Kinh tế

Soi chất lượng dòng tiền tại Ngân hàng PVcomBank

PVcomBank còn là "bệ đỡ" cho nhiều doanh nghiệp có liên quan đến cá nhân Đỗ Mạnh Tùng, Công ty CP Cốc Hóa Tây Giang Cao Bằng ...

PVcomBank - Tỷ lệ cổ đông cô đặc nhất trong nhóm ngân hàng

Quy định tại điều 55 Luật các TCTD, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; cổ đông là tổ chức không được vượt quá 15% vốn điều lệ, trừ khi sở hữu cổ phần để xử lý tổ chức tín dụng gặp khó khăn, sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng CPH, hoặc sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN.

Ngoài ra, cũng theo luật này, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được có mức sở hữu gộp vượt quá 20% vốn điều lệ của TCTD.

Nhìn từ cơ cấu cổ đông Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank), có thể thấy, việc nắm giữ 52% vốn tại PVcomBank có nhiều nguy cơ việc PVN có thể gián tiếp hay trực tiếp sở hữu ngân hàng. Điều này theo các chuyên gia nguy hiểm hơn là ngân hàng sở hữu DN.

Ngoài PVN (52%) và Morgan Stanley (6,67%), một báo cáo vừa qua của PVCombank hé lộ thêm các nhóm cổ đông sở hữu đa số phần vốn còn lại của nhà băng này.

Cụ thể, nhóm số 1 gồm Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) có 41,9 triệu cổ phần, tương đương 4,66% vốn PVCombank; Công ty TNHH BĐS HA Quận Ba có 17 triệu CP (1,89%); Lê Minh Tuấn có 14,9 triệu CP (1,66%) và Lê Xuân Học giữ 21 triệu CP (2,34%).

Nhóm số 2 gồm Công ty TNHH Cốc hoá Tây Giang có 44,7 triệu CP (4,97%), Công ty CP Cốc hoá Tây Giang Cao Bằng 42 triệu CP (4,67%) và Cao Hùng Cường giữ 14,4 triệu CP (1,6%).

Nhóm số 3 gồm Công ty CP Đầu tư Địa Việt sở hữu 43,4 triệu CP (4,83%); Trần Quốc Tuấn giữ 1,5 triệu CP (0,17%); Nguyễn Nam Định 25,4 triệu CP (2,83%) và Đỗ Mạnh Tùng 20,2 triệu CP (2,24%).

Như vậy có thể thấy, 3 nhóm cổ đông nêu trên sở hữu 31,86% vốn PVComBank. Nếu cộng cả PVN và Morgan Stanley thì con số này lên tới 90,53% - tỷ lệ cô đặc bậc nhất trong hệ thống ngân hàng TMCP hiện nay của Việt Nam.

Đặc biệt, phần lớn các pháp nhân và cá nhân trong 3 nhóm cổ đông trên đều có liên quan đến nhau.

Công ty CP Cốc hoá Tây Giang Cao Bằng từng là công ty con, do Công ty CP Tập đoàn Tây Giang - một tập đoàn công nghiệp khai khoáng có tiếng ở khu vực phía Bắc - giữ 90% vốn. Ông Nguyễn Xuân Học, người nắm 21 triệu CP PVComBank, hiện cũng là cổ đông của Cốc hoá Tây Giang Cao Bằng.

Công ty Cốc hoá Tây Giang cũng từng là công ty con của Tập đoàn Tây Giang.

Hiện nay người giữ 55% vốn của Cốc Hoá Tây Giang là bà Trịnh Thị Hà, 2 cổ đông còn lại là Trần Quốc Bảo (40%) và Trần Quốc Tuấn (5%). Ông Trần Quốc Tuấn chính là nhà đầu tư đang sở hữu 1,5 triệu CP PVComBank(nhóm cổ đông số 3).

Bà Trịnh Thị Hà cũng là cái tên liên quan tới nhiều pháp nhân trong 3 nhóm cổ đông của PVComBank.

Bà Trịnh Thị Hà và ông Trần Quốc Tuấn (nhóm cổ đông số 3) đều từng là cổ đông của Công ty TNHH BĐS HA Quận Ba - pháp nhân đang sở hữu 17 triệu CP PVCombank.

Bà Trịnh Thị Hà cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Đầu tư Địa Việt - đơn vị nắm 43,4 triệu CP PVComBank.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Tây Giang có sự liên quan nhất định đến Maritime Bank - nhà băng đang nắm 41,9 triệu CP, tương đương 4,66% vốn của PVCombank.

Tập đoàn Tây Giang và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group) - nơi Chủ tịch Hội đồng sáng lập Maritime Bank, cựu ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường từng là Chủ tịch HĐQT - là các cổ đông sáng lập của Công ty CP Khai thác chế biến khoáng sản Việt (VMPCO).

PVcombank sẽ ra sao khi cổ đông quyền lực thoái vốn?

Rất nhiều DN và cả các tập đoàn kinh tế nhà nước đã và đang đóng vai trò chi phối ít nhất một ngân hàng. Khi DN sở hữu tỷ lệ cổ phần nhỏ ở ngân hàng thì mục tiêu chỉ là hưởng lợi từ khoản đầu tư nhưng khi DN có cổ phần lớn thì mục tiêu còn là sử dụng ngân hàng để huy động vốn dễ dàng hơn cho DN, lái nguồn vốn huy động theo hướng chủ DN muốn.

Vấn đề đặt ra ở đây là dù các ngân hàng đều có hội đồng tín dụng, ủy ban an toàn rủi ro... nhưng từ cấu trúc nội tại, bản thân các ngân hàng đã mất đi động cơ tự giám sát mình. Vì thế rủi ro nảy sinh mà hậu quả rõ nhất là tình hình nợ xấu như hiện nay.

Luật các TCTD thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ là không cho phép thành lập ngân hàng tư nhân và hoạt động của từng ngân hàng phải mang tính đại chúng hơn các DN kinh doanh trong lĩnh vực khác để bảo đảm sự minh bạch.

Ngay tại thông tư số 06/2015/TT-NHNN, qui định chậm nhất là ngày 31-12-2015, tỷ lệ sở hữu của cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan tại tổ chức tín dụng phải đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật các TCTD trừ các trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoặc được xử lý theo phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt.

PVN cũng buộc phải thoái vốn gấp tại PVcomBank, bởi sở hữu trên 52% vốn tại một ngân hàng là trái với qui định của Luật các TCTD. Nếu không giải quyết nhanh vấn đề sở hữu chéo này rất nhiều hệ luỵ xảy ra...

Tuy nhiên, để PVcomBank có thể tìm được nhà đầu tư thay thế PVN trong bối cảnh hiện nay không phải việc dễ dàng. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận tiếp tục thực hiện tái cơ cấu PVcomBank giai đoạn 2016 - 2020 và NHNN sẽ tiếp nhận đại diện chủ sở hữu phần vốn của PVN tại ngân hàng này sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu PVcomBank (Đề án này đã được NHNN phê duyệt chính thức vào ngày 3/6/2016).

Trong khi chờ tái cơ cấu PVN bắt buộc phải thoái vốn khỏi PVcomBank. Đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với PVcomBank- một ngân hàng nhỏ trong bối cảnh cạnh tranh thị phần ngày càng gay gắt nhất là khi cổ đông tiềm lực như PVN phải rời đi…

Chất lượng dòng tiền của PVComBank ra sao?

Mới đây, trong Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của PVComBank mới được công bố thông qua Báo cáo thường niên đã lộ rõ rất nhiều vấn đề khiến nhà đầu tư quan tâm.

Theo báo cáo thường niên 2019, PVComBank lãi sau thuế 209,5 tỷ đồng, tăng gấp 2,41 lần so với năm 2018. Đây là mức lãi ròng cao nhất của nhà băng này trong vòng 5 năm trở lại đây (2015 - 2019).

Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của PVComBank trong năm 2019 là 9.844 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy số thực thu chỉ là 7.425 tỷ đồng, thấp hơn số báo cáo gần 2.419 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền thực chi trả phí lãi đã thanh toán là 7.599 tỷ đồng.

Hiện tượng này tương tự như năm 2017, khi thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự nhận được là 4.429 tỷ đồng nhưng chi phí lãi và các chi phí tương tự đã trả lên tới 6.055 tỷ đồng. Hay như trong năm 2016, chênh lệch giữa số tiền thu và chi từ hoạt động tín dụng của PVComBank cũng âm gần 277 tỷ đồng.

Tình trạng này đã kéo dài suốt nhiều năm qua, cho thấy PVComBank cho vay tiền nhưng không thu được lãi, trong khi vẫn phải thanh toán lãi đối với các khoản tiền gửi tương ứng. Nguyên nhân có thể do nợ xấu (tiềm ẩn) chưa được xử lý hiệu quả.

Báo cáo tài chính riêng 2019, tổng nợ xấu của PVComBank tại thời điểm cuối năm 2019 khoảng 918 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,17% so với 2,48% cuối năm 2018. Nhưng nếu tính cả nợ xấu của VAMC đã mua chưa xử lý được thì con số này vào khoảng 6.016 tỷ đồng (tăng 4% so với cuối năm 2018), tương ứng tỷ lệ nợ xấu ở mức 7,68% so với 7,87% vào cuối năm 2018.

PVComBank hiện đang là nhà tài trợ vốn cho một loạt doanh nghiệp khoáng sản, địa ốc, tài chính nắm giữ cả trăm triệu cổ phần của chính ngân hàng này. Có thể kể đến Công ty CP Đầu tư Địa Việt. Doanh nghiệp này từng cầm cố hàng chục triệu cổ phần PVComBank (mã chứng khoán PVB) tại Techcombank, SeABank.

Hiện người đại diện theo pháp luật của Đầu tư Địa Việt là ông Trần Quốc Tuấn (SN 1989) cũng từng cầm cố 1,1 triệu cổ phần PVComBank tại SeABank. Một nhân sự chủ chốt của Đầu tư Địa Việt là bà Trịnh Thị Hà (SN 1979) cũng từng là người đại diện theo pháp luật, kiêm Chủ tịch HĐTV của Công ty TNHH Bất động sản HA Quận Ba - doanh nghiệp cũng từng cầm cố 17 triệu cổ phần PVComBank tại Techcombank. Cũng phải kể đến Công ty TNHH Cốc Hóa Tây Giang - doanh nghiệp từng cầm cố hơn 40 triệu cổ phần PVComBank tại SeABank.

Bên cạnh đó, bà Trịnh Thị Hà đã và đang đóng vai trò quan trọng tại một loạt các doanh nghiệp khác như Công ty CP Phát triển Đầu tư - Xây dựng Bách Giang, Công ty CP Đầu tư Bất động sản I.P, Công ty CP Veracity, Công ty CP Familia, Công ty CP Thương mại Đầu tư sản xuất HN… Đây cũng là những doanh nghiệp nhiều năm thực hiện thu xếp vốn thông qua PVComBank.

Ngoài ra, PVComBank còn là 'bệ đỡ' cho nhiều doanh nghiệp có liên quan đến cá nhân Đỗ Mạnh Tùng, Công ty CP Cốc Hóa Tây Giang Cao Bằng (như đã nói ở trên)….

Không chỉ là người thu xếp vốn, PVComBank và công ty thành viên là Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) cũng thực hiện nhiều thương vụ trái phiếu khác cho nhóm doanh nghiệp trên, đơn cử như thương vụ phát hành trái phiếu 1.135 tỷ đồng của Veracity - chủ đầu tư Dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building tại khu đất 216 đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Còn tiếp...

Tác giả: Minh Quân

Nguồn tin: Báo Doanh nhân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP