Giáo dục

Hà Tĩnh: “Xin tiền” xây trường ở vùng khó

Những tấm gương thầy cô và cán bộ quản lý GD ra Bắc vào Nam kêu gọi quyên góp tiền lập quỹ học bổng hay một nhóm nữ nhà giáo “đăng đàn” Facebook xin xe đạp cũ để hỗ trợ học sinh nghèo trên con đường học chữ không phải hiếm trong ngành GD.

Các cụm trường đã được các cô vận động, xây dựng, sửa sang khang trang. Ảnh: Trương Hoa

Trong số đó, hình ảnh cả tập thể sư phạm từ hiệu trưởng, hiệu phó… Trường Mầm non Hương Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) đi gõ cửa từng nhà dân “xin” tiền về xây trường học trong suốt 3 năm đã làm cho nhiều người phải mến phục.

Gõ cửa “xin” tiền

Họ, đều là lãnh đạo Trường Mầm non Hương Trạch, gồm các cô: Lê Thị Hải Yến (Hiệu trưởng), Đinh Thị Nữ (Hiệu phó), Cao Thị Khởi (Hiệu phó). Tất cả đều mong muốn có một ngôi trường khang trang, đầy đủ tiện nghi cho giáo viên, học sinh dạy và học.

Khởi nguồn về ý tưởng là bắt đầu từ sự khó khăn. Cô Lê Thị Hải Yến – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Trạch cho biết: “Đứng ở vị trí hiệu trưởng, tôi trăn trở mãi việc học sinh, giáo viên phải sống cảnh “chia đàn, xẻ nghé”. Thay vì đến một ngôi nhà chung, giáo viên, học sinh của tôi phải đến tới 3 cụm trường để học và dạy. Một học sinh 4 tuổi, bố mẹ phải chở xe đi học gần 10 km, còn giáo viên nhà một nơi, dạy học một đằng, đi họp một nẻo”.

“Học sinh vừa đi xa vừa phải học trong những căn nhà cấp 4 cũ kỹ, xuống cấp, mượn lại để dạy học. Nhìn vào đâu cũng thiếu: Sân không có mái che, lớp học mưa dột, nắng chói chang, bàn ghế xộc xệch, tường rào không có… Sự an toàn của cô và trò không được đảm bảo. Để có dự án xây dựng trường mới thì không biết bao giờ, nhưng để sửa sang lại trường lớp cũ thì chúng tôi có thể làm được, bằng cách đi xin tiền. Nhưng xin tiền bằng cách nào? từ đâu là vấn đề trăn trở nhất?” – cô Yến chia sẻ về ý tưởng đi xin tiền về làm mới trường học.

Hè năm học 2016 – 2017 là thời điểm để thực hiện kế hoạch. Các cuộc họp diễn ra, phương án được lên sẵn. Sau khi thành lập Ban vận động quyên góp tiền, các cô đến gõ cửa từng nhà dân, tìm đến địa chỉ con em quê hương đi làm ăn xa. Tuy nhiên, để đạt hiệu ứng, trường đã tổ chức chương trình “Mái trường ươm những mầm xanh”, nhằm mục đích kêu gọi quyên góp, ủng hộ. Tổng số tiền các cô nhận được trong đợt 1 là 330 triệu đồng.

Cô Đinh Thị Nữ, Phó Hiệu trưởng nhớ lại: “Để có được kết quả khả quan đó, Ban Giám hiệu nhà trường quên ăn, quên ngủ, bỏ bê luôn công việc gia đình, dồn hết thời gian, sức lực cho công tác từ thiện. Tôi biết, có những gia đình rất nghèo, nhưng thấy việc chúng tôi làm ý nghĩa, cũng vay cho được người thân 20.000 đồng để ủng hộ”.

Sau đợt 1, tổng số tiền nhà trường đưa vào làm mới toàn bộ mái che của 3 điểm trường, sửa sang trường lớp, mua mới bàn ghế… Để tiết kiệm tối đa chi tiêu, thợ chính nhà trường thuê phụ huynh làm, còn nguyên vật liệu do lãnh đạo trường tự đi mua rồi thuê xe chở về.

Ở đó, để đưa nguyên vật liệu vào đến từng điểm xây trường, phụ huynh phải dùng xe kéo, kéo từng xe cát, xe đá, xe gạch, bao xi măng tới cả chục km, nhưng vẫn hồ hởi, vui vẻ. “Để có lớp học khang trang, sạch sẽ, tôi không ngần ngại. Các cô làm được, tại sao phụ huynh lại không. Chúng tôi góp sức xây dựng trường cũng là vì con cái, cháu chắt mình” - anh Nguyễn Văn Linh (45 tuổi, xã Hương Trạch, Hương Khê) vui vẻ nói.

Chưa dừng tại đó, đầu năm 2018 khi thấy điểm trường mầm non tại cụm Tân Dừa, vị trí nằm ngay trục đường chính liên xã, phương tiện giao thông đi lại đông đúc, để đảm bảo an toàn cho trẻ, các cô một lần nữa đi kêu gọi xã hội hóa để gom tiền xây dựng bờ tường rào. Trước khi vào năm học 2018 - 2019, Ban Giám hiệu nhà trường vận động, quyên góp thêm được 240 triệu đồng, thực hiện xong công trình tường rào, sân bến, cây cảnh, khu vui chơi giải trí… trước khi các em bước vào năm học mới.

“Chúng tôi an tâm khi các con đến trường”

Cô Lê Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Trạch, người khởi xướng chương trình kêu gọi từ thiện, sửa sang trường học

Công sức đóng góp của cô Yến, cô Nữ, cô Khởi cùng tập thể Trường Mầm non Hương Trạch chỉ với một hy vọng mong các em học sinh được học trong một mái trường kiên cố, khang trang, trở thành những công dân có ích đóng góp cho xã hội sau này.

Ghi nhận nỗ lực của lãnh đạo nhà trường, ông Trần Quốc Tấn, Chủ tịch xã Hương Trạch cảm kích nói: “Chính quyền xã trăn trở việc đưa 3 điểm trường về một mối, nhưng quá trình thực hiện cần thời gian và cơ chế. Thấy các cô làm được một việc lớn lao, ý nghĩa tự đi vận động, kêu gọi quyên góp tiền để sửa sang trường lớp cho các cháu học hành, quả thực tôi rất khâm phục”.

Bản thân phụ huynh cũng đồng lòng chia sẻ, khi thấy con mình học trong một ngôi trường thiếu thốn, không đảm bảo an toàn, họ cảm thấy nơm nớp, lo sợ. Nay thấy các cô lợp lại được mái ngói, mua mới bàn ghế, dựng được mái che, phụ huynh đã an tâm khi các con đến trường.

Ông Trần Đình Hùng - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, cho biết: “Trường Mầm non Hương Trạch còn rất thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhất là có tới 3 điểm trường. Việc các cô tự đi kêu gọi, vận động tiền ủng hộ xây dựng, tu sửa lại trường lớp là việc làm cực kỳ ý nghĩa. Phòng đã kịp thời tuyên dương, khen thưởng lãnh đạo, giáo viên nhà trường. Qua đây, mong muốn được nhân rộng mô hình này tới các trường, giáo viên toàn huyện học tập và noi theo”.

“Trường Mầm non Hương Trạch đang được xây dựng mới, khi hoàn tất đưa vào sử dụng thì 3 cụm trường trước đây sẽ tập trung về một mối với 19 lớp/511 học sinh”, ông Hùng thông tin thêm.

Tác giả: Trương Hoa

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

  Từ khóa: vùng khó , Hà Tĩnh , xây trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP