Sự quan tâm của hệ thống chính trị
Để nhường chỗ cho các dự án kinh tế về với địa phương, góp phần làm thay đổi bức tranh cuộc sống trên vùng đất khắc nghiệt, Kỳ Lợi có 1.235 hộ dân phải di dời. Công tác vận động người dân về nơi ở mới đã được thực hiện từ tháng 8/2013 nhưng trước đó, để ổn định cuộc sống cho bà con, hệ thống cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm… đã được đầu tư xây dựng đầy đủ.
Hiện đã có 1.044 hộ bốc thăm và trong số đó, hàng trăm hộ đã an cư trên vùng đất mới. Theo cha mẹ lên khu TĐC, hầu hết học sinh ở các cấp học ở Đông Yên – Kỳ Lợi cũng đã bắt đầu quen với trường mới, bạn mới.
Tuy nhiên, do một số gia đình vẫn chưa kiểm đếm, chưa nhận tiền đền bù nên đã gây sức ép với chính quyền địa phương bằng việc không cho con em lên học tập trên vùng TĐC. Vì thế, hiện tại vẫn còn 80 học sinh bậc tiểu học và 52 học sinh THCS vẫn chưa được đến trường.
Cơ sở khang trang của Trường THCS Kỳ Phương. |
Thầy Nguyễn Hữu Sum – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh cho biết: “Ngoài sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo huyện và cả hệ thống chính trị, ngay từ tháng 2/2014, Phòng đã có thông báo về việc chuyển học sinh mầm non, TH, THCS ở thôn Đông Yên đến học tập ở khu TĐC. Từ đó đến nay, cùng với phương án, công văn của huyện… công tác tuyên truyền cũng đã được thực hiện rộng rãi trong cán bộ, giáo viên và phụ huynh. Chúng tôi cũng chỉ đạo Trường THCS Kỳ Phương ưu tiên lớp học, bố trí chỗ ngồi và các điều kiện khác nhằm đảm bảo tốt nhất việc học cho các em học sinh mới chuyển đến”.
Thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo ấy, Trường THCS Kỳ Phương đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để đón các em học sinh từ Đông Yên lên vùng TĐC. Thầy Nguyễn Đình Tứ – Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Phương cho biết: “Giáo viên chúng tôi hầu hết không có thời gian nghỉ hè. Kỳ nghỉ vừa rồi chủ yếu dành cho việc đến từng gia đình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tìm hiểu hoàn cảnh của các em để có sự động viên giúp đỡ kịp thời, đồng thời tạo mối quan hệ gắn kết giữa gia đình – nhà trường nhằm dành cho các em một môi trường giáo dục tốt nhất”.
Giờ Tin học của cô trò Trường THCS Kỳ Phương. |
Cùng với sự vào cuộc của các thầy cô giáo trong công tác tuyên truyền, sự đầu tư hàng tỷ đồng để củng cố cơ sở vật chất của chính quyền địa phương, ban chấp hành hội phụ huynh học sinh cũng đã được kiện toàn và bầu thêm phó hội trưởng là phụ huynh học sinh vùng tái định cư để kịp thời có sự khâu nối trong mọi hoạt động.
Trong những ngày đầu tháng 9/2014, sau khi có cuộc đối thoại giữa UBND huyện với phụ huynh ở thôn Đông Yên xã Kỳ Lợi (những gia đình chưa hoàn thành việc di dời lên nơi ở mới) về việc đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện cho con em được đến trường học tập, UBND huyện đã quyết định trích kinh phí gần 100 triệu đồng/tháng hợp đồng 2 xe ô tô đưa đón miễn phí 132 học sinh bậc TH và THCS đến những điểm trường mới. Thời gian thực hiện được bắt đầu ngay từ buổi học đầu tiên sau lễ khai giảng (ngày 8/9) và việc đưa đón này kết thúc chậm nhất đến học kỳ I năm học 2014-2015 (thời gian theo lộ trình hoàn thành việc di dời tái định cư các hộ). Dù vậy nhưng 132 học sinh ở những gia đình nói trên vẫn chưa được bố mẹ đồng ý cho đến trường.
Hãy dành điều kiện học tập tốt nhất cho con trẻ!
Trong chuyến công tác về các trường học trên vùng TĐC, điều chúng tôi bắt gặp đầu tiên trên mỗi tấm bảng ghi lịch công tác của nhà trường vẫn là nhiệm vụ tuyên truyền con em đi học song song với nhiệm vụ chuyên môn. Thầy giáo Võ Văn Thanh – Phó hiệu trưởng Trường TH Kỳ Lợi cho biết: “Trường chúng tôi được đầu tư xây dựng trên khuôn viên hơn 11.000 m2 với tổng mức đầu tư gần 13 tỷ đồng, cơ sở vật chất đã sẵn sàng cho 18 lớp, nhưng nay mới có 14 lớp học. Nhìn những phòng học khang trang với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, chúng tôi lại thấy thương những em nhỏ chưa được đến trường. Vì thế, không cố định ngày nhưng mỗi tuần 3 buổi các giáo viên lại kiên trì với việc đi tuyên truyền vận động”.
Về lại Đông Yên, chúng tôi cũng được thầy Trần Văn Sỹ – Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Lợi, nơi còn một số lớp dành cho con em các hộ chưa thuộc diện di dời, chia sẻ: “Học sinh bậc TH và THCS đã lên vùng TĐC gần hết nhưng hiện vẫn còn nhiều em thuộc diện chưa đến lượt di dời nên trường phải duy trì việc dạy và học ở điểm cũ, trường tiểu học phải mượn tạm chúng tôi 5 phòng học. Trong tương lai, điểm trường này cũng sẽ giải thể theo lộ trình dự án nên cơ sở vật chất trường lớp giờ cũng đã xuống cấp. Từ đầu tháng 8 đến nay, mỗi giáo viên nhà trường cũng đã có trên chục lần đến từng nhà dân tuyên truyền vận động. Mong rằng các bậc phụ huynh thấu hiểu nỗi lòng con em mình, sớm cho các cháu lên điểm trường mới để ổn định việc học tập”.
2 chiếc xe phục vụ cho việc đưa đón các em mỗi buổi sáng vẫn đều đặn nằm chờ tại cổng trụ sở UBND xã trước ánh mắt thèm khát của mỗi học sinh. |
Cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, đội ngũ giáo viên được tăng cường đảm bảo nên với một số học sinh Kỳ Lợi, việc học tập ở trường mới là một niềm vui lớn. Em Hoàng Lê Anh Lợi – lớp 7A Trường THCS Kỳ Phương cho biết: “Bố mẹ em vẫn đang ở nhà cũ nhưng em lên đây ở với ông bà để tiện việc học tập. Ở trường mới nhưng được các thầy cô và bạn bè quan tâm giúp đỡ nên em không còn cảm thấy bỡ ngỡ, ở đây CSVC cũng tốt hơn trường cũ rất nhiều”.
Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có được niềm vui như Lợi bởi sự ngăn cấm của các bậc phụ huynh, các em vẫn chưa được đến trường. 2 chiếc xe phục vụ cho việc đưa đón các em mỗi buổi sáng vẫn đều đặn nằm chờ tại cổng trụ sở UBND xã trước ánh mắt khát khao của mỗi học sinh. Nhưng để bước chân lên xe đi học khi không có sự cho phép của bố mẹ với các em là điều không thể. Được biết, vào ngày 10/9, chuyến xe chở 1 học sinh đầu tiên đã bắt đầu lăn bánh đến trường mới nhưng cũng không hiểu lý do vì sao ngày hôm sau và hôm sau nữa, em học sinh đó đã không đến lớp.
Được học tập là quyền vô cùng quan trọng đối với con người, đặc biệt là trẻ em. Điều này đã được Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Hiến pháp, Pháp luật nước ta quy định. Vì thế, đối với việc cấm con em đến trường của không ít phụ huynh ở Kỳ Lợi đã và đang làm là trái với pháp luật, là việc làm vi phạm Luật BVCS&GD Trẻ em 2004. Cụ thể, ở Khoản 8, Điều 7 của Luật BVCS&GD Trẻ em 2004 quy định: Nghiêm cấm các hành vi trong đó có hành vi “cản trở việc học tập của trẻ em”; Khoản 1, Điều 28 cũng chỉ rõ “Gia đình, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập; học hết chương trình giáo dục phổ cập; tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn.
Xa rời nơi chôn rau cắt rốn sẽ không tránh khỏi những phút giây bịn rịn, những lo toan, nhưng việc di dời để tạo điều kiện cho các dự án trọng điểm sẽ góp phần làm cho diện mạo quê hương, cho cuộc sống, tương lai của chính mỗi người dân ngày càng khởi sắc hơn. Mong rằng các bậc phụ huynh hãy vì tương lai của chính con em mình đừng tước bỏ niềm vui được đến trường, tước bỏ quyền học tập của con trẻ. Bởi một ngày chậm đến trường là một ngày các em chậm đi một nhịp so với bạn bè cùng trang lứa.
Thúy Ngọc – Vũ Viễn