Địa Chí Hà Tĩnh

Thao thức bến đò Cày

Làng Vĩnh Khánh, xã Trường Sơn – Đức Thọ (Hà Tĩnh) nép mình dưới dãy Thiên Nhẫn trùng trùng, điểm hợp lưu của sông Ngàn Phố với sông La. Rẻo đất bán sơn địa ấy được ví như một ốc đảo nhỏ, nhưng đấy lại là niềm thương, nỗi nhớ để bao người đi xa đau đáu tìm về…

Về trên bến đò Cày hôm nay sao mà chạnh lòng đến thế, nhìn dòng nước lững lờ trôi mà lòng tôi ngấn nước: Bến nước năm nào vẫn còn đó em ơi/ Nơi chúng mình thả con thuyền giấy/ Cái vệt trắng rung rinh bồng bềnh con nước chảy/ Thuyền giấy đâu rồi em hỏi sao thương?


Đồng đất cằn cỗi quê tôi đã gắn bó với nghiệp nhà nông tự bao đời. Đò Cày ngày xưa gọi là Bãi Tuần, cái tên nghe mộc mạc ấy gợi lên biết bao nỗi nhọc nhằn, lam lũ, thân thương như tấm áo bạc màu của mẹ, khắc khổ như gánh nặng cuộc đời trên vai cha. Bến sông nối đôi bờ Đức Thọ – Hương Sơn đã đi vào huyền thoại tự bao giờ. Ký ức dòng sông vọng về lắng đọng với biết bao buồn vui vời vợi. Khúc sông ấy là niềm thương nỗi nhớ trong lòng kẻ ở người đi.


Ngày trước khi rừng thượng nguồn còn giữ được màu xanh, dòng sông Ngàn Phố như dải lụa mượt mà xanh trong ôm ấp và bồi đắp tốt tươi cho những làng xóm ven sông; thì nay, dừng chân nơi bến nước, lặng nhìn đôi bờ bên bồi, bên lở, thương những lũy tre ngả nghiêng xác xơ nằm trơ gốc bởi mới hôm qua thôi nơi đây là điểm xoáy lũ kinh hoàng. Dẫu không còn vẹn nguyên như xưa nhưng bến đò Cày vẫn là nơi hội tụ đi về vui chơi hóng mát của làng. Những trưa hè nóng bức bà con thường dừng chân ngơi nghỉ sau buổi làm đồng mệt nhọc. Mẹ vẫn ngồi bên bến sông ngóng đợi anh về, bởi cũng nơi bến đò này, ngày xưa mẹ tiễn anh lên đường nhập ngũ mà giờ anh chưa trở về



Bạn bè ơi, xin một chút cùng tôi nhớ về cái thuở trốn mẹ tắm sông, chạy nắng để tóc vàng hoe. Đêm quê hương mênh mang diệu vợi, khoát một chút nước xoa lên mặt, tôi như muốn tìm lại những kí ức tuổi thơ một thời dịu đắng. Trong vị gió sông quê như còn dư âm vọng về những giọng hò, câu ví và tiếng sáo tình tứ gọi người đợi trăng lên. Bến đò Cày ơi! Người đi xa ai cũng muốn tìm về…


Đã qua một thời rực lửa chiến tranh, bến đò Cày là một trong những nơi hứng chịu sự đánh phá ác liệt của bom Mỹ. Làng xóm tôi đã bao lần bị cày xới, bởi bến đò Cày nằm sát bến phà Linh Cảm – điểm huyết mạch nối con đường Trường Sơn đi qua. Như vẫn còn đâu đây hình ảnh vành lá ngụy trang của những đoàn quân trùng trùng ra trận.


Làng Vĩnh Khánh ví như chiếc nôi nhỏ thủy chung, dải đất hẹp như cái cái eo thon của người thôn nữ. Người dân quê tôi bao đời nay vẫn tảo tần, cần kiệm mà vẫn chưa dứt đói nghèo. Vùng đất ấy nằm biệt lập, xa chợ, xa trường, xa bệnh viện. Làng ở bên này sông Ngàn Phố nhưng ruộng nương lại ở bên kia sông, thuộc địa phận Hương Sơn. Bao đời nay con đò vẫn phải gồng mình chở nỗi nhọc nhằn của người làm nghề nông. Nghiệt ngã nhất là vào những mùa mưa lũ, nhìn “xóm đảo” ấy như chiếc phao nổi giữa trắng trời biển nước. Những ngày chông chênh trong lũ, sinh hoạt người dân quê tôi vô cùng đạm bạc, miếng ăn hàng ngày trông vào những cọng rau trên rú, con cá khô dự trữ, quả cà muối mặn. Nhìn lũ trẻ phải lội bộ đi học đường xa, giữa lúc mưa to gió lớn, vẫn phải cố đến trường. Có khi sợ chậm giờ cả đám lại ôm cặp cùng nhau chạy, đến lớp nhìn nhau hổn hển cười. Phải chăng từ cái nghèo cái khó để những đứa con của làng ra đi càng phải gắng hơn, càng vững tin, cứng cáp hơn trên những chặng đường đời. Đất chẳng phụ người, sỏi đá khô cằn nắng chát từ những đồi núi trọc cũng phải mềm đi bởi có bàn tay cần mẫn của người nông dân. Nhìn những vườn cây trĩu quả, đám sắn, vạt ngô xanh mướt mà lòng tôi ấm lại. Đặc biệt, ở Vĩnh Khánh có đặc sản chè xanh để nhớ. Uống bát nước chè đậm đà, thơm thảo cất lên từ đất đỏ và giọt mồ hôi thầm lặng của mẹ, của cha mà lòng thổn thức.


Bến đò Cày ơi! với bao điều xa xót, nhìn những chuyến đò vào mùa gặt của người dân thật tất bật, hối hả bộn bề. Nào người, gánh gồng, xe cộ cố chen chúc nhau lên đò. Ngồi trên chuyến đò chiều muộn, tôi chứng kiến cảnh người và trâu bò cùng qua sông trong nỗi thấp thỏm âu lo. Thương cha thường dậy sớm, mở trâu, vác cày qua sông khi trời chưa kịp sáng. Nhớ những buổi chiều đông hun hút giữa gió bấc căm căm, bụng đói cồn cào chúng tôi mắt đỏ hoe hoe, cứ chạy ra bến đò ngóng mẹ, thương những bữa cơm nguội lạnh bởi mẹ về trễ chuyến đò Cày. Câu chuyện chìm đò cách đây hơn hai mươi năm về trước đã cướp đi người bạn gái cùng lớp của tôi và bốn người con gái khác cũng bị cuốn trôi theo dòng nước xiết là nỗi đau xé lòng của làng tôi. Bao lần tôi thầm tự hỏi: không biết bắt đầu từ đâu và tại sao lại chia cắt, phân bố ruộng nương lạ lùng đến thế? Xã này lại canh tác, làm ăn qua huyện nọ, như người dân ở bên Vĩnh Khánh – Đức Thọ lại sang làm ruộng ở đồng đất Hương Sơn, công việc mưu sinh bất lợi nhiều bề, thật có một không hai là một nghịch cảnh của nghề nông ở quê tôi. Đây là một nghịch lý, bài toán vẫn chưa giải được, không biết đến tận bao giờ mới có nhịp cầu bắc qua sông?


Đêm quê hương trời đầy sao, bên ấm chè xanh hôi hổi, râm ran chuyện làng chuyện nước, nghe bà con bàn tán xôn xao về dự án “bắc cầu qua bến đò Cày”. Có phải vậy không? Tôi đang lắng nghe về giấc mơ ngàn đời. Xóm nhỏ, dòng sông bến nước đang trào lên nỗi thao thức đợi mong. Vâng, đó là khát vọng cháy bỏng từ bao đời nay của người dân lam lũ quê tôi…


Nha Trang, tháng 9-2011.


Bài, ảnh: Duy Hoàn

QDND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP