Bạn cần biết

Trứng vịt lộn bổ nhưng có 7 kiểu người nên hạn chế ăn, trẻ ở tuổi này càng nên tránh

Trứng vịt lộn tốt và bổ hơn cả trứng gà, trứng vịt nhưng không phải ai cũng có thể ăn hay ăn thường xuyên.

Trứng vịt lộn ăn cùng gừng, rau răm là món ăn quen thuộc của người Việt và cực kỳ bổ dưỡng. Trong bảng thành phần dinh dưỡng thực phẩm Việt Nam của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2007 thì trong trứng chứa protein, lipit, gluxit, các chất sắt, canxi, phốt pho, be-ta caroten, vitamin A, B1,B2, PP,… (riêng trong trứng lộn còn có thêm vitamin C) cần thiết cho cơ thể.

Nếu so sánh thành phần dinh dưỡng trong 100g (trứng gà, vịt và vịt lộn) thì trong trứng vịt lộn có hàm lượng sắt, canxi, phốt pho, beta-caroten, vitamin A, PP cao hơn hẳn trứng gà và trứng vịt. Ví dụ vitamin A trong trứng gà là 700mcg, trứng vịt là 360mcg, vịt lộn là 875mcg; canxi trong trứng gà là 55mg, trứng vịt là 71mg, vịt lộn là 82mg.

Theo Đông y, trứng vịt lộn có tác dụng tu âm, dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể nhanh tăng trưởng. Ăn trứng vịt lộn cùng với rau răm, gừng tươi sẽ thành bài thuốc chữa bệnh thiếu máu, suy nhược cơ thể, còi cọc, đau đầu, chóng mặt, yếu sinh lý...

Mặc dù trứng vịt lộn ngon bổ nhưng không phải ai cũng nên ăn.

1. Trẻ em dưới 5 tuổi

Trẻ em dưới 5 tuổi không nên ăn trứng vịt lộn do hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện, nếu trẻ ăn dễ dẫn tới đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, có hại cho sức khỏe.

Trẻ từ 5 tuổi trở lên có thể ăn trứng vịt lộn nhưng lưu ý chỉ nên ăn nửa quả mỗi lần (1/2 quả trứng vịt lộn tương đương 4-5 quả trứng cút lộn), mỗi tuần ăn 1-2 lần, không nên ăn thường xuyên. Bởi nếu ăn quá nhiều sẽ khiến lượng vitamin A dư thừa làm vàng da, bong tróc biểu bì, gây ảnh hưởng đến việc hình thành xương của trẻ.

2. Phụ nữ mang thai

Tuy chưa có nghiên cứu nào khẳng định lợi hại của trứng vịt lộn với bà bầu nhưng trứng vịt lộn có lượng đạm cao, ăn nhiều chậm tiêu, sinh nhiều cholesterol. Do đó, phụ nữ mang thai ở những tháng cuối nên ăn hạn chế vì nếu nạp quá nhiều năng lượng cũng không tốt.

Phụ nữ có thai nên ăn 2 quả mỗi tuần, nhưng không nên ăn 2 quả cùng lúc. Lưu ý là bà bầu khi ăn trứng vịt lộn không nên hoặc ăn thật ít rau răm vì dễ gây chảy máu, sảy thai, có hại cho thai nhi.

3. Người tỳ vị hư, yếu

Theo Đông y, trứng vịt lộn có tính lạnh, mát nên những người có tỳ vị hư ăn vào dễ gây đầy trệ, không tiêu, gây chướng bụng, ảnh hưởng không tốt đến gan, thậm chí dẫn đến nguy cơ xơ gan.

4. Người cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan, gan nhiễm mỡ, tim mạch...

Những người mắc các bệnh trên nên tránh hoặc hạn chế ăn trứng vịt lộn vì nó có nhiều cholesterol có thể sẽ làm tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

5. Người mắc bệnh gout

Ăn nhiều trứng vịt lộn mỗi ngày và ăn liên tục có thể làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, góp phần gây ra các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... và protein không tốt cho người bị bệnh gout.

6. Người bị ung nhọt

Người bị ung nhọt độc ăn trứng vịt lộn vào dễ bị đùn thịt thừa, gây nguy hiểm cho sức khỏe, tốt nhất nên tránh ăn cho tới khi khỏi bệnh.

7. Người bị bệnh thận

Những người mắc bệnh thận đều gặp vấn đề lớn trong quá trình trao đổi chất, lượng nước tiểu giảm khiến thận không thể lọc hết mọi độc tố ra khỏi cơ thể. Trong khi đó, việc ăn trứng vịt lộn sẽ làm cho lượng urê trong cơ thể tăng cao, gây tổn thương thận, thậm chí nhiễm độc đường tiết niệu. Vì người mắc bệnh thận nên quá trình trao đổi chất diễn ra khó khăn, lượng nước tiểu thấp nên không thể thải hết độc tố ra ngoài cơ thể vì thế người bị bệnh thận không nên ăn trứng vịt lộn.

Nguồn tin: thoidaiplus.giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP