Trong nước

'Thay đổi tên nước sẽ dẫn đến hệ quả bất lợi'

"Việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên chủ nghĩa xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính".

Chiều 20/5, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (UB DTSĐHP), Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tính đến nay, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Theo ông Phan Trung Lý, riêng về tên nước, đa số ý kiến đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN). Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7 năm 1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992.


“Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên chủ nghĩa xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp”, ông Lý nhấn mạnh.


Mặt khác, cũng có nhiều ý kiến đề nghị lấy lại tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH) vì tên gọi này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập tháng Tám năm 1945, được ghi nhận, Hiến pháp năm 1946, 1959.


Ý kiến này cho rằng, việc lựa chọn tên nước là VNDCCH không làm ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta vì Lời nói đầu cũng như các quy định khác của Dự thảo đều khẳng định con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội.


Theo UB DTSĐHP, tên nước là CHXHCNVN hay VNDCCH đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ.


“Tuy nhiên, việc giữ nguyên tên nước CHXHCNVN là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”, ông Lý khẳng định.


Cũng theo báo cáo của UB DTSĐHP, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, cơ chế chịu trách nhiệm của Đảng và cơ chế để nhân dân giám sát Đảng.


Theo đó, ý kiến này đề nghị cần có Luật về Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Đảng thực thi vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình đối với Nhà nước và xã hội, tạo sự minh bạch trong hoạt động của Đảng, tạo cơ sở cho nhân dân giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên.


UB DTSĐHP nhận thấy quy định mọi tổ chức Đảng, đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật hiện đã là một bảo đảm quan trọng để nhân dân có điều kiện giám sát, giúp cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.


Hơn nữa, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng là vấn đề đang được tổng kết, nghiên cứu. Vì vậy, UB DTSĐHP đề nghị Quốc hội không đưa vấn đề ban hành luật về Đảng vào dự thảo Hiến pháp

Trình Quốc hội về quy định tuyên thệ khi nhậm chức


Có ý kiến đề nghị đối với một số chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước, khi nhậm chức cần thực hiện việc tuyên thệ vì đây là một nghi thức nhà nước quan trọng. Quy định này nhằm tôn vinh và đề cao trách nhiệm trước nhân dân của những người giữ các chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước do Quốc hội bầu.


Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến nhân dân, Ủy ban DTSĐHP đã bổ sung trình Quốc hội quy định về việc tuyên thệ khi nhậm chức của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại khoản 7 Điều 75.


Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tuyên thệ là hình thức, không phù hợp với thể chế chính trị ở nước ta, vì vậy không cần quy định trong Hiến pháp.


THANH LƯU


Theo Infonet

  Từ khóa: bất lợi , hệ quả

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP