Kinh tế

Giá xe hơi có thể giảm mạnh nhờ 'cú đấm' chính sách mới

Với các chính sách đang được đề xuất như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt về 0% với ôtô điện, và phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước, cơ chế cấp bù lãi suất... để tạo cú hích cho phát triển công nghiệp hỗ trợ và giảm giá xe hơi thời gian tới.

Bộ Công Thương đưa ra nhiều đề xuất chính sách quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, trọng tâm là công nghiệp ôtô - Ảnh: TTO

Nội dung được đưa ra trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ vừa được Bộ Công thương trình Chính phủ. Trong đầu tuần này, Chính phủ cũng sẽ có cuộc họp bàn thảo các nội dung được đưa ra trong Nghị quyết trước khi ban hành.

Cụ thể đối với chính sách thuế, cùng với việc hoàn thiện và đơn giản hóa các chính sách thủ tục thuế, sẽ điều chỉnh các quy định liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân...

Theo đó, nội dung trong tờ trình cho rằng hoàn thuế giá trị gia tăng hiện chỉ áp dụng đối với dự án đầu tư mà không có quy định cụ thể đối với việc mua sắm tài sản cố định của doanh nghiệp là một quy định không phù hợp do doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để triển khai các thủ tục, gây khó khăn do thiếu hụt nguồn vốn lưu động.

Vì vậy Bộ Công thương đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi quy định hoàn thuế giá trị gia tăng đối với máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Công Thương cho rằng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức vô cùng lớn khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về 0% từ đầu năm 2018.

Một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia,... đã có chính sách giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt so với xe nhập khẩu nguyên chiếc cùng loại đối với các dòng xe ô tô điện, xe sản xuất, lắp ráp trong nước nếu có cam kết nội địa hóa pin xe điện trong vòng 3 năm.

Trong khi đó, thời gian qua Việt Nam rất khó thu hút được các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn đa quốc gia trong ngành công nghiệp ôtô vì chủ yếu là do các chính sách ưu đãi chưa đủ mạnh.

Nhiều quốc gia trong khu vực đã đưa ra các chính sách thu hút đầu tư, như Huyndai đầu tư 1,5 tỉ USD vào Indonesia năm 2020, Toyota đầu tư vào dự án sản xuất xe điện tại Thái Lan.

Hiện một số doanh nghiệp FDI đang có ý định đầu tư mới, đầu tư mở rộng các dự án lớn đều đang chờ đợi tín hiệu từ các chính sách liên quan đến thuế.

Do đó, Bộ Công thương cho rằng nếu không có các ưu đãi đủ sức hấp dẫn, Việt Nam lại tiếp tục bỏ lỡ cơ hội thu hút các dự án đầu tư lớn ngành ôtô như vào khoảng những năm 2000 và ảnh hưởng đến sự tồn tại của các doanh nghiệp sản xuất ôtô nội địa như Thaco, Thành Công, Vinfast.

Vì vậy, Bộ này đề nghị việc áp dụng chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt có thời hạn khoảng 5 năm, trong đó áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 0% đối với ôtô điện nếu đáp ứng tiêu chí; với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đối với sản xuất, lắp ráp ôtô, đồng thời điều chỉnh nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số các dòng xe áp dụng ở mức hợp lý.

Một nội dung khác được Bộ Công thương đề xuất là cơ chế cấp bù lãi suất thông qua hỗ trợ tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại cũng như như điều chỉnh cơ chế bố trí ngân sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; điều chỉnh cơ chế tiếp cận Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia theo hướng thông thoáng và nhanh gọn, đơn giản...

Tác giả: N.AN

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP