Đông đảo người dân Bình Định cùng 32 người đến từ các đoàn thể xã hội của Hàn Quốc, chiều 26/2, đã tham dự lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Gò Dài tại Khu chứng tích Gò Dài, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn.
Chủ tịch Ủy ban xúc tiến thành lập Quỹ hoa bình Hàn Việt Roh Hwa Wookthắp nhang và gửi lời xin lỗi đến gia đình nạn nhân vụ thảm sát năm xưa.
“Xin lỗi, tôi thành thật xin lỗi. Chuyện đã xảy ra từ rất lâu rồi mà đến nay tôi mới mang theo một nhành hoa đến đây để được xin tạ lỗi”, ông Roh Hwa Wook nói.
Ông Nguyễn Tấn Lân, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tây Vinh, nhân chứng sống trong vụ thảm sát Gò Dài năm xưa cho rằng, việc thừa nhận sự thật lịch sử, xin lỗi và tha thứ là những điều cần thiết cho sự hòa giải chân chính.
“Tôi nhắc lại chuyện cũ nhưng không phải là để kêu gọi sự hận thù. Việc nhắc nhở quá khứ cũng là cách để chúng ta biết sống tha thứ. Bởi sự tha thứ không đồng nghĩa là hãy quên lãng hết mọi thứ”, ông nói.
Tiến sỹ Ku Su – Joeng, người khởi đầu cho phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” đưa các thành viên trong đoàn đến Bảo tàng tổng hợp Bình Định để tìm hiểu về vụ thảm Bình An. Bô đã giới thiệu về vụ thảm sát này qua những tư liệu, bức ảnh được lưu giữ tại bảo tàng. Ảnh: Phương Thảo |
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, giới tri thức trẻ của Hàn Quốc đã nhiều lần đến Việt Nam và lên tiếng kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc, các tổ chức xã hội, cựu chiến binh Hàn Quốc… có hành động thiết thực nhằm bù đắp tội lỗi mà cha ông họ đã gây ra trong quá khứ như một lời tạ lỗi với đất nước Việt Nam.
“Những vòng hoa, những nén hương thơm, cúi đầu mặc niệm của các đoàn đại biểu Hàn Quốc tại di tích này đã nói lên phần nào sự hối hận, tiếc nuối trước quá khứ đau thương”, ông Dũng cho hay.
Từ ngày 23-26/2/1966, hơn 1.000 người dân thường của xã Bình An cũ bị lính đánh thuê Nam Triều Tiên giết. Chỉ trong một giờ ngày 26/2, 380 dân thường ở thôn Gò Dài đã bị giết, 1.950 ngôi nhà bị phá hủy. Những nạn nhân được chôn chung cùng một hố và người làng lấy 26/2 làm ngày giỗ chung của cả làng.
Phương Thảo