Tuỳ bút Quê hương

Ước vọng "vườn Nguyễn"

Có lẽ nhiều người khi đến đất Nghi Xuân đều không quên được những lời tâm sự trở thành một ý tưởng đầy thi vị, một vườn tượng đủ màu sắc, đủ cá tính của những nhân vật trong Truyện Kiều mà anh Bùi Tùng Phong, nguyên Chủ tịch UBND huyện và nhiều người từng ấp ủ.

Đêm mùa hạ trên bến nước Giang Đình§, ở ngay mảnh đất quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, chúng tôi được dịp thưởng thức trăng thanh gió mát và được nghe nhiều chuyện thú vị về cụ. Điều neo đậu lại với chúng tôi là câu chuyện mà anh Bùi Tùng Phong, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, nguyên Giám đốc Sở Thủy sản Hà Tĩnh đã say sưa thuyết trình về ý tưởng của anh và nhiều người xây dựng Nghi Xuân trở thành một huyện du lịch nổi tiếng mà tâm điểm là Khu lưu niệm cụ Nguyễn Tiên Điền, trong đó sẽ hình thành các hạng mục: “vườn Nguyễn” và “vườn tượng nhân vật”. Nếu dự án này thành hiện thực thì vừa thu hút nhiều du khách, đồng thời là nơi nghiên cứu, sinh hoạt của các bộ môn nghệ thuật, nhất là nghiên cứu về “Truyện Kiều”. Tôn tạo khu lưu niệm này sẽ đảm bảo được nét độc đáo, trữ tình, gắn kết với “Truyện Kiều”.


Càng kể càng hay. Vị cựu chủ tịch bật dậy như lò xo, đưa giấy bút để minh họa. Anh càng vẽ, càng giải thích, chúng tôi càng như bị thôi miên bởi dự án này. “Vườn Nguyễn” với 2 nàng Kiều và không gian ngày xưa ấy cứ hiện lên trong tưởng tượng theo giọng nói trầm bổng, thiết tha, có lúc pha chút ngậm ngùi, hoài cổ của người đàn ông đã ngoại ngũ tuần. Trên bến Giang Đình, trăng đang loang theo nước và mỉm cười cùng cuộc tao ngộ với mấy anh em. Cụ Nguyễn ngày xưa đã từng hỏi thiên hạ “Ba trăm năm nữa ta đâu biết. Thiên hạ ai người khóc Tố Như”. Không cần ba trăm Nguyễn Du ơi! khi tác phẩm Truyện Kiều ra đời đã có bao nhiêu người khóc cùng cụ, khóc với nàng Kiều 15 năm đau khổ. Tôi nghĩ, anh Bùi Tùng Phong cũng khóc, cũng đau đáu một niềm thương, một niềm thành kính với tiền nhân.


“Vườn sinh học nghệ thuật” là công trình thứ nhất mà anh Phong kể với chúng tôi. Theo anh, công trình này không tốn kém nhiều tiền của, nhưng lại mang một ý nghĩa đặc biệt, bởi chỉ có “Truyện Kiều” mới có khả năng phát tiết một vườn sinh học quý giá như vậy. Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã rất tài tình để biến cảnh thành tình, mượn thiên nhiên để giãi bày tâm trạng, kiểu như “bóng tà như giục cơn buồn” hoặc ‘gió chiều như giục cơn buồn’… Đi suốt “Truyện Kiều”, chúng ta đã bắt gặp biết bao nhiêu loại cỏ Ước vọng `vườn Nguyễn`cây, hoa lá. Mỗi nhành hoa, ngọn cỏ là tâm tư, tình cảm, là tâm trạng buồn vui và nó cũng là tiếng lòng của con người. Để sau những cảnh gợi buồn đó là những câu thơ đầy hoài cảm thân phận: “Đau đớn thay phận đàn bà / Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung’ hoặc “Bây giờ rõ mặt đôi ta / Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”. Không dám bàn về Nguyễn Du, chỉ nghe câu thơ, nghe giọng ngâm của anh, chúng tôi hiểu, đó là tâm huyết của người con Tiên Điền hôm nay. Anh Phong cho rằng, “vườn sinh học nghệ thuật” chính là sự tái hiện sinh động, độc đáo cảnh và tình trong “Truyện Kiều’. Thay vì những cây keo, cây tràm có ở khu lưu niệm và tỏ ra lạc lõng với thi phẩm nổi danh này như hiện nay, các loài cây được bố trí theo đúng các sự kiện trong kiệt tác sẽ là cách thưởng thức “Truyện Kiều” bằng trực giác một cách sinh động, vô cùng thú vị. Mỗi loài cây được gắn vào đó một câu Kiều đắt giá thay cho lời chú thích tượng trưng thì càng hay biết mấy. Ví như ngay đầu đường vào khu lưu niệm, từ con mương nhỏ có sẵn, ta có thể minh họa thành một ngọn ‘tiểu khê’ với “nao nao dòng nước uốn quanh” và trên bờ là “lơ thơ tơ liễu buông mành”, xa xa nữa nếu có một chiếc cầu nho nhỏ vút cong qua ngọn tiểu khê thì thật tuyệt!


Đi trong khu vườn này, chắc chắn du khách sẽ tìm thấy đâu đó bóng dáng của “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”. Hoặc chí ít cũng nhớ thêm được chút gì đó về Nguyễn Du trước những đóa “trà mi’, ‘hải đường’… có thật. Cứ như vậy, những phút giây thảnh thơi, mơ mộng quý giá là ấn tượng không thể phai mờ với mọi người. Tiếng lạo xạo của con đường sỏi đá, tiếng róc rách của khe nước, tiếng líu lo của con yến, con oanh… là những phút thả hồn, mơ mộng của du khách đến với khu lưu niệm này. Có thể nói về xuất xứ của các loài cây trong tác phẩm cũng như sự thích nghi của chúng, anh Phong rất tự tin: ‘Tôi vốn là kỹ sư nông nghiệp nên tôi hiểu với công nghệ sinh học bấy giờ điều đó thật đơn giản”.


Công trình mà anh Phong ao ước, tâm đắc thứ hai là “vườn tượng nhân vật”. Anh dí dỏm nói: Nếu như ý tưởng ‘vườn sinh học nghệ thuật” được ví là “Vân xem trang trọng khác người” thì công trình vườn tượng nhân vật này sẽ chính là “Kiều càng sắc sảo mặn mà” ở cái độ đặc tả cuộc sống hiện thực của Ước vọng `vườn 
Nguyễn`nó. Vườn tượng là sự tái hiện đặc sắc cuộc sống lúc bấy giờ. Những nhân vật chính – tà, đẹp – xấu rất đáng nhớ được bài trí ở đây sẽ giúp người xem hiểu về “Truyện Kiều” một cách sâu sắc, cảm nó bằng sự lắng đọng, hồn nhiên mà không kém phần tinh tế. Nếu đi trong “vườn sinh học nghệ thuật” là những phút giây thanh thoát thì đến với vườn tượng, du khách lại suy tư hơn về nhân tình thế thái, về sự đục – trong ở đời để mỗi người hiểu thêm về bối cảnh ra đời của tác phẩm. Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã lột tả một cách tài tình chân dung của từng nhân vật đến mức khái quát thành hình tượng trong ngôn ngữ dân gian. Du khách thưởng thức Truyện Kiều bằng cả 2 hình thức nghệ thuật điêu khắc và bài trí. Việc mỗi một nhân vật được gắn vào đó những câu Kiều minh họa tính cách thì giá trị của khu vườn càng tăng lên bội phần. Đây có lẽ sẽ là cách tốt nhất để “Truyện Kiều” đi sâu hơn nữa vào hồn mỗi người dân Việt. Bên cạnh đó, đây cũng sẽ là một sự độc đáo cuốn hút du khách trong và ngoài nước đến với Nguyễn Du, với Tiên Điền, Nghi Xuân, với Hà Tĩnh – mảnh đất giàu văn hóa nhưng còn nghèo về tài lực!


Năm 2006, Sở VHTT đã lập dự án khu văn hóa du lịch Tiên Điền với 3 không gian: quảng trường bao gồm sân khấu và nhà tiếp khách; không gian Truyện Kiều bao gồm vườn sinh vật, vườn tượng và tiểu cảnh; không gian Nguyễn Du. Tỉnh đã đề nghị Bộ VHTT phê duyệt. Cùng với việc tôn tạo khu di tích,

Ước vọng `vườn 
Nguyễn`

Nhà bình văn trong vườn Nguyễn Du

chúng ta không nên bỏ qua việc phục dựng một góc “làng cổ Tiên Điền”, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du. Góc làng cổ này chính là màu nền để tôn lên vẻ đẹp nguyên sơ của khu lưu niệm. Đồng thời là một bộ phân gắn kết sự hấp dẫn thu hút khách du lịch. Ngoài ra, góc làng cổ còn là bảo tàng quý giá để lưu giữ các vật dụng sinh hoạt của cư dân địa phương từ vài thế kỉ trước. Đến với quê hương Đại thi hào Nguyễn Du, du khách còn được đến khung cảnh sinh hoạt thời bấy giờ để hiểu thêm về thân thế sự nghiệp cũng như các tác phẩm của Người.


Ngay bên dòng sông Lam, đoạn uốn lượn cạnh khu lưu niệm có thể xây dựng một số nhà nghỉ phỏng theo kiểu lầu Ngưng Bích, vừa là nơi nghỉ ngơi, vừa là nơi thưởng thức, tổ chức các sinh hoạt văn hóa như lẩy Kiều, hát ca trù, dân ca và một số loại hình nghệ thuật khác. Hoặc khách có thể trôi theo dòng Lam êm đềm để đến với làng đảo Hồng Lam hay thả hồn xuôi về bãi biển Xuân Thành bằng những chuyến du thuyền lịch lãm.


Chúng tôi đã thức tàn canh một đêm thưởng nguyệt Giang Đình và cũng khát khao trong tương lai được rảo bước chiêm ngưỡng vầng trăng trên “vườn Nguyễn”.


Phan Thế Cải – Việt Thắng

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP