Trước đó, các báo đồng loạt đưa tin, vào tối 20/5, Bộ Y tế, đã có thông báo chính thức tạm dừng lưu hành 3 lô sản phẩm thực phẩm của Công ty TNHH URC Hà Nội do có nhiễm chì, đúng như 2 kết luận ban đầu của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia.
Sau đó, đến ngày 25/3, đoàn thanh tra về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với công ty TNHH URC Hà Nội.
Tiếp theo, công ty này đã ra thông báo tạm dừng lưu hành 2 lô sản phẩm bao gồm: Trà xanh hương chanh C2, ngày sản xuất 11/1/2016, hạn sử dụng 11/1/2017 và nước tăng lực hương dâu hiệu rồng đỏ, ngày sản xuất 14/1/2016, hạn sử dụng 14/10/2016. Lý do dừng lưu thông do cả 2 lô sản phẩm này đều có hàm lượng chì vượt mức đã công bố.
Cụ thể, lô nước C2 có hàm lượng chì là 0,46mg/L, lô nước Rồng đỏ là 0,21mg/L, trong khi hàm lượng theo công bố của URC chỉ nhỏ hơn hoặc bằng 0,05mg/L. Như vậy là hàm lượng chì của C2 vượt tới… 9 lần, Rồng đỏ vượt tới 4 lần.
Nhãn hiệu C2 có kết luận một số lô có hàm lượng chì cao gấp nhiều lần |
Không nhắc đến thông tin lan truyền trên mạng với nội dung “Ai đã bán rẻ linh hồn cho URC” và vô vàng những phỏng đoán, nghi ngờ phía sau, điều cốt tử ở đây là người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm nhiễm chì của C2 bị thiệt hại mức độ nghiêm trọng thế nào, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này? URC Việt Nam trả lời thế nào về việc kết luận C2 và Rồng Đỏ nhiễm độc chì? URC Việt Nam sẽ có trách nhiệm thế nào với khách hàng, thượng đế, ân nhân của họ? Thì hoàn toàn chưa có một câu trả lời, chưa có một sự lên tiếng có trách nhiệm nào…
URC Việt Nam, đơn vị sản xuất và kinh doanh những sản phẩm bị kết luận nhiễm độc chì này vẫn tiếp tục im lặng.
Trao đổi với Infonet, Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TpHCM) cho rằng: Việc bán các sản phẩm nhãn hiệu C2, Rồng đỏ nhiễm chất độc chì (Kết luận của Thanh tra Bộ Y tế) đã xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng theo như quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo quy đinh tại Điều 8 Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng.
Luật sư Hùng nhận định “Theo tôi, người tiêu dùng và người dân nói chung khi phát hiện một sản phẩm bị lỗi xâm phạm đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng thì nên làm đơn phản ánh với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để được can thiệp và giải quyết. Ngoài ra, không nên sử dụng những sản phẩm này vì nó sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, đó cũng là cách để phản đối việc làm sai trái của doanh nghiệp”-.
“Việc doanh nghiệp vẫn im lặng trước kết luận của Thanh tra Bộ Y tế về một số lô hàng C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì cao gấp nhiều lần cho phép, thể hiện sự thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp, coi thường người tiêu dùng, vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức trong kinh doanh, đây là điều khó chấp nhận”, ông Hùng nhấn mạnh.
Nhưng cái chúng ta đều thấy “một sự im lặng đáng sợ” từ cơ quan khác và sự kém sôi động từ báo giới… Đặc biệt, người dân Việt coi như đó không phải việc của mình, thờ ơ và mặc kệ… Người uống thứ nước “nhiễm độc” này thì chưa thấy lên tiếng, chưa thấy gửi đơn, chưa thấy yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại… Một sự im lặng đáng sợ.
Đồng quan điểm này, Kỹ sư Lê Văn Tạch, người đã từng nổi tiếng với việc tiết lộ những thông tin liên quan đến lỗi xe ô tô Toyota, nói rằng: “Liên quan đến vụ việc nước uống giải khát C2 và nước uống tăng lực Rồng đỏ của URC Việt Nam bị thu hồi do hàm lượng chì vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần bộc lộ nhiều vấn đề nghiêm trọng. Không chỉ nhà sản xuất mà cả cơ quan kiểm soát chất lượng, nhiều cơ quan truyền thông cũng đã thể hiện sự coi thường an toàn tính mạng của hàng chục triệu người trong cả nước. Đây là việc làm không thể chấp nhận được!”
Theo Kỹ sư Lê Văn Tạch, nhiễm độc chì gây hậu quả rất nghiêm trọng, nó phá hủy hệ thần kinh con người. Nếu trẻ nhỏ bị nhiễm độc chì dù nhỏ cũng có thế để lại di chứng suất đời (báo chí và nhà khoa học đã lên tiếng). Vậy mà sau khi sản xuất và bán ra thị trường sau nhiều tháng thì nhà sản xuất mới gửi cho Viện kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra.
Khi kiểm tra phát hiện ra nồng độ chì vượt quá giới hạn cho phép nhiều lần nhưng thông tin cho người dân không đầy đủ khiến nhà sản xuất vẫn tiếp tục bán ra sản phẩm độc hại.
Tuy nhiên, vẫn lô sản phẩm đó thì sau hơn một tháng sau kết quả vẫn do Viện đó kiểm tra lại không còn hàm lượng chì vượt quá tiêu chuẩn cho phép nữa!
Theo quan điểm của Kỹ sư Lê Văn Tạch cần phải thu thập những thông tin từ Facebook Trần Ngọc Nga để điều tra làm rõ những thông tin này.
Điều 8, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về Quyền của người tiêu dùng như sau:
1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.