Những bản sách gỗ này được khắc trên loại gỗ thị, bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, với nhiều nội dung phong phú trong đó có cả “Tứ thư ngũ kinh” của Khổng giáo. Hiện 450 bản sách này đang được lưu giữ cẩn trọng tại đền thờ danh nhân Nguyễn Huy Tự ở Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.
Những con chữ được khắc nối liền nhau một cách tinh xảo, những nét khắc hết sức tròn trĩnh, vuông vắn.
Đỉnh cao của kỹ nghệ khắc ván
Phải thuyết phục mãi anh Nguyễn Huy Từ (hậu duệ đời thứ 8 của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh) tộc trưởng chi họ Nguyễn Huy, người được gia tộc giao trông coi, gìn giữ đền thờ Nguyễn Huy Tự và 450 bản sách gỗ quý hiếm này, mới chịu mở rương lấy ra một số bản mộc cho chúng tôi xem. Toàn bộ 450 bản sách gỗ được xếp kín trong một rương tôn loại tốt, đặt ngay dưới bàn thờ. Theo quan sát, các bản sách gỗ đều được khắc chữ ở cả hai mặt, mỗi mặt có khoảng 20 đến 23 hàng chữ, chữ được khắc theo chiều ngang. Chiều dài mỗi mộc bản khoảng 40cm, ngang 20, dày 2cm. Một số bản được khoét rãnh hai bên cạnh ngang. Nếu nhìn vào không ai nghĩ rằng những mộc bản này được khắc bằng tay bởi những con chữ được khắc nối liền nhau một cách tinh xảo, những nét khắc hết sức tròn trĩnh, vuông vắn.
Theo cụ Nguyễn Huy Bá (86 tuổi) hậu duệ đời thứ 17 của dòng họ Nguyễn Huy thì gia phả dòng họ Nguyễn Huy từng ghi rất rõ rằng, dưới thời cụ Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (thân sinh của Nguyễn Huy Tự, tác giả truyện Nôm “Hoa Tiên”) những mộc bản này được chính tay cụ Nguyễn Huy Oánh biên soạn hoặc chỉnh trang lại nội dung rồi đưa cho 22 chuyên viên (học trò thân cận) tìm người khắc in. Trong số 22 chuyên viên đó, 12 người nổi tiếng về văn hay, chữ tốt được chọn để ghi từng con chữ của thầy lên ván gỗ cây thị, sau đó sẽ đưa cho các thợ chạm khắc nổi tiếng của vùng Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định khắc. Lúc đương thời, số sách gỗ này nhiều đến mức chứa đầy trong 9 gian nhà ngói của “Phúc Giang thư viện” mà vẫn không hết. Mặc dù sách vở rất nhiều nhưng mỗi loại sách được bó lại thành từng bó, có đánh số hiệu rõ ràng nên không bao giờ lẫn lộn. Một cuốn sách có thể bao gồm nhiều bó sách “khổng lồ”.
Lý giải việc người xưa chọn loại gỗ thị, một loại gỗ hiếm để khắc sách, cụ Nguyễn Huy Bá cho rằng, gỗ cây thị có đặc tính bền dai, lại trơn bóng và có màu sắc đẹp, nhẹ nhàng nên khi khắc chữ rồi bôi mực để in thì không bao giờ bị nhòe, dễ vận chuyển vì nhẹ và đặc biệt là có thể giữ được lâu dài vì không bao giờ bị mối mọt xâm hại. Mục đích ban đầu của việc khắc những cuốn sách gỗ này được xác định là để in thành sách phân phát cho các học trò nghèo theo học tại “Phúc Giang thư viện” và lưu truyền cho con cháu mai sau.
Năm 1789, sau khi cụ Nguyễn Huy Oánh mất, các học trò và con cháu trong dòng họ Nguyễn Huy tiếp tục kế nghiệp tiền nhân, chiêu mộ học trò đến học ngày càng đông và cho khắc in thêm nhiều loại sách gỗ mới bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Trước năm 1945, “con cháu họ Nguyễn Huy còn giữ được hơn 1.000 bản sách khắc gỗ, chứa chật kín cả một căn nhà ngang của chi trưởng”, đa số là các tác phẩm lớn của cụ tổ Nguyễn Huy Oánh như: Ngũ kinh tứ thư toản yếu (15 quyển), Trường Lưu Nguyễn thị (10 quyển), Hoàng hoa sứ trình đồ (2 quyển), Bắc dư tập lãm, Phụng sứ Yên Kinh tổng ca, Sơ học chi nam, Tiêu tương bách vịnh, Quốc sử toản yếu, Châm cứu toát yếu, Huấn nữ tử ca, Thạc Đình di cảo (2 quyển)…
Sau này, do chiến tranh loạn lạc, thiên tai liên miên nên gia tộc buộc phải di dời số sách này ra đền thờ cụ Nguyễn Huy Tự để cất. Tuy nhiên, “thời đó có một người thuộc hàng con cháu trong họ, bị bệnh thần kinh, suốt ngày bỏ nhà, bỏ cửa ra ăn nằm vật vạ tại đền. Nhiều đêm mùa đông rét mướt, cháu trót lấy những cuốn sách quý này chẻ làm gỗ để sưởi mà không ai hay biết nên số sách giờ chỉ còn lại rất ít. Nhìn lại 450 bản sách gỗ quý hiếm là di sản cha ông mất bao công sức gầy dựng còn may mắn sót lại chúng tôi đau lòng lắm…” – cụ Bá thật lòng chia sẻ.
Trường học lớn nhất nước Việt
Nói đến số mộc bản này không thể không nhắc đến “Phúc Giang thư viện” – nơi sản sinh ra những mộc bản hiếm có này vào những năm cuối thế kỷ XVIII.
Nhiều cụ cao niên của dòng họ Nguyễn Huy cho biết, vào 1764 triều đình nhà Lê cử thám hoa Nguyễn Huy Oánh đi sứ phương Bắc (Trung Quốc). Trong thời gian đi sứ, ông đã gặp rồi kết giao với một nho sinh ở ngoại thành Bắc Kinh. Ông từng ra tay giúp làng của nho sinh này tránh được họa dịch tả và được nho sinh này đáp trả bằng cách dạy cho ông một số thuật ứng dụng trong Kinh Dịch. Năm 1766 ông chính thức kết thúc nhiệm kỳ bang giao, trở về nước tiếp tục công việc cũ của mình. Một lần, khu phố Khâm Thiên ở nam thành Thăng Long bỗng dưng phát hỏa, Nguyễn Huy Oánh đã kêu gọi binh sỹ… ôm rơm đến chữa cháy. Việc làm “ngược đời” bị nhiều người trong triều phản đối nhưng trong cơn nguy biến đành phải để ông làm. Lạ thay, rơm tung đến đâu thì trời mưa trút xuống đến đó và ông đã dập tắt được nạn đại hỏa mà không phải tốn nhiều công sức. Trước “chuyện lạ có thật” này, nhiều kẻ nịnh thần ghen ghét ông đã đặt điều cho ông là có phép thuật lạ. Vua do sợ ông có phép sẽ chiếm ngôi nên cũng tìm cách giáng chức của ông, không cho làm quan nữa. Thời gian này ông bắt đầu trở về quê để lập Thư viện Phúc Giang và bắt đầu công việc dạy học như đã mong muốn từ lâu.
Đền thờ danh nhân Nguyễn Huy Tự tại Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.Tuy nhiên, trong một số chính sử thì lại ghi, 15 năm sau kể từ ngày ông đi sứ về nước (tức vào năm 1871) ông được về quê chịu tang bà mẹ kế Trần Thị Cung và ông ở luôn lại quê, không xuất chính nữa. Nghĩa là ông tự cáo quan về ở ẩn chứ không phải bị giáng chức như lời truyền.
Về quê, cụ Nguyễn Huy Oánh cùng các học trò lập nên Thư viện Phúc Giang để dạy dỗ cho học trò vùng Trường Lưu và các tổng xứ lân cận. Chỉ 2 năm sau khi đi vào hoạt động, Phúc Giang thư viện đã thực sự trở thành tâm điểm của văn hóa, giáo dục xứ Nghệ nói riêng và cả nước nói chung, chỉ sau kinh thành Thăng Long thời đó. Sách Nguyễn Thị gia tàng chép: “Các danh sĩ có tiếng nhiều người học cửa ông. Thi đỗ cao và làm quan đồng triều có hơn 30 vị. Kể như Trương Văn Quỹ (Thanh Nê), Trần Công Xán (Yên Vĩ), đều là bậc tham dự chính sự; Phạm Nguyễn Du (Thạch Động), Phạm Quý Thích (Hoa Đường), là những người nổi danh văn học. Trong thì có các vị phiên đạo, ngoài có các quan Thừa hiến, đâu cũng gặp học trò ông. Đến như những kẻ thành danh, từ Giải nguyên, Tri huyện, Tri phủ, Giám sinh thì có rất đông”.
“Thử hình dung, giữa một vùng quê nhỏ bé và hẻo lánh xa nơi đô hội có một trường học trải rộng trên hàng chục mẫu đất với hàng trăm học trò, ngày đêm học hành, sinh hoạt quả là chuyện khó tưởng. Chỉ hai năm sau khi trường bắt đầu hoạt động đã nổi tiếng gần xa. Nhà vua đã có tới hai sắc chỉ cho chủ nhân và ngôi trường là “Yên phủ hoằng dụ đại vương” với những lời lẽ trân trọng…” – cụ Bá tâm sự.
Anh Nguyễn Huy Từ – người đang được gia tộc giao trông nom, gìn giữ 450 bản sách gỗ hiếm có.Cùng với lập Thư viện Phúc Giang, Nguyễn Huy Oánh còn tổ chức rất nhiều hoạt động khác như khắc gỗ in ấn sách vở, đặt quỹ học điền… Năm 1824, nhà Nguyễn có sắc phong phong cho Nguyễn Huy Oánh là “Phúc Giang thư viện uyên bác chi thần” (Vị thần uyên bác của viện sách Phúc Giang). Thư viện Phúc Giang biến thành một ngôi đền thờ một ông thần hiếm có trong lịch sử mà công trạng không giống với một vị nhân thần nào – ông thần học vấn có công với văn hóa, giáo dục chứ không phải là ông thần có công đánh giặc, dẹp loạn hay khai khẩn. Đền thờ nay không còn nhưng nền cũ và những mộc bản còn sót lại được con cháu Nguyễn tộc hết sức giữ gìn và tôn kính.
Hà Tùng Long
Gia Đình