối tiếp. Các thủ lĩnh như: Lê Văn Huân, Lê Võ, Lê Cần, Lê Em Tán bắt đầu nhen nhóm những tổ chức cách mạng mới như: Duy Tân, Hưng Nam, Tân Việt. Đặc biệt, cụ Giải nguyên Lê Văn Huân là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến tầng lớp trí thức cách mạng ở Nghệ Tĩnh thời bấy giờ.

Hiền tài sinh trưởng từ đất nghèo

Sự nghiệp đèn sách của người dân Trung Lễ không chỉ là niềm tự hào của quê hương Đức Thọ mà của cả Hà Tĩnh. Từ đời Lê, làng Trung Lễ đã có tiến sĩ khai khoa. Bước sang đời Nguyễn, làng có 2 người đậu giải nguyên, cử nhân và tú tài. Năm 1900, tại cuộc thi Hương diễn ra ở kinh thành Huế, trong hàng trăm sĩ tử có 2 người làng Trung Lễ tham dự là ông Lê Triện và Lê Cự đều đạt. Năm 1918, khoa thi Hán cuối cùng tại làng này đã có một người đậu tiến sĩ.

Nói đến các bậc tài danh người Trung Lễ đóng góp quan trọng cho thành tựu khoa học nước nhà, không thể không nhắc tới Tiến sĩ – Giáo sư Lê Văn Thiêm (1918-1991). Ông là chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Việt Nam.

Đất Trung Lễ “dụng võ”, “phát văn”

Giáo sư Lê Văn Thiêm. Ảnh: internet

Lê Văn Thiêm là người đặt nền móng cho nền giáo dục đại học ở nước ta, là người thầy của nhiều thế hệ toán học Việt Nam. Giáo sư Lê Văn Thiêm luôn quan tâm đặc biệt đến việc giảng dạy toán học ở các trường phổ thông. Ông là một trong những người sáng lập hệ thống phổ thông chuyên Toán và tờ báo Toán học và Tuổi trẻ. Lê Văn Thiêm đã được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Vào những năm cuối của thế kỷ XX và thập niên đầu thế kỷ XXI, một người con của quê hương Trung Lễ lại đem hết tâm sức và trí tuệ cống hiến cho lĩnh vực khai thác dầu khí nước nhà – ông Trần Lê Đông, nguyên Tổng Giám đốc Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt – Xô Vietsovpetro. Tốt nghiệp đại học về ngành hóa dầu tại Ba Cu (Liên Xô), năm 29 tuổi, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ. Sau khi về nước, ông say mê nghiên cứu và là một trong những người đầu tiên tham gia thăm dò, khai thác dầu khí thành công. Vừa làm việc, ông vừa bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học. Trần Lê Đông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.

Không ít người ở làng Trung Lễ hiện đang làm việc trong nước hoặc nước ngoài đều phát huy được tố chất thông minh và tài năng vốn có. Nhiều người là kỹ sư, bác sĩ, kiến trúc sư đã có nhiều đề tài ứng dụng trong cuộc sống. Những năm gần đây, làng Trung Lễ có tỷ lệ học sinh đậu đại học và cao đẳng cao nhất tỉnh. Trong đó có những thủ khoa nhà nghèo, thậm chí, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như em Trần Văn Cường (xóm Nam Trung) thủ khoa Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và Á khoa Đại học Y Hà Nội.

Đất Trung Lễ tuy nghèo cơm áo, song các bậc hiền tài ở đây thời nào cũng có. Gương sáng của các bậc tiền bối làm rạng danh quê hương, khuyến khích hậu duệ phấn đấu noi theo. Thành tích khoa bảng của các thế hệ người Trung Lễ không chỉ nhờ vào sự thông minh, năng khiếu bẩm sinh từ gia đình, dòng họ, mà còn từ nghị lực vượt khó, kiên nhẫn, mở rộng giao hòa với cộng đồng, khiêm tốn để tìm tòi cái mới, bồi đắp kiến thức cũ.

Nhận xét về truyền thống yêu nước và trọng chữ của làng Trung Lễ, Bí thư Huyện ủy Võ Công Hàm nói: “Người thành đạt thì nơi nào cũng có, nhưng để thành đạt tiến lên thì chưa nơi nào vượt được Trung Lễ. Kỷ cương răn dạy con cái trong gia đình và ảnh hưởng văn hóa làng là điểm tựa lớn nhất để các thế hệ tiếp tục vươn lên”.

Phan Thế Cải

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP