Doanh Nghiệp Hà Tĩnh

Xí nghiệp Khoáng sản Kỳ Anh – Nỗ lực giải khó

Liên tiếp trong 2 năm 2012 và 2013, sản lượng khai thác quặng ilmenite của Xí nghiệp Khoáng sản Kỳ Anh sụt giảm, không hoàn thành kế hoạch Tổng Công ty KS&TM (Mitraco) đặt ra. Mặc dù Xí nghiệp đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nhưng kết quả lại nằm ngoài ý muốn, bởi moong mỏ dần cạn kiệt qua nhiều năm khai thác…

Vốn được coi là đơn vị dẫn đầu về lĩnh vực khai thác khoáng sản, nhưng sản lượng khai thác của Xí nghiệp Khoáng sản Kỳ Anh năm 2012 chỉ đạt khoảng 16/20 ngàn tấn so với kế hoạch. Năm 2013, kế hoạch đó vẫn giữ nguyên nhưng Xí nghiệp lại thêm một lần “lỡ hẹn” khi hiện tại sản lượng khai thác mới chỉ đạt 12.000 tấn. Nỗ lực “chạy đua với thời gian” trong những ngày còn lại thì “may mắn lắm cũng chỉ đạt thêm vài ngàn tấn. Bởi, khó đủ bề!” – Phó Giám đốc Xí nghiệp Khoáng sản Kỳ Anh – Lê Xuân Ninh ngậm ngùi.

Xí nghiệp Khoáng sản Kỳ Anh - Nỗ lực giải khó
Công nhân Xí nghiệp Khoáng sản Kỳ Anh vận hành dây chuyền chế biến ilmenite.

Đã qua rồi thời hoàng kim (1998-2000), khi ấy sản lượng khai thác đạt 40.000 tấn ilmenite/năm, chế biến được 30.000 tấn zircon, rutile/năm, trữ lượng quặng giờ chỉ đạt hơn 30%. Đó cũng là lý do Mitraco hạ định mức. Tuy nhiên, khác với những năm trước, khai thác quặng ở thời điểm hiện tại chủ yếu là tận thu và làm lại. Hay nói cách khác là “mót” lại phần quặng bị bỏ sót qua quá trình khai thác.

Nói như vậy không có nghĩa là trữ lượng quặng đã cạn kiệt mà ilmenite vẫn còn tiềm tàng, ẩn sâu dưới lòng đất. Chỉ có điều, khai thác được hay không lại là một vấn đề hết sức nan giải. Bởi lượng quặng ilmenite dồi dào nằm dưới khu vực dân cư đông đúc thuộc các xóm: Tiến Thành, Sơn Hải, Trung Tiến (Kỳ Khang); Phú Minh, Phú Hải (Kỳ Phú) và nằm dưới 4 nghĩa địa với khoảng 800 ngôi mộ thuộc 2 xã Kỳ Khang và Kỳ Phú. Muốn khai thác được phải giải phóng mặt bằng với chi phí lên đến mức “khủng” đối với các khu dân cư; còn việc di dời các nghĩa địa lại là điều… không tưởng vì liên quan đến vấn đề tâm linh của các dòng họ và gia đình. Vấn đề này không chỉ nằm xa tầm tay của Xí nghiệp mà còn là một thách thức lớn đối với Mitraco. “Ở các xã khác trên địa bàn huyện Kỳ Anh và Nghi Xuân vẫn còn khá nhiều quặng, nhưng vấn đề lại nằm ở tầm vĩ mô, liên quan đến phê duyệt của các cấp bộ, ngành” – ông Ninh cho biết thêm.

Bên cạnh việc moong mỏ bị thu hẹp, chi phí sản xuất tận thu tăng cao, không khó hiểu khi thu nhập bình quân người lao động xấp xỉ 4 triệu đồng/tháng (2012) nay chỉ còn khoảng trên 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, điều đáng nói là “cái khó không bó cái khôn”, Xí nghiệp Khoáng sản Kỳ Anh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thích ứng với điều kiện hiện tại. Theo đó, kiện toàn lại bộ máy tổ chức sản xuất hợp lý, giảm 4 đội sản xuất từ 200 người xuống còn 3 đội với 150 công nhân. Đồng thời, giải quyết nghỉ chế độ cho hơn 30 người đảm bảo đúng Luật Lao động.

Cùng với việc tinh gọn lại lực lượng lao động, Xí nghiệp thường xuyên cải tiến công nghệ để nâng cao hiệu quả tận thu quặng nghèo; giảm đến mức thấp nhất những chi phí không cần thiết nhằm tiết kiệm tối đa nhiên liệu. Chẳng hạn như sử dụng ít hơn các phương tiện máy móc để tiết kiệm tiêu hao nhiên liệu; sử dụng nhiên liệu đốt bằng củi thay vì sấy bằng điện, hoặc tận dụng thời tiết nắng nóng để sấy khô nguyên liệu.

Những giải pháp đó bước đầu cải thiện được tình hình. Từ đầu năm đến nay, Xí nghiệp Khoáng sản Kỳ Anh đã tiết kiệm lượng nhiên liệu khá lớn với số tiền lên đến gần 500 triệu đồng. Cùng với đó, Xí nghiệp thường xuyên phát động các phong trào: “Thi đua yêu nước”, “Năng suất – chất lượng – tiết kiệm”, “Lao động sáng tạo”…

Mặc dù tìm mọi cách để đối phó với tình thế nhưng phải khẳng định, nếu không có tác động tích cực từ nhiều phía, trong đó quan trọng nhất là mở rộng địa bàn khai thác tại những vùng đất mới thì không chỉ năm nay mà những năm tiếp theo, sản lượng khai thác của Xí nghiệp Khoáng sản Kỳ Anh sẽ tụt dần.

Hoài Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP