Tin

Các nhà giáo dục lên tiếng về nỗi đau 'xé đề cương môn Sử'

Trước sự việc hàng trăm học sinh của trường THPT Nguyễn Hiền, Q11(TP.HCM) xé đề cương ôn thi tốt nghiệp môn Lịch sử, PV đã phỏng vấn nhiều nhà giáo dục và chuyên gia về hành động thiếu tôn trọng môn học này của các em.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (Nguyên Thứ trưởng Bộ GD – ĐT): Lỗi do cách đánh giá học sinh!

Chúng ta không thể trách học sinh việc xé đề cương môn Lịch sử, bởi nền giáo dục hiện nay dạy học sinh thi môn nào mới học môn ấy, đây chính là lỗi căn bản của cả hệ thống. Hiện nay chúng ta vẫn đang chỉ đánh giá thời điểm bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT chứ chưa phải đánh giá cả quá trình 3 năm học, 6 học kỳ.


Vì thế khi Bộ GD-ĐT không đưa môn Lịch sử vào danh sách thi tốt nghiệp, học sinh thấy việc học 6 kỳ môn Sử là không có ích lợi gì và gạt bỏ đề cương môn học này.


Việc các bạn học sinh của trường THPT xé đề cương môn Lịch sử là đánh trách, bởi đó là hành động thiếu tôn trọng với môn học, nhưng đó không hoàn toàn là lỗi của học sinh và cũng không thể quy hoàn toàn cho học sinh được.


Việc chúng ta cần phải làm là nhìn nhận lại cách đánh giá học sinh từ trước đến nay của nền giáo dục. Cần kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá thời điểm, nghĩa là đánh giá kết quả học tập cả 3 năm học phổ thông và cả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu đánh giá cả quá trình thì học sinh phải tạo cho mình thói quen học tập và trau dồi không nghỉ, không đánh giá môn phụ – môn chính, những học sinh lười nhác thì phải chăm chỉ hơn, cố gắng hơn.


PGS.TS Hà Minh Hồng (Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM): Hành động không đáng để tha thứ!



PGS.TS Hà Minh Hồng.


Nếu đúng như báo chí đã đưa tin thì đây là một hành động không đáng để tha thứ. Việc học trò đi xé tập, xé vở thể hiện ý thức của học trò hiện nay quá kém, không khác gì người vô học. Việc đó cũng bộc lộ tình trạng “xuống cấp” của giáo dục hiện nay, dạy và học chỉ để thi, chứ không để làm gì cả. Môn nào thi thì học, môn nào không thi thì “mừng” xé bỏ sách, vở!


Nếu làm việc này thì các em không nên đi học làm gì cả! Học lên đại học hay cao đẳng… nữa để làm gì, một con người không có ý thức về việc học, không có văn hóa, không có ý thức công dân thì không thành người được! Tôi không biết cái lối đó du nhập ở đâu vào. Thật không thể bình luận gì về vấn đề này. Dù là xé tài liệu môn học nào đi nữa thì cũng là một hành động đáng trách.


Riêng về môn Lịch sử thì càng cho thấy ý thức xã hội của các em quá kém, bao nhiêu sự tuyên truyền, cố gắng của cả ngành giáo dục “đổ sông, đổ biển”. Đáng lý phải phạt luôn cả thầy lẫn trò trường đó!


TS Sử học Nguyễn Nhã: Học đối phó, dạy cũng đối phó!



TS Sử học Nguyễn Nhã.


Tôi cho rằng hành động trên của các em học sinh là không tốt. Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì do nền giáo dục của chúng ta đang hỏng ở nhiều khâu, trong đó có việc không chú trọng dạy làm người cho học sinh mà chỉ chú trọng vào điểm số. Còn học sinh thì chỉ cố học và thi để lấy điểm. Học đối phó, dạy cũng đối phó.


Tôi có đứa cháu đang học tiểu học, về nhà ba mẹ nó thường hỏi là con hôm nay được mấy điểm, và hôm nào có điểm 10 thì nó khoe và cả nhà khen. Còn cả ba mẹ nó và chính bản thân nó cũng không quan tâm đến sự nhận xét của giáo viên ghi trong học bạ. Nên đi học để có điểm cao thì chưa đủ vì thực tế chứng minh có nhiều người học điểm không cao nhưng sau này rất thành công trên lĩnh vực mà họ chọn. Quan trọng là hãy dạy giới trẻ cách làm người, niềm đam mê vào việc học tập, vào công việc chứ đừng chỉ chú trọng ở điểm số.


Thêm nữa, hiện nay trong chương trình học môn Sử, cách dạy còn nhiều vấn đề phải bàn. Sử học là môn học bắt buộc, tuy nhiên nếu đi sâu thì nên dành cho những em có niềm đam mê thực sự, còn đối với những em khác thì nên dạy những cái căn bản thôi chứ chương trình Sử hiện nay là quá nặng và quá sức đối với các em.


GS Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường THPT DL Lương Thế Vinh): Nếu tôi là giáo viên môn Sử, tôi cũng buồn!



GS Văn Như Cương.


Thực trạng việc dạy và học, chương trình giáo khoa lịch sử nói đến nhiều, học và học Sử không được chú trọng, học sinh chán, kết quả buồn. Xác định mục tiêu của môn Sử là gì, soạn lại chương trình sách giáo khoa cho phù hợp, cải thiện giảng dạy và học tập môn Sử.


Hiện tượng một trường, tôi không đánh giá cao ý kiến khẳng định thêm hay càng chứng tỏ thêm về thực trạng học dạy môn Sử, không phải chứng minh nữa. Vì đó chỉ là hiện tượng của một trường, không phải tất cả các trường. Đây là hành động bột phát của tuổi trẻ. Môn Địa thích hơn, dễ làm hơn là môn Sử. Sự hò reo mừng quá, vui quá, trạng thái dễ hiểu của học sinh. Không nên quy kết như thế là học trò vô ơn, coi thường môn Sử.


Nếu tôi là giáo viên môn Sử, tôi cũng buồn. Nhưng tôi nhìn nhận đây là tâm lý bốc đồng, bầy đàn, hò hét của HS chứ không phải ghét mình đến như vậy. Không có gì đáng cáu giận quá đáng.


Mình không nên đánh giá chuyện này như chứng cớ để thấy môn Sử bị coi nhẹ, không được tôn trọng….Tôi không cho đó là thảm kịch như mọi người cho rằng, nghiêm trọng hóa vấn đề. Biểu hiện của học trò, ví dụ thầy giáo ốm, được nghỉ học, chúng reo hò.



TS Sử học Bùi Trân Phượng (Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen): Chúng ta sai trong phương pháp dạy!


Qua sự kiện này tôi nghĩ chúng ta không nên đổ lỗi cho các em. Đây chỉ là hành động bộc phát mà hệ quả của nó là do cách làm giáo dục của ta sai. Từ việc phân bổ môn học sai, đánh giá tầm quan trọng của môn học sai…



TS Sử học Bùi Trân Phượng.


Đối với môn Sử thì do một thời gian dài chúng ta sai trong phương pháp dạy nên học sinh không có hứng thú để học môn này. Và lâu nay, mọi người mặc nhiên coi môn Sử là môn học thuộc lòng, thậm chí có người còn so sánh môn Địa lý hơn môn Sử.


Hành động này thể hiện suy nghĩ riêng của các em học sinh, chúng ta không nên đánh giá là các em thiếu ý thức công dân hay thiếu tình yêu nước. Tôi từng chứng kiến nhiều buổi học Sử, các em học rất say mê vì cách dạy của giáo viên rất cuốn hút. Cuối buổi học, các em còn vỗ tay hoan hô. Ở đây, người lớn nên nhìn lại chính mình chứ đừng gieo vào tâm hồn các em học sinh mặc cảm tội lỗi, đừng để các em tiếp tục chống chế, tiếp tục nối dối. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật của vấn đề thì mới có cách khắc phục hiệu quả.


Nhóm phóng viên Petrotimes

Petrotimes

  Từ khóa: Bộ GD-ĐT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP