Tin trong nước

Diễn biến chi tiết vụ mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề

Cho rằng việc quản lý trẻ em trong chùa rất lỏng lẻo, Cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội đã đưa ra những yêu cầu nhằm siết chặt việc quản lý trẻ em đến và đi từ chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội).

Theo cơ quan công an, việc quản lý trẻ em ở chùa Bồ Đề rất lỏng lẻo, dễ bị tội phạm lợi dụng
(Ảnh IT)

Chi tiết vụ án mua bán trẻ em đã được CA TP Hà Nội cung cấp đầy đủ vào chiều 5/8. Theo Phòng PC 45 – CA TP Hà Nội, vụ việc bắt đầu từ tháng 11/2013 khi anh Nguyễn Thành Long (Thái Thịnh, Hà Nội) đến chùa Bồ Đề làm từ thiện. Anh Long đã nhận đỡ đầu một cháu trai sinh ngày 26/10/2013 và đặt tên cháu là Cù Nguyên Công. Ngày 5/1/2014 anh Long đến chùa thăm nhưng không thấy cháu Công ở chùa Bồ Đề và nghi ngờ cháu đã bị mua bán.

Trước đó chị Trần Thị Thu Hà (Phú Thọ) có quan hệ yêu đương với anh Vũ Xuân Trường (Tuyên Quang). Tháng 10/2013, Hà sinh con sau khi có thai với Trường. Sợ gia đình biết, Hà đã cùng với Trường mang cháu đến chùa Bồ Đề nhờ nuôi dưỡng.

Sư trụ trì Thích Đàm Lan bảo Hà gặp Nguyễn Thị Thanh Trang là quản lý nhà Mở ở chùa Bồ Đề, người giúp việc cho sư Thích Đàm Lan (với mức lương 2 triệu đồng/ tháng) để làm thủ tục tiếp nhận cháu bé.

Ngày 1/11/2013 có tập đoàn Vision đến chùa làm từ thiện, trong đoàn có anh Nguyễn Thành Long đã gặp và đặt tên cháu bé là Cù Huy Công, đồng thời nhận làm cha đỡ đầu cháu bé.

Trước đó Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, Hoàng Mai, Hà Nội) có nhờ Trang tìm cho một cháu bé khỏe mạnh để nhận làm con nuôi. Nguyệt hứa sẽ bồi dưỡng cho Trang tiền và Trang đồng ý. Sau nhiều lần Hà đến chùa thăm đứa trẻ thì Trang biết chị Hà là mẹ đứa trẻ.

Giữa tháng 12/2013 Trang nói với Hà có người chị dâu của Trang muốn nhận cháu bé làm con nuôi, đồng thời Trang đã nhờ chị Hoàng Thị Minh (SN 1977, Long Biên, Hà Nội) đóng giả làm chị dâu không có con để gặp chị Hà xin làm con nuôi và Hà đã đồng ý.

Trang hẹn chị Hà 1/1/2014 đến chùa Bồ Đề làm thủ tục xin lại con (mục đích đưa cháu bé ra khỏi chùa để giao cho Nguyệt nuôi). Sau khi thỏa thuận với chị Hà, Trang thông báo lại cho Nguyệt biết tại chùa Bồ Đề đang nuôi một cháu trai sơ sinh hơn 1 tháng tuổi (cháu Công). Nếu Nguyệt đồng ý nhận làm con nuôi thì phải đưa cho Trang 40 triệu đồng để Trang đưa cho mẹ cháu bé. Nguyệt đồng ý và vay mượn được 35 triệu đồng.

Đúng hẹn, Trang nhờ mẹ đẻ là bà Trần Thị Sở đón cháu Cù Nguyên Công mang về nhà ở xã Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội. Ngày 2/1/2014 Trang và Nguyệt đưa cháu đi xét nghiệm HIV, và Nguyệt đã đưa cho Trang 35 triệu đồng. Sau đó Nguyệt bế cháu về và đem về quê Ninh Bình làm giấy khai sinh cho cháu là Phạm Gia Bảo, sinh ngày 10/10/2013.

Sau khi nhận tiền, Trang đã gửi qua tài khoản cho chị Hà 10 triệu đồng. Đến tháng 6/2014, Nguyệt liên lạc với Trang bảo cháu bé đang bị bệnh viêm phổi nặng nằm tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Trang muốn đến thăm nhưng Nguyệt không cho. 4 ngày sau Nguyệt thông báo cháu bé đã chết.

Xác định có dấu hiệu của hành vi mua bán trẻ em, ngày 3/8/2014, Cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt.

Trong quá trình điều tra, cơ quan công an đã thu giữ nơi ở của Phạm Thị Nguyệt nhiều giấy tờ nghi được làm giả để hợp thức hóa nguồn gốc những cháu bé mà Nguyệt đang nuôi. Hiện tại Nguyệt đang nuôi 2 cháu bé khoảng 2 tuổi không phải là con đẻ tại Giáp Nhị, Hoàng Mai, Hà Nội, Phòng PC45 đang xác minh làm rõ việc này.

Quá trình điều tra xác minh tại chùa Bồ Đề hiện có 106 trẻ em độ tuổi từ 1 tháng đến 18 tuổi, có 17 người được nhà chùa giao nhiệm vụ trông trẻ và 2 nhân viên bảo vệ chùa, 2 nhân viên nấu cơm. Việc quản lý nuôi dưỡng trẻ em tại chùa Bồ Đề không được các cơ quan chức năng cấp phép. Việc quản lý sổ sách và các thủ tục nhận trẻ em vào chùa nuôi dưỡng và thủ tục trả lại trẻ cho gia đình còn nhiều lỏng lẻo, sơ sài, dễ bị tội phạm lợi dụng.

Để làm công tác phòng ngừa tội phạm mua bán trẻ em không xảy ra, Cơ quan CSĐT đã đề nghị chùa Bồ Đề sau khi nhận trẻ em vào chùa nuôi, mỗi trẻ phải có sổ theo dõi riêng, có ảnh dán vào sổ và được đóng dấu giáp lai.

Sau khi nhận trẻ, nhà chùa phải trình báo chính quyền địa phương sở tại ngay. Chùa Bồ Đề phải có quy định về việc quản lý chăm sóc trẻ, phải có bộ phận kiểm tra thường xuyên trách nhiệm với những người được giao chăm sóc trẻ.

Trường hợp khi gia đình có nhu cầu đón trẻ về, ngoài việc có đơn, có xác nhận đóng dấu chính quyền địa phương thì người quản lý trực tiếp phải viết đơn đề xuất với chủ trì chùa, nêu rõ thời gian nhận và thời gian xin trẻ, mục đích, tình trạng sức khỏe của trẻ trước khi ra khỏi chùa, đồng thời phải thông báo cho chính quyền sở tại biết.

Cơ quan công an cũng yêu cầu hàng tuần nhà chùa phải thông báo cho chính quyền địa phương biết số trẻ hiện đang được nuôi dưỡng trong chùa.

Thành Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP