Sau loạt bài "Thâm nhập đường dây lao động "khổ sai" ở Nga" đăng trên Báo Người Lao Động từ ngày 19-9, đã có nhiều ý kiến bạn đọc gửi về tòa soạn. Trong đó, câu chuyện của anh Nguyễn Minh Vũ (27 tuổi, quê Trà Vinh) đã thôi thúc chúng tôi tìm gặp anh để nghe tường tận hành trình đầy ám ảnh khi từ Việt Nam sang nước ngoài làm việc.
Cử nhân đại học bị lừa qua Nga
"Khiếp sợ. Cho vàng cũng không dám quay lại". Anh Vũ đã thốt lên như vậy khi bắt đầu cuộc trò chuyện về những năm tháng lao động "chui" tại Nga.
Cuối năm 2014, anh Vũ tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP HCM với tấm bằng loại khá. Do chưa tìm được việc làm thích hợp, anh phải làm công nhân tại một xưởng may ở quận Bình Tân để trang trải cuộc sống. Trong một lần lên mạng tìm việc, anh Vũ đọc được thông tin tuyển lao động may quần áo làm việc tại Nga, lương hơn 15 triệu đồng/tháng.
Sau khi liên hệ, anh được một người giới thiệu là công ty môi giới việc làm tư vấn và cam kết chỉ tốn 15 triệu đồng để lo toàn bộ chi phí thủ tục sang Nga thời hạn 3 năm. Tiền vé máy bay, đi lại, chủ xưởng may ở Nga ghi nợ, hằng tháng sẽ trừ dần.
Đến ngày hẹn ra sân bay xuất cảnh, anh Vũ được nhận lại giấy tờ và tá hỏa khi thấy mình thuộc diện visa du lịch, thời gian 3 tháng. Tiền đã giao, anh đành phải liều. Cùng đi với anh Vũ có hơn 10 người từ khắp các tỉnh, thành ở vùng ĐBSCL.
"Đoàn chúng tôi đặt chân đến thủ đô Moscow (Liên bang Nga) khi nhiệt độ bên ngoài là -1 độ C. Sau khi làm thủ tục, chúng tôi được một vài người Việt Nam đón lên một chiếc xe 16 chỗ bít bùng. Ngồi trên ai cũng có cảm giác bất an, sợ hãi" - anh Vũ nhớ lại.
Xe dừng lại ở khu nhà xưởng rộng chừng 2.000 m2, lối vào có nhiều sợi xích và ổ khóa. Tầng trệt có hơn 40 máy may và vải chất thành đống. Tầng 2 là nơi ngủ nghỉ của các công nhân.
Vừa đặt ba lô xuống, anh Vũ được chủ xưởng có tên Phạm Công Minh đưa một bảng hợp đồng đề nghị ký vào. Trước hàng loạt quy định quá khắt khe khác với cam kết của những người môi giới tại Việt Nam, anh lên tiếng phản đối. Ngay lập tức, ông Minh yêu cầu đưa 5.000 USD tiền vé máy bay và thủ tục môi giới. Vũ đành nhắm mắt ký vào tờ hợp đồng.
Ngày hôm sau, anh Vũ được giao một bàn may để bắt đầu công việc. "Mỗi ngày làm việc từ 6 giờ 30 phút đến hơn 0 giờ hoặc 1 giờ sáng hôm sau, chỉ được nghỉ 30 phút/lần để ăn cơm trưa, chiều. Những người làm việc lâu năm ở đây may giỏi nhất cũng chỉ 10 bộ quần áo/ngày, tiền công tính ra tiền Việt Nam chừng 300.000 đồng; những người không thạo việc may chừng 2-5 bộ/ngày. Hằng tháng trừ phí ăn ở, tôi dư từ 1,5-2 triệu đồng nhưng thời gian đầu phải trừ nợ tiền vé máy bay, coi như làm không công. Suốt hơn 1 năm, tôi không dư đồng nào" - anh Vũ cho biết.
Công nhân Việt Nam nhập cư bất hợp pháp lao động tại nhà xưởng ở Nga Ảnh: G.Đ |
Quyết tâm trốn chạy
Hơn 1 năm rưỡi sinh sống tại xưởng may không được phép ra đường nửa bước, làm việc quần quật từ sáng đến tối như cỗ máy, anh Vũ quyết tâm lên kế hoạch bỏ trốn. Để có thể giao tiếp với người bản xứ khi ra khỏi xưởng, anh Vũ lên mạng học tiếng Nga, kết bạn với nhiều người bạn sống ở Nga. Từ những người này, anh được hướng dẫn cách đi xe buýt, tàu lửa để có thể từ khu xưởng vào thẳng trung tâm Moscow. Khó khăn nhất với anh là hàng rào xung quanh che chắn rất kỹ; ngoài ra, khi làm tại xưởng không được nhận tiền lương mà ký vào sổ đến ngày về mới trả.
"Ở đây, những người làm việc lâu năm được chủ xưởng cho 1.000 rúp dẫn ra siêu thị mua sắm đồ ăn thêm vào mỗi dịp lễ và Tết. Tôi làm quen với họ, xin ít tiền nói là để dành làm kỷ niệm. Sau vài tháng, tôi có trong tay hơn 500 rúp, đủ để đi xe vào nơi cần tìm" - anh Vũ tâm sự.
Cuối năm 2015, khi một phần nhà xưởng được đập bỏ để xây dựng thêm, anh Vũ giả bệnh, nằm ngủ trên tầng 2. Đến giữa trưa, anh xuống dưới đi vệ sinh rồi bỏ chạy, không đem theo bộ quần áo nào. Anh lao thẳng vào khu rừng phía sau nhà xưởng, chạy hơn 30 phút mới dùng điện thoại để mở ứng dụng bản đồ tìm hướng thoát thân. Cứ thế, anh lần mò cố tìm ra đường lớn đón xe buýt. Đi hơn 2 giờ vẫn không tìm ra được đường lớn vì toàn tuyết, lạnh cóng và mỏi mệt khiến anh gần như kiệt sức. Đến lúc đói lã, anh phải trộm trái cây từ một xe chở hàng đậu ven đường lớn. May là cuối cùng, anh cũng đến được chỗ hẹn, được những người bạn quen biết nhanh chóng dẫn đến trụ sở cảnh sát.
Do trước khi rời xưởng, anh đã chụp lại vị trí nơi làm việc cung cấp cho cơ quan chức năng nên qua thẩm vấn, anh được tạm giữ tại khu dành cho người nhập cư bất hợp pháp và được trở về nước sau hơn 1 tháng ở đây.
"Sống như trong địa ngục, có người làm hơn 3 năm mà khi về nước chỉ có vài trăm ngàn đồng trong người nhưng công nhân ở đó không dám bỏ trốn vì không biết tiếng Nga và nếu bị phát hiện, sẽ bị đánh đập" - anh Vũ cho biết thêm.
Hiện tại, anh Vũ làm nhân viên phục vụ tại một quán ăn, trừ chi phí ăn uống, sinh hoạt, mỗi tháng anh còn dư hơn 1,5 triệu đồng. Số tiền tương đương sang Nga làm lao động "chui" sau khi đã trả nợ vé máy bay, thủ tục.
Tác giả: Nhóm phóng viên
Nguồn tin: Báo Người lao động