Trong công cuộc đổi mới này, Tùng Ảnh bằng sức mạnh của ý Đảng, lòng dân đang nỗ lực vươn lên để xứng danh là bộ mặt nông thôn mẫu mực của tỉnh Hà Tĩnh.
Sống mãi trong hồn thiêng sông núiĐường về quê hương Tùng Ảnh đã trở thành một địa chỉ đỏ của khách thập phương. Bây giờ đầu mùa xuân, trong sắc xanh đương thì của ngô, lúa, cả Tùng Ảnh đang ngập trong mênh mông của nắng mềm và dịu, một cánh cò phân vân bay trên ruộng lúa, một tiếng cu gáy trong lùm cây càng làm cho du khách thêm nặng tình quê hương xứ sở. Nặng tình tri ân với người đã khuất, theo từng bậc thang bước lên khu mộ Trần Phú, bên tai tôi vẫn còn văng vẳng câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:“Hỡi những trái tim không thể chết Chúng tôi đi theo vết các anh Những hồn Trần Phú vô danh Sóng xanh biển cả, cây xanh núi ngàn”.Cái chết thiêng liêng của người cộng sản giàu lòng yêu nước, thương dân ấy đã hoá thành hồn thiêng bất tử. Bây giờ mộ của cố Tổng Bí thư Trần Phú sau bảy mươi năm nằm tại Nghĩa trang Chợ Quán (Sài Gòn) lại về yên nghỉ trên đất mẹ. Nằm bên khu mộ đồng chí Trần Phú còn có mộ hai cụ thân sinh là Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát; mộ ông bà nội và người em trai Trần Ngọc Danh (nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương). Mộ đồng chí Trần Phú nằm trên núi Quần Hội, đứng trên chóp núi này phóng tầm mắt nhìn bến Tam Soa dạt dào sóng biếc, xa hơn là dãy núi Thiên Nhẫn trùng trùng. Con sông La tuổi thơ anh tắm vẫn đang say sưa kể chuyện về anh: Kể về một người thanh niên sống trong cảnh nước mất nhà tan, sớm nuôi chí lớn đi tìm đường cách mạng để trả thù nhà nợ nước. Kể về một cậu bé Trần Phú (sinh ngày 1.5.1904), lúc lên 10 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống rau cháo qua ngày và miệt mài đèn sách từ lớp vỡ lòng đến Trường Quốc học Huế. Sau khi đỗ đầu kỳ thi thành chung (năm 1922), Trần Phú trở thành thầy giáo dạy học Cao Dục Thanh. Người thanh niên ấy khi “Mặt trời chân lý chói qua tim” đã được tiếp cận với đồng chí Nguyễn Ái Quốc và trở thành một học trò xuất sắc, trung thành tuyệt đối của Bác Hồ. Một người tổng bí thư đầu tiên của Đảng trong thời kỳ hoạt động cách mạng đã bị địch bắt giam tại Sài Gòn, dầu nằm trong ngục tù man rợ của bọn đế quốc Pháp, bị tra tấn dã man và bệnh tật hành hạ, nhưng đồng chí Trần Phú vẫn nêu cao khí tiết bất khuất, trung kiên của người cộng sản, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6.9.1931, khi mới 27 tuổi.Tôi tới thăm khu lưu niệm Trần Phú, dãy nhà vừa được chỉnh trang lại tôn nghiêm, gió mơn man thổi mùi hương hoa đại lan toả cả căn nhà. Ngoài những bóng tre, bóng chuối hiện hữu muôn đời của làng Tùng Ảnh, trước sân nhà lưu niệm những cây trồng của các đồng chí lãnh tụ Trường Chinh, Võ Chí Công… sum sê vươn cành xanh nhánh. Trong gian phòng trưng bày có hơn 200 hiện vật, những kỷ vật về thân thế và sự nghiệp của của người Tổng Bí thư trẻ tuổi tuổi này làm xúc động đến rơi nước mắt hàng vạn lượt khách tham quan. Từ bộ quần áo cũ, chiếc gối gỗ kê đầu đến bộ ấm chén pha trà thanh tao giản dị và cả tấm ảnh trẻ trung hồn nhiên thuở du học tại Trường Đại học Phương Đông. Điều quý giá nhất là bản luận cương chính trị của Đảng do đồng chí Trần Phú khởi thảo năm 1930 qua bao nhiêu mưa nắng của thời gian đến nay vẫn còn tươi rói nét mực.Cốt cách người làng Tùng ẢnhHuyện lúa Đức Thọ tự hào với con sông La đã nên thơ, nên nhạc bao nhiêu thì lại càng tự hào có một làng Tùng Ảnh bấy nhiêu. Dẫu bây giờ tên gọi mới và phân chia địa giới mới là xã Tùng Ảnh, nhưng ăn sâu vào tiềm thức nhân dân người ta vẫn quen gọi là làng. Tùng Ảnh ngày xưa có nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa: Dâu xanh biếc sông La, lụa óng vàng Châu Phong với người con gái đẹp có đôi tay vàng dệt lụa. Làng Tùng Ảnh bấy lâu nổi danh trong cả nước về sự học. Từ thuở xưa, Tùng Ảnh được gọi là làng khoa bảng. Những người con muôn đời lưu danh cho hậu thế có nhiều tiến sĩ như dòng họ Phan Tùng Mai, Phan Đình Phùng; dòng họ Lê, họ Trần, họ Võ… Càng khám phá mảnh đất Tùng Ảnh càng thấy xứ sở này có nhiều cái lạ, con người Tùng Ảnh có cốt cách riêng “giàu sang không quyến rũ, uy vũ không khuất phục”. Người Tùng Ảnh sống thuỷ chung, mặn nồng tình làng nghĩa xóm và yêu – ghét rạch ròi, không ghen tuông đố kỵ, ghét thói nịnh hót xun xoe. Lúc vận nước lâm nguy, bao người con trở thành anh hùng giúp dân cứu nước. Ngày xưa đã là phận nam nhi của Tùng Ảnh phải gắng sức học hành, chữ nghĩa càng nhiều, dân càng trọng, làng càng mở mày mở mặt.Hiện nay, xã Tùng Ảnh là một trong những xã lớn của huyện Đức Thọ với diện tích tự nhiên 912ha (trong đó diện tích canh tác 418ha) với hơn 7.300 nhân khẩu và hơn 2.300 gia đình, dân cư được phân bố thành 17 thôn. Tôi hỏi ông Lê Tự Lập – Chủ tịch UBND xã: “Có người bảo đây là xã ba nhất trong cả nước có đúng không bác: Nhiều đảng viên lão thành nhất, học hành vẫn đỗ đạt cao nhất và gương mẫu thực hiện kế hoạch hoá gia đình nhất”. Ông Lập cười: “Nhất về nhiều đảng viên và nhất về sự học thì tôi thừa nhận. Còn chuyện về kế hoạch hoá gia đình ấy mà tỉ suất sinh giảm xuống dưới 1% là đáng báo động, chứ không phải khen. Với lý do là xã tôi lớp trẻ lớn lên đi lập nghiệp và sống xa quê nhiều, thành thử dân số không tăng là vì thế”.Ngoài cái tư chất thông minh sẵn có thì nền tảng giáo dục đầu tư cho sự học của gia đình và chính quyền địa phương cũng là động lực quan trọng. Ở Tùng Ảnh hàng năm có tới 70 – 80 học sinh thi đậu vào đại học. Điều dễ hiểu sự học đi lên từ văn hoá làng. Một làng có truyền thống kỷ cương trong rèn đức, rèn người ở mỗi nhà và biện pháp mạnh của chính quyền địa phương. Người Tùng Ảnh áp dụng nhuần nhuyễn triết lý cổ nhân: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Học cách ứng xử có văn hoá giữa con cái và bố mẹ, giữa cháu với ông bà, giữa anh chị và em và ứng xử trong cộng đồng. Khi môi trường văn hoá tốt các em mới an tâm học tập. Tùng Ảnh giữ được cốt cách làng với không có bất cứ một tiêu cực nào làm vấy bẩn quê hương, băng hoại lớp trẻ. Xã Tùng Ảnh đã nhận bằng công nhận làng văn hoá. Lấy cốt cách văn hoá truyền thống của cha ông kết hợp cùng với những tiêu thức văn hoá trong thời đại mới mà Đảng và Nhà nước ban hành để hành động tạo được nhận thức sâu rộng trong quần chúng. Tùng Ảnh đã thể chế hoá được văn hoá trong tham gia Luật Giao thông, văn hoá trong hội họp đến văn hoá trong môi trường. Một nghĩa cử trong dịp Tết Kỷ Sửu vừa rồi, cấp uỷ và chính quyền địa phương không chỉ phát đúng phát đủ cho các đối tượng nghèo tiền của Chính phủ cho, mà còn kêu gọi cộng đồng thân hữu giúp 15 triệu đồng cho hộ nghèo thêm niềm vui cùng”thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Làm người cán bộ được lòng dân không dễ, bởi một lẽ phải nghiêm từ trên xuống dưới. Hiểu được tâm tư hoàn cảnh của dân mới làm được những điều có ích cho mọi người. Khi những việc làm tạo được không khí dân chủ trong dân đều dẫn tới thành công. Theo quan điểm của các đồng chí lãnh đạo ở xã Tùng Ảnh: “Xây dựng được một nền văn hoá cộng đồng tốt không chỉ gìn giữ được cốt cách của cha ông, mà còn là đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển”.Sau nhiều năm trở lại Tùng Ảnh, tôi thấy làng đã khác xưa nhiều lắm, 17 thôn của xã đều có nhà văn hoá, đường thảm nhựa trải dọc đường bêtông kẻ ngang. Mỗi con đường đi qua san sát nhà cao tầng, nhà xây mái ngói. Đêm đến, điện sáng bừng rải xuống dòng sông La như trời đổ mưa sao. Gia đình nào cũng có tivi, đài bán dẫn, gần 80% dân sử dụng điện thoại. Trong thời đại bùng nổ thông tin, con người ở Tùng Ảnh năng động thêm, linh hoạt hơn, bộ máy quản lý điều hành ở cấp xã đều được trang bị đầy đủ hệ thống máy vi tính và kết nối mạng Internet. Trong chuyện làm ăn mới, nơi đây vẫn ưu tiên bậc nhất cho nông nghiệp phát triển, cán bộ xã ở đây không hăng hái lập những”dự án treo”để làm khổ dân, mà quan tâm hàng đầu đến mặt trận sản xuất nông nghiệp. Hai cuộc cách mạng dồn điền đổi thửa đã tạo nên một cú hích cho nông dân hồ hởi sản xuất, đưa sản lượng lương thực hàng năm từ 2.300 tấn – 2.400 tấn, giá trị thu nhập đầu người 9,4 triệu đồng/năm. Xã khuyến khích các gia đình sản xuất hàng hoá, giao đất khoán ao hồ cho các chủ hộ mạnh dạn bỏ vốn chăn nuôi theo mô hình: Cá lúa, cá vịt, cá lợn. Anh Phan Duy Đồng (thôn Châu Nội) nhận 1,8ha ruộng trũng. Anh Đồng đã có tư duy mới biến thửa ruộng này sản xuất theo 3 loại khác nhau: Giữa ruộng đem trồng lúa, xung quanh ruộng nuôi cá, thửa trên anh đem trồng cỏ để chăn nuôi bò, nuôi vịt, nuôi lợn. Với cách làm này, mỗi năm gia đình anh Đồng cho thu nhập từ 70-80 triệu đồng. Hiện nay ở Tùng Ảnh, có 8 hộ đang áp dụng theo mô hình của anh Đồng.“Mọi việc lớn đều bắt đầu từ dân, dân no và sản xuất được hàng hoá mới có nguồn thu từ ngân sách hơn 5 tỉ đồng, mới quy hoạch khu chợ Đồn 3,4ha và đầu tư xây dựng trạm xá chuẩn chú ạ” – tôi đã nghe một cán bộ cách mạng lão thành tâm sự khi tôi đến thăm ông. Tôi hiểu những niềm vui bất tận của Tùng Ảnh đang có hồn thiêng của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú dõi theo và trong mỗi bước đi, trong mỗi việc làm có vầng hồng của búa liềm toả sáng.
Phan Thế Cải
LĐ