Trong biên bản bàn giao, đã ghi rõ phần “di vật của liệt sỹ” (tức là các vật đi kèm chứ không phải hài cốt): 13 mảnh bát vỡ. Vậy là ngay từ đầu, đoàn quy tập đã xác định đây là mảnh bát vỡ chứ không phải hài cốt. Vậy mà về sau, có cơ quan chức năng lại mang mảnh sành này ra kiểm định và tuyên bố là… mảnh sành. Rõ ràng, đã là mảnh sành thì kiểm định 1000 lần cũng là mảnh sành mà thôi.
Theo lý giải của tiến sỹ Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc UIA thì: Khi trộm được thủ cấp của liệt sỹ Phùng Chí Kiên, người dân đã đặt thủ cấp vào một chiếc bát sành và mang đi chôn.
Khi mới đào lên, thủ cấp của liệt sỹ Phùng Chí Kiên chỉ còn là khối đất đen nhưng có nguyên hình hốc mắt, mũi và miệng. Trong quá trình cất bốc, đoàn quy tập đã có thể đã gom luôn cả các vật giống hình xương lẫn xung quanh khu đất (trong biên bản cũng ghi rõ: Nghi là răng).
Được biết, trong vụ cất bốc này, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng không trực tiếp thực hiện. Sau khi xác định vị trí, khu vực, Phan Thị Bích Hằng phải về Hà Nội gấp vì có người thân mất, nhường phần việc còn lại cho con cháu liệt sỹ và chính quyền địa phương.
Sau khi công bố 2 bức ảnh này, chúng tôi mong muốn sự việc sẽ kết thúc tại đây, để trả lại sự yên tĩnh đáng ra nó phải có.
Ai đúng, ai sai, dư luận sẽ phán xét. Chúng ta tin chắc rằng, người dân sẽ đứng về phía sự thật, về phía những người vì nghĩa mà không quản khó khăn đi tìm phần thi thể còn thất lạc như một sự báo ơn với người đi trước. Dù họ thành công hay không thành công – những nỗ lực đó đều rất đáng ghi nhận. Nó đáng trân trọng hơn nhiều so với những hoài nghi của những người chỉ ngồi một chỗ và… phán!
Hoàng Thắng
Petrotimes