Tuỳ bút Quê hương

Trường cấp III Hương Khê: Trường tôi, ơi con sông Ngàn Nhớ!

*** Trường cấp III Hương Khê được thành lập ngày 12/09/1964. Trước khi trường được thành lập, Đảng bộ huyện Hương Khê đã lấy ý kiến Nhân dân đặt tên cho ngôi trường cấp III đầu tiên của huyện nhà. Nhiều ý kiến lấy tên các danh nhân, các vị tướng và vua, chúa gắn với lịch sử của mảnh đất này đặt tên cho trường. Có những cái tên được nhắc tới như tướng Cao Thắng, Phan Đình Phùng hay vị vua yêu nước Hàm Nghi…Nhưng cuối cùng Nhân dân đề nghị lãnh đạo huyện nhà lấy tên trường Cấp III Hương Khê. Ngôi trường gắn với lịch sử của một vùng đất thẫm đẫm chất thơ, thấm đượm tình người.Tên trường gợi về một dòng sông thơm, dòng sông hương hoa bưởi, dòng sông của xứ trầm hương. Ao  ước của bà con quê  tôi mai sau dù đi đâu ở đâu, học trò Hương Khê tâm hồn mát ngọt như nước suối đầu nguồn, tiếng thơm  như  hương hoa quả quê nhà. Năm học đầu tiên, mảnh đất Trại Lăng bên bờ sông Ngàn Sâu, được chọn làm địa điểm dựng trường. Hai phòng học bằng gỗ và một dãy nhà cột tre nứa lá được dựng lên để hai lớp 8, gần một trăm học sinh và 7 thầy, cô giáo học bài. Năm học thứ hai: 5 lớp với 240 học sinh; năm học thứ ba: 7 lớp với 320 học sinh. Mỗi bước trưởng thành của nhà trường in đậm dấu vết của chiến tranh. Đầu năm 1966, trường di chuyển về Rôộc Cồn (Phú Phong) gần trọng điểm đánh phá của địch nên ở đây chưa đầy một học kỳ, đầu năm 1966, trường lại sơ tán về Hương Vĩnh, dưới chân  dãy Trường Sơn mặt trường hướng về dòng sông Tiêm. Thầy trò lại tiếp tục vào rừng lấy gỗ, nứa, dựng lán, làm hầm. Dạy và học trong những lán đào sâu vào lòng đất, luỹ và hào bao quanh. Mấy ai còn nhớ đất trét tường còn vướng máu đỏ của chiến tranh. Vượt lũ mùa mưa, thắng cái rét cắt da khi mùa đông tới, thầy cô chẳng bao giờ vắng lớp, học trò chưa một giờ chậm trễ mặc cho mưa bom bão đạn của kẻ thù quần đảo đất trời quê hương. Tinh thần thi đua “Dạy tốt, học tốt” được thắp lên dưới chân núi Giăng Màn. Sáu năm sau ngày thành lập, trường được công nhận danh hiệu “Trường  tiên tiến chống Mỹ”, được UBND tỉnh tặng bằng khen. Trong khoảng thời gian này, trên đường tới lớp nhiều học sinh bị thương vì bom đạn Mỹ và 3 bạn (2 bạn khóa II, 1 bạn khoá III) đã phải nằm xuống trên trang vở còn thơm giấy mới. Cuộc chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn gay go ác liệt. Nhiều thầy giáo và học sinh xếp  bút nghiên lên đường ra trận. Trong sự hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sỹ cả nước có giọt máu rơi của thầy giáo và học sinh trường chúng ta. Những gương chói ngời của thầy Vũ Mai Chương, thầy Nguyễn Văn Chế, của lớp học sinh đàn anh: Lê Thông, Trần Đình Thụ, Đặng Văn Đại, Trần Văn Suất, Hồ Sỹ Nhung, Bạch Đình Hoan, Trần Quốc Toản,…. và nhiều gương liệt sĩ khác mãi mãi sáng ngời trang sử nhà trường và trong tâm trí thầy trò bao thế hệ. Năm 1973, Miền Bắc ngớt tiếng đạn bom. Thầy, trò lại trở về Phú Phong, trung tâm huyện lỵ bấy giờ. Vẫn những chiếc lán dựng vội nhưng một bầu không khí thanh bình và một nhịp sống mới vui tươi đã về. Quy mô nhà trường tiếp tục phát triển. Năm học 1980-1981, số lớp đã lên tới 27 với 1.320 học sinh, tiếp đó 30 lớp, 32 lớp. Số học sinh tốt nghiệp ra trường hàng năm từ 450 đến 500 học sinh. Vào những năm từ 1990 đến năm 1993, những khó khăn chung của đất nước đã tác động sâu sắc đến giáo dục. Trường ta nằm trong bối cảnh đó, từ 30 lớp của những năm đầu của thập kỷ 80, nay chỉ còn 22 lớp, rồi 18 lớp, thấp nhất là 13 lớp với 500 học sinh, ngang bằng  với số học sinh năm học 1967-1968 trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Từ những phòng học nhà tranh, vách đất đến những phòng học cấp 4, tới ngôi trường cao tầng bề thế hôm nay đều có sự đóng góp to lớn của Nhân dân. Các đồng chí chủ trì Huyện uỷ, HĐND, UBND các thời kỳ đã dành nhiều tâm sức, đã sát cánh cùng nhà trường để chỉ đạo sát sao, động viên kịp thời. Như luồng gió mát thổi tới, những thành tựu của công cuộc Đổi mới đã giục giã con em Hương Khê nô nức tới trường. Từ năm học 1993-1994, quy mô trường ta phát triển trở lại theo xu hướng tăng dần với 17 lớp với hơn 800 học sinh. Cũng trong năm học này, trường tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. Khu nhà  học 3 tầng đầu tiên của huyện nhà được đưa vào sử dụng. Từ năm học 1996-1997 đến năm học 2007-2008, trường hoàn thiện những căn phòng cuối cùng đưa tổng số phòng học lên tới 45 phòng, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập  ngày càng tăng của học sinh. Năm học  2004 – 2005, nhà trường long trọng tổ chức kỉ niệm 40 năm thành lập trường và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng III của Chủ tịch nước. Năm học 2008 – 2009, Trường THPT Hương Khê được công nhận đơn vị đạt chuẩn quốc gia ở bậc THPT. Năm học 2010 – 2011, nhà trường là một trong ba đơn vị thuộc khối giáo dục phổ thông toàn tỉnh được Đoàn đánh giá ngoài về Kiểm định Chất lượng giáo dục của Tỉnh đánh giá đạt cấp độ III. Trường vinh dự nhận lá cờ đầu trong phong trào giáo dục tỉnh nhà. Nhiều năm liền, Trường THPT Hương Khê đạt trường tiên tiến, Tập thể lao động xuất sắc khối THPT. Đảng bộ đạt danh hiệu vững mạnh tiêu biểu, Công đoàn, Đoàn trường đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc, nhiều năm liền được cấp trên tặng Bằng khen. Năm học 2013-2014, trường vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước. Qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã đào tạo 18.820 học sinh, trong đó có 35 anh chị học sinh có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ, 148 thạc sĩ, 3.556 đại học, có 13 em học sinh đậu học sinh giỏi Quốc gia. Nhiều cán bộ, giáo viên và học sinh của nhà trường đang giữ những chức vụ quan trọng trong cơ quan Đảng và chính quyền, lực lượng vũ trang nhân dân, các công ty, doanh nghiệp lớn, góp phần xây dựng quê hương đất nước. Nửa thế kỉ đã đi qua, chúng tôi xin được tri ân những người mở đầu đặt nền tảng cho sự phát triển của nhà trường, xin khắc ghi tâm sức của các bậc tiền bối: Thầy Nghiêm Trung, thầy Nguyễn Trọng Định, thầy Đoàn Khắc Kiên, thầy Trần Quang Khải, thầy Hoàng Hữu Diễn….những người thầy hiệu trưởng đã từng đặt những viên gạch đầu để có cơ đồ và sự nghiệp hôm nay. Làm sao quên ân tình sâu nặng của nhân dân huyện nhà tự nguyện hiến đất hiến vườn, góp công góp của xây cất mái trường qua những lần chuyển di. Bao bà mẹ Gia Phố, Hương Vĩnh, Phú Phong… nuôi trò trong nhà suốt mấy chục năm qua vững một lòng tin trò giỏi con ngoan. Chúng ta rất đỗi vui mừng và tự hào với những thầy giáo cũ của trường. Thầy Đặng Duy Báu (GV Vật lý) nguyên Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Hà Tĩnh; thầy Nguyễn Trọng Lạc (GV Văn) đã từng là Trưởng phòng THPT của Sở giáo dục Khánh Hoà, thầy Lê Ngọc Minh, nhà giáo ưu tú, trưởng phòng giáo dục huyện Hương Khê, thầy giáo Hoàng Hữu Diễn nguyên là Bí thư  Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch UBND huyện, và bao thầy giáo khác đã trở thành cán bộ quản lý, giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua. Nhiều thầy có mặt trong những năm đầu thành lập trường và đã đi suốt chặng đường 30 năm cho đến lúc về nghỉ hưu như thầy Lê Văn Hiến… Học trò cấp III Hương Khê đi qua thời mưa bom bão đạn, trải qua thời hậu chiến và đến tận hôm nay luôn nhớ ghi những chặng đường lịch sử của quê hương, những bước phát triển và trưởng thành của nhà trường. Chúng ta có quyền tự hào về những trang sử vàng của nhà trường mà trên hết, trước hết là sự kiện 3.120 thầy, trò trường ta đã góp phần trực tiếp vào công cuộc chống Mỹ cứu nước. Thầy cô bao thế hệ kể lại cho học trò nghe câu chuyện các nam sinh ngày ấy lấy máu viết đơn tình nguyện tòng quân mãi mãi xúc động lòng người. Chúng ta khắc ghi tấm gương 86 liệt sỹ là những học sinh, thầy giáo  từ nhà trường ra mặt trận. Gương hi sinh vì Tổ quốc của các bậc tiền bối sẽ sống mãi trong tâm hồn nhiều thế hệ học trò. Dòng thời gian vẫn thao thiết chảy, dòng đời âm thầm chở theo bao chuyến đò tri thức đưa học sinh trường Cấp III Hương Khê đi khắp muôn phương. Mỗi người học trò quê tôi như những hạt cát vàng lặng lẽ bồi đắp cho bờ bãi cuộc đời phù sa lấp lánh. Dù đi đâu ở đâu Hương Khê quê tôi mãi mãi là mảnh đất của dòng thương dòng nhớ. Trường THPT Hương Khê của chúng ta, mái trường của tình yêu tin vẫy gọi người về trong ngàn nhớ ngàn yêu.                                                                 Trường tôi, ơi con sông Ngàn Nhớ!

Ngắm dòng sông về cuối hạ lưu có khi nào ta nhớ đến thượng nguồn. Ngắm bờ bãi xanh tươi, dòng nước đậm phù sa ai có biết phía đại ngàn thác ghềnh chảy xiết. Dòng sông hiền hòa trong mát, mấy ai hiểu đã có ngàn con suối nhỏ phải tự xẻ rách mình trong những hang đá sâu, luồn lách qua muôn vàn khe núi rồi lặng lẽ hòa mình vào dòng sông cái. Mấy ai biết hương thơm của dòng nước Ngàn Sâu quê mình là sự hóa thân của những hoa cam hoa bưởi, cánh hoa Dẻ phấn hoa Lan núi Dăng Màn thả xuống để con sông ngày đêm mang thương nhớ đến trong giấc mơ của những người con đi xa quê hương, đến trong nỗi nhớ của mỗi vần thơ cô cậu học trò Trường cấp III Hương Khê yêu dấu.


Trường THPT Hương Khê nhân ngày khai trường
          Một chiều bên bờ sông Lam, người bạn cùng phòng trọ hỏi tôi: Sao trường bạn lại đặt tên là Cấp III Hương Khê vậy? Tôi trả lời: Cấp III Hương Khê là Cấp III Hương Khê chứ sao còn phải hỏi nhỉ?! Bạn tôi cười. Vậy sao lại gọi là Hương Khê? Ồ, câu chuyện đó dài và kì lạ lắm. Quê tôi trải dài theo mái Trường Sơn có nhiều đồi cam vườn bưởi ngọt thơm nổi tiếng. Mỗi sớm mai thức dậy hoa quả khắp vườn tỏa hương dịu ngát, chim rừng cất tiếng hát chào ban mai líu lo bên suối vắng. Hương của hoa, hương của trái chín phả vào dòng sông Ngàn Sâu lan chảy về phía hạ du. Cuốn theo dòng  hương kì lạ đó người đồng bằng theo con nước tìm lên rồi định cư lập nghiệp. Ngày xưa, Hương Khê là vùng rừng núi heo hút, hoang sơ. Đồi núi trập trùng, thú dữ quần đảo khắp các thung đèo, chiều chiều nhà nhà phải đóng cổng, vây lợn gà dưới nhà còn con người lên ở gác mái.
Mỗi khi nhớ quê nhà những con người đi khai sơn lập nghiệp đã khắc dòng tên mình lên quả bưởi thả trôi về phía hạ du. Người đồng bằng ra sông vớt được rồi đem về. Tiếng thơm đồn xa, người người hỏi nhau: Quả gì ngon đến vậy? Quả này trồng ở đất nào vậy? Các cụ già trong làng đã kể cho con cháu họ nghe. Rằng ở phía thượng nguồn xa lắm có một dải đất dọc theo các dãy rừng xanh có rất nhiều quả ngon vật lạ uốn mình bên một con suối quanh năm trong mát. Nơi đó hoa quả chín thơm bốn mùa nỗi hương thơm hòa vào dòng nước nên mọi người gọi là Hương Khê. Dòng suối đẫm hương thơm núi rừng theo gió bay khắp đất trời. Con gái con trai sống hai bên dòng suối da trắng tóc dài, mắt sáng long lanh. Đặc biệt từ mái tóc của những nàng sơn nữ tỏa ra hương thơm của hoa bưởi hoa cam, hoa dẻ ngạt ngào.
Thế là bao chàng trai cô gái hiếu kì, muốn mình cũng đẹp cũng thơm như những con người miền sơn cước nên đã băng rừng lội suối, qua truông vượt đèo lên sinh cơ lập nghiệp, sống hòa thuận với người bản địa. Người lên trước bày cho người đến sau tập tục canh tác, lên rừng đưa hạt cây Trầm Hương về trồng trong vườn và dọc hai bờ suối. Vì thế Hương Khê nổi tiếng là vùng đất trầm hương và hoa quả ngon. Con chim tiếng hót cũng trong và ngân hơn, con cá chép ở đây vây cũng hồng hơn mỗi độ hóa rồng trên thác Vũ Môn. Dòng sông cứ thầm thì hát khúc mát thơm được người Hương Khê đặt tên là Ngàn Sâu.
Ôi Ngàn Sâu, một cái tên đong đầy nỗi nhớ.
Những người phía hạ lưu con sông lúc mới lên đây ngỡ như lạc vào chốn Đào Nguyên. Nhưng mỗi độ chiều về khi mặt trời khuất sau dãy núi Giăng Màn họ lại nhớ về quê cũ. Con gái con trai chiều chiều ra bờ suối. Không ai nói câu gì nhưng tự trong ánh mắt không dấu được mối sầu nhớ cố hương. Đã có người vì nhớ quê xa nên khăn gói tìm về quê cũ. Nhưng khi xa rồi lòng lại vấn vương hương hoa trái đầu nguồn, nhớ nhung những buổi chiều sương lãng đãng qua đèo, vẩn vương hương khói bát chè xanh xóm trại mỗi sớm mai. Lòng chẳng đặng lại khăn gói tìm lên rồi định cư lâu dài, sinh con đẻ cái. Những chàng trai cô gái đó đặt tên cho dòng sông là sông Ngàn Sầu Ngàn Nhớ.
Vào một buổi chiều muộn, một chàng trai đi săn thú rừng về qua con suối, anh nhận ra đôi mắt buồn vời vợi của người con gái anh yêu. Bất chợt chàng trai thốt lên: Đôi mắt em u sầu như dòng Ngàn Nhớ này vậy. Cô gái nhìn lên rồi nhẹ nhàng đáp : Anh ạ, từ nay chúng ta gọi dòng sông Ngàn Sầu Ngàn Nhớ này là dòng Ngàn Sâu nhé. Dòng sông của xứ sở núi rừng sâu thẳm như nỗi nhớ chúng mình, đẹp như đôi mắt có hàng mi cong của em anh nhé! Từ đó về sau dân trong vùng gọi con sông Ngàn Sầu Ngàn Nhớ của họ bằng tên gọi Ngàn Sâu. Vậy đó, tên đất, tên làng, tên sông, tên núi trên đất quê tôi có một lịch sử diễm tình như thế.

Thạc sỹ Phan Quốc Thanh
Phó hiệu trưởng Trường THPT Hương Khê  

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP